Bước chuyển Sơn Phú

08:51, 09/12/2009

Là xã đặc biệt khó khăn của Định Hóa nhưng lại nằm trong vùng trung tâm sản xuất chè của huyện, nên những năm gần đây cuộc sống của người dân Sơn Phú đã đổi khác rất nhiều. Không ít hộ dân đã biết phát huy lợi thế, nhanh nhạy trong sản xuất, từng bước vươn lên có cuộc sống đủ đầy hơn.

Không chỉ ở Sơn Phú mà trong toàn huyện, không mấy ai là không biết đến chị Nguyễn Thị Nguyệt, xóm Phú Hội 2, tuổi trẻ nhưng giỏi tính toán làm ăn, phát triển kinh tế hộ. Sinh năm 1987, thành lập gia đình chưa lâu, hai vợ chồng chị Nguyệt đã sở hữu một vườn ươm giống chè cành rộng hàng nghìn mét vuông, mỗi năm cung cấp khoảng 70 vạn hom chè chất lượng cho nhân dân địa phương và một số tỉnh lân cận. Chị Nguyệt là hội viên Hội Phụ nữ xã nên thường xuyên được tham gia chương trình tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế giỏi của chị em trong và ngoài tỉnh. Hơn nữa, cũng như nhiều hội viên khác, chị được tổ chức Hội tạo điều kiện giúp đỡ một phần vốn vay, tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật ươm giống chè…

 

Nắm bắt được chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh phát triển cây chè, tập trung cải tạo chè cũ, đưa các giống chè cành năng suất, chất lượng cao vào trồng đại trà, nên chị quyết định xin huyện xây dựng vườn ươm giống chè. Chị đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và dày công nghiên cứu thị trường để lựa chọn các giống chè thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: LDP1, PH1, TRI777. Không chỉ có người dân địa phương mà ngay cả một số hộ từ Tuyên Quang, Bắc Kạn cũng tìm đến đặt mua hàng vạn hom chè giống của gia đình chị. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị cũng để ra gần một trăm triệu đồng từ vườn ươm, góp phần tạo việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương.

 

Là vùng sản xuất chè, nên đa phần người dân Sơn Phú đều chú trọng đến cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao này. Cùng với đó, nhiều gia đình đã biết kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng…để có thu nhập ổn định hơn. Gia đình chị Trương Thị Yên, xóm Phú Hội 1 là một ví dụ. Với 6 sào chè cành cộng với hàng trăm con gà đẻ, gà thịt và một ao nuôi cá, mỗi năm gia đình chị Yên cũng thu về khoảng 70 triệu đồng. Bà Lê Thị Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Sơn Phú, không ít mô hình phát triển kình tế hộ, trong đó có nhiều mô hình do chị em làm chủ đã được đi báo cáo điển hình tiên tiến của huyện. Điều đáng mừng là những mô hình này ngày càng được nhân rộng thêm. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 22 vườn ươm giống chè cành với tổng số khoảng 350 vạn hom mỗi năm. Đây là điều kiện rất tốt để có thể đẩy nhanh tiến độ cải tạo, thay thế cây chè giống cũ đã và đang bị thoái hóa trên địa bàn xã. Nhằm giúp người dân dần thay đổi cuộc sống, có thể làm giàu được từ cây chè, Đảng bộ xã Sơn Phú hàng năm đều có nghị quyết riêng về việc đẩy mạnh cải tạo, trồng mới và thâm canh chè, hướng tới vùng chè an toàn và chè nguyên liệu chất lượng cao. Riêng trong năm 2009 này, toàn xã đã triển khai trồng 26,2ha chè cành để thay thế diện tích chè đã cằn cỗi; nâng diện tích chè thâm canh của toàn xã lên 140ha. Hiện nay, năng suất bình quân chè chuyên canh của Sơn Phú đã đạt khoảng 70 tạ/ha. Như vậy, với diện tích 260ha chè chuyên canh, năm 2009, toàn xã đã sản xuất được 1.820 tấn chè, cung cấp cho các nhà máy chế biến và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

 

Cùng với mũi nhọn là cây chè, người dân Sơn Phú còn tập trung phát triển nghề rừng thông qua các Chương trình 661, trồng cây nhân dân... Mỗi năm, xã tiến hành trồng mới khoảng 70ha, trong đó 40% là rừng sản xuất. Nhiều hộ dân đã nhận trồng và chăm sóc hàng chục héc ta rừng với thu hoạch mỗi năm đạt giá trị từ 50 đến 100 triệu đồng. Hơn thế nữa, bà con đã biết tăng thêm thu nhập bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, toàn xã có trên 700 con trâu, bò thịt và sinh sản, trên 4 nghìn con lợn và hàng vạn con gia cầm. Cuộc sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo cũng ngày một giảm (còn 26%, giảm 6,11% so với năm 2008), số hộ khó khăn có nhà ở mới cũng tăng (năm 2009 có thêm 43 hộ xây được nhà ở mới), số lao động thất nghiệp được giải quyết hàng năm cũng từ khoảng 100 đến 120 người…

Chuyển biến mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình của Sơn Phú là điều kiện quan trọng để chính quyền địa phương mạnh dạn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hàng năm, nhân dân trong xã đã vận động nhau đóng góp nhiều khoản tiền đối ứng xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Riêng năm 2009, bằng nhiều nguồn vốn xã đã xây dựng được Trạm y tế, sửa chữa cầu Bản Giáo, xây dựng Trạm giếng khoan nước sạch, làm đường bê tông đi các xóm Phú Hội, Bản Trang, Trường Sơn, xây dựng nhà lớp học hai tầng - Trường tiểu học Sơn Phú… Ông Hoàng Văn Ngạnh, Chủ tịch UBND xã tâm sự: Cuộc sống của người dân trong xã bấy lâu nay đã gặp nhiều khó khăn rồi, giờ mới bắt đầu được cải thiện. Đó là những nỗ lực không chỉ của cấp ủy, chính quyền địa phương mà của từng người dân trong xã. Với định hướng phát triển mạnh cây chè, địa phương chúng tôi đang hướng đến một vùng sản xuất chè tập trung để có thể làm giàu từ cây trồng mũi nhọn này.