Quyết tâm làm một cây cầu

15:04, 30/01/2010

2 lần làm cầu qua suối mất gần 70 triệu đồng và hàng trăm ngày công nhưng đều bị nước lũ cuốn trôi nên người dân xóm Đầm Mụ, xã Bình Thuận (Đại Từ) vẫn phải bì bõm lội dưới nước buốt giá mỗi khi qua suối Chì. Không cam chịu nên trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần, 47 hộ dân ở Đầm Mụ tiếp tục đóng góp trên 30 triệu đồng, huy động con em trong xóm bỏ công sức làm cầu lần thứ 3…

 

Lần đầu đến Đầm Mụ chắc chắn ai cũng phải thốt lên trước cảnh sơn xanh, nước biếc được tạo dựng bởi dòng suối Chì trong veo uốn lượn như dải lụa dưới những đồi chè xanh ngát. Lúc yên bình là vậy còn khi mưa to, nước lớn, dòng suối Chì cuồn cuộn hung dữ nên các hộ dân ở Đầm Mụ luôn bị chia cắt với bên ngoài. Giao thông bị chia cắt nên ai cũng khổ mỗi khi phải lội bộ qua suối để vận chuyển hàng hoá, nhất là các cháu học sinh những lúc mưa lũ đành đứng bên bờ tả nhìn các bạn bên bờ hữu tung tăng tới lớp…

 

Hiểu được sự vất vả của bà con nên năm 1999, các đảng viên ở Đầm Mụ đã họp bàn về chuyện làm cầu qua suối Chì và thống nhất phân công trách nhiệm cho từng đảng viên vận động nhân dân, gửi văn bản lên cấp trên đề nghị hỗ trợ kinh phí. Không nhận được sự hỗ trợ nhưng năm đó, các hộ dân ở đầm Mụ vẫn quyết tâm đóng góp trên 30 triệu đồng và hò nhau xuống suối lấy cát, sỏi để làm một cây cầu bê tông qua suối Chì. Hơn 1 tháng vất vả, bà con ở Đầm Mụ đã tổ chức khánh thành cây cầu trong sự vui mừng và nể trọng của người dân những xóm bên cạnh. Cây cầu tạm mà người dân Đầm Mụ tự làm cũng chỉ chịu đựng được 2 mùa nước lũ và đến năm 2001 bị đổ sập, trôi theo dòng nước. Kinh tế khó khăn nên phải đến mùa khô năm 2003 người dân Đầm Mụ mới quyên góp được gần 40 triệu đồng để lần thứ 2 làm cầu qua suối Chì. Tiền đóng góp nhiều hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn và cộng thêm kinh nghiệm tích luỹ làm cầu lần trước, cây cầu lần thứ 2 đẹp, chắc chắn nên ai cũng nghĩ nó sẽ chịu đựng được nước lũ. Bao hy vọng của người dân Đầm Mụ chợt tắt khi trận lũ lớn nhất năm 2008 đã cuốn băng cây cầu ngay trước mắt một số người dân trong xóm ra suối Chì vớt củi trôi.

 

Quá mệt mỏi về chuyện làm cầu nhưng cuộc họp của Chi bộ Đảng Đầm Mụ tháng 8 vừa qua tiếp tục đưa vấn đề làm cầu ra bàn bạc vì các đảng viên đều cho rằng không có cầu kinh tế của địa phương sẽ khó phát triển, việc học hành của trẻ em trong xóm sẽ bị gián đoạn. Phân tích hết những cái khó và những điều lợi nên cấp uỷ Đầm Mụ vẫn quyết định làm cầu lần thứ 3. Để nhận được sự hậu thuẫn, một mặt cán bộ, đảng viên trong xóm chia nhau đi vận động nhân dân, mặt khác vận động gia đình tiên phong đóng góp trước. Lần này bà con ở Đầm Mụ làm cầu rộng hơn, có cốt thép nên phần đóng góp, công sức bỏ ra của bà con nhiều hơn. Qua thông tin của Trưởng xóm Đầm Mụ Nguyễn Văn Tài, chưa kể số ngày công bỏ ra có hộ nhiều khẩu đã đóng tới 700 nghìn đồng để làm cầu.

 

Khi chúng tôi đến Đầm Mụ cây cầu mới xong phần mố, trụ và dưới lòng suối Chì có hàng chục người vẫn chăm chỉ bới, đào trong tiếng nói cười vui vẻ. Có chị phụ nữ trung tuổi mặt quấn kín khăn chỉ để hở đôi mặt rất đẹp còn tếu: nhà báo đã đến Đầm Mụ nên bỏ giầy xuống suối bới cát ủng hộ bà con để tối còn giao lưu văn hoá, văn nghệ chứ; người thiếu nữ kế bên đề nghị cát không cần bới nhưng chụp tặng mỗi người một kiểu ảnh… Vẫn theo Trưởng xóm Nguyễn Văn Tài nhiều người bới cát, đãi sỏi đã bật cả máu tay nhưng không hề phàn nàn mà vẫn vui vẻ ngày ngày đi lấy vật liệu. Quả thật khi chúng tôi trực tiếp được nghe về những lần làm cầu trước và trực tiếp mắt thấy cảnh bà con Đầm Mụ lần làm cầu thứ 3 này mà thấy nể trọng đội ngũ cán bộ, bà con ở đây. Nhất là khi bắt tay từng người dân đều thấy thô ráp, đầy những vết xước do bới cát, đào sỏi, vận chuyển vật liệu nhưng ai cũng cười tươi và xiết chặt tay chúng tôi. Đảng viên Vũ Văn Tỵ- nguyên là Bí thư Chi bộ Đầm Mụ tâm sự: Là đảng viên đương nhiên những việc nặng, điều khó phải đoàn kết và tiên phong làm trước, làm có kết quả thì khi vận động nhân mới nhận được sự đồng thuận. 3 lần làm cầu chúng tôi đều công khai bàn bạc, phân tích điều hay lẽ phải, công khai chi phí và tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng của quần chúng… Nghe được những điều này, chúng tôi cũng phần nào hiểu được tại sao người dân Đầm Mụ lại quyết tâm 3 lần làm cầu trong khi kinh tế của các hộ vẫn còn thiếu thốn.

 

Lòng dân đã quyết, đội ngũ cán bộ cơ sở có trách nhiệm nhưng qua việc làm cầu của bà con ở Đầm Mụ, chúng tôi thấy khi những việc nhân dân đề xuất là quan thiết thì tại sao chính quyền cấp xã, cấp huyện và ngành chuyên quản của tỉnh không lắng nghe, tìm hiểu để giúp đỡ? Nếu như nhận được sự quan tâm, trách nhiệm, chắc chắn người dân Đầm Mụ không phải vận hết sức mình làm cầu trong cảnh thiếu kinh phí, lúng túng về kỹ thuật để rồi bao nhiêu công sức, tiền của bà con bị cuốn trôi hết lần này đến lần khác… Khi chia tay chúng tôi, Trưởng xóm Nguyễn Văn Tài nói nhỏ: Cấp uỷ và Ban công tác Mặt trận xóm rất quyết tâm nhưng cũng lo cây cầu không biết có hoàn thiện được không vì chi phí phát sinh lớn hơn nhiều so với dự tính và một số điều về kỹ thuật cũng đang làm chúng tôi băn khoăn!