Theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển (CĐCT) ghi rõ: UBND các tỉnh căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của địa phương tổ chức tuyển chọn, đặt hàng đào tạo theo CĐCT với các cơ sở giáo dục và quyết định cử người đi học theo đúng đối tượng. Ngân sách địa phương đảm bảo 100% chi phí đào tạo cho các trường hợp đã cử đi...
Cơ cấu, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý
CĐCT của Đảng và Nhà nước nhằm tuyển sinh không qua thi tuyển vào ĐH, CĐ, THCN để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Như vậy, chính sách CT chính là đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao dân trí cho vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước, CĐCT của tỉnh theo chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT giao. Cũng vì những quy định còn thiếu chặt chẽ nên việc theo dõi chế độ học tập, quản lý học sinh (HS) sau khi ra trường của tỉnh gần như bỏ trống. Vì thế, mới có tình trạng HS sau khi tốt nghiệp không về địa phương nơi cử mình đi học để công tác.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 134, thì đầu vào CT của tỉnh trong 2 năm qua đã được siết chặt. Với vai trò là cơ quan thường trực về thực hiện CĐCT, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương thuộc vùng tuyển sinh đăng ký nhu cầu đào tạo CT. Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh đăng ký chỉ tiêu CT với Bộ GD&ĐT. Căn cứ chỉ tiêu được giao, trình Hội đồng tuyển sinh của tỉnh dự kiến phân bổ chỉ tiêu cho các huyện. Hội đồng tuyển sinh CT cấp tỉnh tổ chức xét duyệt đúng hướng dẫn. Năm 2008 toàn tỉnh có 10 chỉ tiêu CT ĐH, năm 2009 là 12 chỉ tiêu. Tuy đã được hướng dẫn đăng ký nhu cầu về các ngành nghề cụ thể cử HS đi học CT, nhưng cơ cấu, ngành nghề đào tạo mà các huyện cử đi không sát với thực tiễn địa phương. Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đắc Ngà, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT) cho rằng: "Khi họp, chúng tôi đã quán triệt rất kỹ tới các địa phương, nhưng khi đăng ký nhu cầu CT các huyện vẫn làm qua loa, đại khái. Có huyện đang có tới 3 HS học CT ĐH Văn hoá. Năm nay vẫn đăng ký xin chỉ tiêu đào tạo ĐH Văn hoá. Liệu 3 SV kia khi tốt nghiệp có bố trí được việc làm không? Hay như một huyện có SV học cử nhân giao thông, tốt nghiệp về bố trí làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng vẫn xin chỉ tiêu đại học giao thông; cá biệt có huyện xin quá nhiều chỉ tiêu ĐH sư phạm...". Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông (Đại Từ): "Xã chúng tôi có 7 cháu đang học CT tại các trường ĐH. Nhưng những trường các cháu học phần lớn không phù hợp với địa phương như: ĐH công nghiệp, ĐH kiến trúc, ĐH ngoại ngữ, ĐH sư phạm... trong khi đó xã rất cần cán bộ kỹ thuật về nông - lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi thì lại không có cháu nào học các trường này. Vì vậy, tôi đề nghị khi thực hiện CĐCT cần phải căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch sử dụng cán bộ lâu dài của các địa phương. Nếu cứ thực hiện như hiện nay, tôi đảm bảo 7 cháu tốt nghiệp cũng không về địa phương công tác". Trong số trên 100 trường hợp của tỉnh đang học CT từ năm 2005 trở lại đây thì tất cả đều học ĐH, trong khi đó ở cấp xã thì ở một số chuyên ngành chỉ cần đào tạo ở bậc CĐ, THCN là có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Khó khăn trong bố trí việc làm
Cũng do cơ cấu, ngành nghề đào tạo mà các địa phương cử đi không sát với yêu cầu thực tế nên khi SV tốt nghiệp khó tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Làm việc với đồng chí Nguyễn Thị Lan, cán bộ Phòng Tổ chức bộ máy đào tạo và bồi dưỡng Sở Nội vụ chúng tôi được biết: "Theo văn bản số 1185/UBND ngày 27/7/2009 của UBND tỉnh thì Sở Nội vụ được giao trách nhiệm tiếp nhận tất cả hồ sơ của SV trong diện đi học CT đã tốt nghiệp. Sở chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan và địa phương nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh phương án giải quyết việc làm cho SV trong diện CT đã tốt nghiệp trở về địa phương để UBND tỉnh xem xét quyết định. Năm nay, Sở tiếp nhận 11 hồ sơ của các SV tốt nghiệp. Sở đã bàn giao hồ sơ cho Phòng Nội vụ các huyện để bố trí công tác".
