Người Mông Lân Vai đoàn kết vượt khó

08:39, 08/12/2009

Cái quý nhất của người Mông Lân Vai (xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai)  là tinh thần đoàn kết! Cuộc sống tuy còn nhiều thiếu thốn khó khăn, nhưng khi có ai không may gặp hoạn nạn là cả bản xúm vào giúp đỡ. Những người dân ở bản Lân Vai coi nhau như anh em một nhà...

 

Hôm chúng tôi đến, gia đình Trưởng bản Lân Vai Hoàng Văn Khình đang chuẩn bị xây dựng ngôi nhà ước trị giá khoảng 70 triệu đồng. Ông Khình vui lắm khi kể chuyện với chúng tôi về người Mông ở Lân Vai sống đoàn kết, chăm chỉ lao động, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

 

Câu chuyện về việc 52 hộ dân trong bản năm 2008 đã đóng góp công sức, tiền của giúp gia đình anh Hoàng Văn Hành dựng lại căn nhà mới sau khi căn nhà cũ bị lốc bão làm sập hoàn toàn, được ông Khình kể lại với giọng rất t hào. Hết một tuần trà, mà ông vẫn còn say sưa lắm. Tôi cắt ngang: - Thế Trưởng bản trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế mà tiết kiệm được nhiều tiền chuẩn bị làm nhà to thế?

 

- Tôi trồng ngô, đậu tương, mía và chăn nuôi gia súc!

 

- Bản mình không có ruộng cấy lúa hay sao?

 

- Nước sinh hoạt còn thiếu, lấy đâu ra nước để gieo cấy lúa, đất đai ở đây khô cằn lắm, chỉ trồng đưc cây màu. Cả bản chỉ có 3 hộ trồng được một vụ lúa thôi!

 

- Bản mình có đảng viên chưa ạ?

 

- Mới có một đảng viên là ông Lý Sàng Tu, sinh năm 1969. Ông Tu sống rất gương mẫu và có uy tín với dân bản. Khi có gì vướng mắc, cần tháo gỡ, dân bản đều tham khảo qua ý kiến của đảng viên Tu. Tôi đang là đảng viên dự bị, sắp trở thành đảng viên chính thức rồi, mình cần phải nỗ lực, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để góp phần cùng bà con xây dựng bản Lân Vai phát triển. Hầu hết các hộ đã mua được xe máy, ti vi; số ít hộ đã lắp điện thoại cố định, sắm cả điện thoại di động để trao đổi thông tin với bên ngoài. Từ năm 2000, bản Lân Vai đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ có con đường vào bản vẫn còn gập ghềnh, khúc khuỷu; người dân chưa được sử dụng nước sạch sinh hoạt...  

 

Cũng như ở Lân Thùng (xã Phương Giao, huyện Võ Nhai), đồng bào dân tộc Mông ở Lân Vai chủ yếu sống dựa vào cây ngô và đậu tương. Những giống ngô bà con đưa vào gieo trồng cơ bản là những giống mới cho năng suất cao, đạt từ 3-5 tạ/kg giống. Một số hộ trong bản đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng từ 10-15 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Trong bản có 2 hộ đã học được nghề làm đậu phụ, về sản xuất cung cấp cho cả bản. Kinh tế đã bớt nghèo khó, trẻ em trong bản đều được đi học đúng độ tuổi, không có trẻ em bỏ học. Hiện nay, bản Lân Vai còn khoảng 25 hộ nghèo. Trưởng bản Khình nhận định: Trong năm nay bản sẽ giúp đỡ ít nhất là 5 hộ thoát nghèo.

 

Trong căn nhà gỗ của bà Lầu Thị Sính nằm ngay đầu bản, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy tivi, đài cát sét, đầu đĩa, điện thoại... được kê ngay ngắn ở góc nhà. Trên tường treo tấm giấy chứng nhận Gia đình văn hóa. Gia đình bà Sính là một trong 3 hộ may mắn có 6 sào ruộng cấy được 1 vụ lúa 3 sào ngô... Bà Sính cho biết: Gia đình tôi từ Linh Phú - Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về đây sinh sống từ năm 1969. Lúc đó bản Lân Vai chỉ có lác đác vài hộ gia đình, đời sống vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Nay, bản đã trở nên đông đúc, đời sống đồng bào đã khấm khá hơn trước nhiều là nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, bà con dân bản chỉ biết bảo ban nhau chăm chỉ lao động, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đóng góp đầy đủ các loại quỹ theo quy định...

 

Nhiều người phụ nữ Mông bây giờ đã khác trước rất nhiều, không chỉ lầm lũi lao động, sinh con và phục vụ chồng, họ tích cực tham gia các buổi sinh hoạt Hội phụ nữ, tập huấn KHKT, nghe đài, xem ti vi, xuống chợ giao lưu với chị em các dân tộc khác... nên đã năng động hơn, am hiểu hơn về đời sống xã hội, nói năng lưu loát. Rời nhà bà Sính, chúng tôi sang thăm gia đình vợ chồng trẻ Lý Văn Vàng, cũng  là gia đình đang nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Ngay trước cửa nhà là bãi ngô đến kỳ thu hoạch, những bắp ngô to, để già nắng, lộ những hạt vàng óng. Anh Vàng đang loay hoay với chiếc máy tuốt ngô, còn chị Xanh (vợ anh) thì thoăn thoắt bẻ những bắp ngô to và đều hạt tung vào chiếc thạ khoác sau lưng. giữa nơi núi rừng trùng điệp, nơi cuộc sống vẫn còn lắm nhọc nhằn, vẻ đẹp của người lao động càng trở nên rạng ngời. Chưa kịp hỏi han nhiều, tôi vào bãi ngô, bấm máy ảnh lia lịa. Chị Xanh e thẹn quay đi, đôi má ửng hồng.

 

Mặt trời chầm chậm xuống núi, chúng tôi chia tay những người con của bản Lân Vai. Con đường trở về thành phố như gần hơn vì trong lòng chất chứa bao niềm vui và hy vọng. Hy vọng một ngày trở lại, chúng tôi sẽ phóng xe máy một mạch đến sân nhà Trưng bản Khình, chứ không phải thở phì phò khi leo qua mấy con dốc cao ngất, mỗi bước đi đầu gối gần chạm mặt người...