Ngô lai LVN 61 trên đất Lâu Thượng

08:06, 08/01/2010

Về với bà con nông dân xã Lâu Thượng, Võ Nhai những ngày đầu năm 2010, chúng tôi được nghe người dân nói nhiều về hiệu quả của giống ngô lai LVN 61. Được trồng khảo nghiệm trong vụ xuân và vụ hè thu ở một số xóm trong xã, ngô lai LVN 61 cho năng suất trung bình gần 2,7 tạ/sào và cao hơn 20% so với giống ngô phổ biến ở địa phương.  

 

Gia đình đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình ông Lê Văn Phong, xóm Yên Ngựa. Gia đình ông có diện tích trồng ngô là 1,6 mẫu đất ruộng. Vụ xuân năm 2009, ông dành ra 2 sào để trồng thử nghiệm giống ngô LVN 61. Kết quả cho thấy, với điều kiện chăm sóc như nhau thì giống ngô LVN 61 cho năng suất cao hơn hẳn giống ngô CP 888 mà gia đình trồng trên diện tích 1,4 mẫu đất còn lại. Từ kết quả trên, ông Phong mạnh dạn trồng 1,2 mẫu đất giống ngô LVN 61 trong vụ hè thu 2009. Kết quả hai vụ cho thấy, nếu như diện tích ngô CP 888 chỉ cho năng suất bình quân đạt trên 2,2 tạ/sào thì diện tích ngô LVN 61 cho năng suất tới gần 2,7 tạ/sào. Ngoài ra, tỷ lệ ngô LVN 61 bị bệnh khô vằn trên ruộng của gia đình ông Phong cũng thấp hơn tỷ lệ bệnh trên ngô giống CP 888.

 

Tương tự như gia đình ông Phong, ông Đỗ Văn Nhật cùng ở xóm Yên Ngựa dành diện tích 2 sào để trồng khảo nghiệm ngô LVN 61 trong vụ xuân 2009. Mặc dù không đảm bảo được lượng phân bón như hướng dẫn, nhưng năng suất ngô LVN 61 trung bình của gia đình ông vẫn đạt cao hơn năng suất trung bình của ngô giống CP 888. Trong vụ hè thu 2009, gia đình ông mở rộng trồng 6 sào ngô LVN61. Rút kinh nghiệm từ vụ xuân 2009, ông Nhật sử dụng đủ lượng phân bón như hướng dẫn đồng thời bón thêm phân chuồng. Chính vì vậy, mà năng suất ngô của ông đạt cao nhất xã tương đương gần 2,9 tạ/sào.

 

Ngoài hai hộ gia đình trên, trong vụ hè thu 2009, hàng trăm hộ gia đình khác của xóm Yên Ngựa, Làng Hang, Na Hấu cũng trồng ngô LVN 61 trên tổng diện tích trên 20 ha. Dự án khảo nghiệm tại xóm Yên Ngựa do Hội Phụ nữ huyện Võ Nhai là chủ dự án với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu ngô Trung ương. Tham gia trồng khảo nghiệm, mỗi hộ dân được hỗ trợ về giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc... Giống ngô đối chứng được Dự án chọn là giống ngô CP 888 của Tập đoàn CP (Thái Lan) được trồng phổ biến ở địa phương.

 

Theo kết quả đánh giá của Hội Phụ nữ Võ Nhai thì giống ngô lai LVN 61 trồng qua hai vụ tại xóm Yên Ngựa cho kết quả tốt với năng suất cao hơn trên 20% so với giống ngô CP 888. Năng suất trung bình trên mỗi sào của giống ngô LVN 61 đạt gần 2,7 tạ trong khi giống ngô CP 888 chỉ đạt trên 2,2 tạ. Theo đó, mỗi ha trồng ngô LVN 61 sẽ cho năng suất khoảng 7,3 tấn cao hơn gần 2 tấn so với giống CP 888. Con số này sẽ là rất ấn tượng nếu đem nhân với tổng diện tích trên 4 nghìn ha ngô của cả huyện Võ Nhai mỗi năm.

 

Không chỉ cho năng suất cao hơn giống ngô phổ biến, theo đánh giá của Hội liên hiệp Phụ nữ Võ Nhai, giống ngô LVN 61 chỉ có 10% tỷ lệ bệnh khô vằn. Trong khi ở giống CP 888, con số này là 20%. Tỷ lệ chênh lệch đường kính bắp và đường kính lõi của ngô giống LVN 61 cũng cao hơn giống ngô CP 888. Điều này cho thấy lõi ngô LVN 61 nhỏ hơn lõi ngô giống CP 888. Bên cạnh đó thì phương pháp trồng và quy trình chăm sóc ngô lai LVN 61cũng tương tự như phương pháp trồng, quy trình chăm sóc ngô giống CP 888 đã tạo điều kiện tốt cho người dân Lâu Thượng trong canh tác.

 

Nhận định về giống ngô LVN 61, ông Nông Văn En, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho rằng đây là giống ngô tốt nhất từ trước tới nay mà bà con nông dân địa phương sản xuất. Ông En cho biết: “Với chủ trương tăng sản lượng các cây có hạt của xã thì cây ngô LVN 61 rất phù hợp về nhiều mặt. Qua hai vụ khảo nghiệm thành công thì thời gian tới, xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn mạnh dạn khuyến khích nông dân mở rộng diện tích ngô lai LVN 61. Thậm chí, nếu thuận lợi, xã có thể sẽ triển khai hợp đồng sản xuất cả ngô giống LVN 61 theo đề nghị của Viện Nghiên cứu Ngô trung ương.”

 

Được biết, để có kết luận chính xác hơn về giống ngô LVN 61, Hội Phụ nữ huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu ngô Trung ương cho thí điểm mô hình ngô LVN 61 tại xã Tràng Xá trong vụ xuân năm 2010. Trên cơ sở đó, các đơn vị phối hợp sẽ đề xuất bổ sung giống ngô này vào cơ cấu giống ngô của địa phương trong những năm tới.