Nói về việc bố trí việc làm cho các SV CT sau khi tốt nghiệp, đồng chí Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nội vụ Định Hoá rất trăn trở: "Đến nay, cả 7 em đều đã rút hồ sơ gốc. Theo Nghị định 134 của Chính phủ thời gian người học chờ tỉnh phân công công tác tối đa là 6 tháng. Ngoài trường hợp 2 em tốt nghiệp năm 2008 chưa có việc làm, thì 5 em tốt nghiệp năm 2009 tôi nghe nói đã có 2 em tìm được việc làm mặc dù vẫn trong thời gian quy định chờ địa phương phân công công tác. 7 SV này đều không thuộc các chức danh huyện quy hoạch và huyện không còn biên chế để tuyển. Trường hợp em Ma Khắc Thuần, tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc, chúng tôi đề nghị về làm tại Phòng Công thương của huyện, nhưng em không về. Mà có về cũng phải thi tuyển công chức như các trường hợp khác. Vì hiện nay chưa có quy định nào cho phép đặc cách những SV tốt nghiệp hệ CT vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Vì thế, nếu huyện có tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển công chức, viên chức, chúng tôi chỉ biết thông báo để các em thuộc diện CT đăng ký xét tuyển hoặc thi tuyển". Ngoài trường hợp của Thuần, chúng tôi được biết em Ma Khắc Trường, xã Trung Hội tốt nghiệp Trường ĐH Thuỷ lợi ngày 18-6-2009, thì tháng 9-2009 (vẫn trong thời điểm chờ phân công công tác) em đã xin làm hợp đồng tại Chi cục Thuỷ lợi và phòng, chống lụt bão tỉnh. Trao đổi với Trường chúng tôi được biết em cũng rất muốn trở về huyện công tác, nhưng không xin được việc.
Bên cạnh những SV học các chuyên ngành được coi là đang "khan" có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, thì đa phần SV CT sau khi ra trường đều ở nhà chờ cơ hội xin việc. 2 năm qua, Nguyễn Thị Hoài, tốt nghiệp ĐH Văn hoá, nhà ở xã Trung Hội (Định Hóa) không xin được việc phải ở nhà đan mành cọ. Nói về quá trình chờ xin việc Hoài chỉ thở dài: "Được đi học theo chế độ CT em rất nỗ lực để học tốt. Nhưng tốt nghiệp gần 2 năm nay không kiếm được việc làm em rất nản lòng. Vừa qua, UBND huyện thông báo tuyển dụng công chức cấp xã, có 4 chỉ tiêu cán bộ văn hoá xã hội. Em nộp hồ sơ và đang chờ thi tuyển, nhưng không biết có đỗ không?". Học cùng trường, cùng chuyên ngành Văn hoá dân tộc thiểu số Việt Nam, nhưng tốt nghiệp sau Hoài 1 năm, Hoàng Tuấn Anh, xóm Ru Nghệ 2, xã Đồng Thịnh cũng đang ở nhà chờ việc. Theo bố Tuấn Anh, bác Hoàng Đình Lịch: "Nếu không được phân công công tác, gia đình cũng chẳng biết xin việc cho cháu ở đâu".
Qua thống kê của đồng chí Trần Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Trung Hội: Toàn xã có 5 trường hợp đi học theo CĐCT ĐH. Nếu được đưa về địa phương công tác thì cũng không biết bố trí vào đâu vì trong 19 chức danh của xã, có 7 chức danh công chức đã được đào tạo cập chuẩn. Địa phương rất thiếu cán bộ làm công tác nông - lâm nghiệp, giao thông thuỷ lợi, nhưng lại không có biên chế để tuyển dụng”.
Lời kết
Để chính sách CT mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ có trình độ, góp phần nâng cao dân trí cho vùng đặc biệt khó khăn, thiết nghĩ bên cạnh việc siết chặt đầu vào trong đào tạo; phối hợp với các cơ sở đào tạo để quản lý về chất lượng đào tạo theo đơn đặt hàng của tỉnh, các huyện cử HS đi học CT phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, công tác quy hoạch, kế hoạch cán bộ lâu dài của địa phương. Tuỳ điều kiện của từng tỉnh, Hội đồng tuyển sinh của tỉnh nên bổ sung các tiêu chí cần thiết để nâng cao chất lượng SV CT. Ngoài đào tạo bậc ĐH, thời gian tới nên CT các bậc học thấp hơn như CĐ, THCN để phục vụ ngay trên địa bàn xã nơi HS đã từng sinh sống. Mặt khác,
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XI vừa qua, khi nói về thực hiện CĐCT, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: "Cùng với các chương trình phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn, các xã 135, CT là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước quan tâm đến đồng bào các dân tộc, vì thế phải thực hiện nghiêm túc. Các địa phương phải có chiến lược dài hơi trong xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ để cử HS đi học CT phải đúng địa chỉ, khi tốt nghiệp cũng phải về đúng địa chỉ khi mình đi học để công tác, cống hiến trí tuệ xây dựng quê hương".