Để nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, huyện Đại Từ đang hình thành dần các vùng chuyên canh, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tiến tới sản xuất chế biến nông sản hàng hoá. Đồng hành cùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm trở lên đang được nhân rộng nơi đây...
Dưới làn mưa bụi, chúng tôi có mặt tại xóm Táo, xã Hùng Sơn - nơi được coi là vùng chuyên canh trồng hoa của huyện Đại Từ. Ông Đỗ Đức Tần, một nông dân có hơn mười năm trồng hoa ở đây cho biết: Gia đình tôi có 6 sào đất chuyển sang trồng hoa từ năm 2000. Trước đây, trên diện tích này, gia đình tôi trồng lúa cũng chỉ đủ ăn, thu nhập thấp. Từ khi chuyển sang trồng hoa với 4 sào hoa hồng và 2 sào các loại hoa cúc, violet, thạch thảo, phăng sê, lay ơn… thì thu nhập của gia đình tôi hàng năm bình quân đạt trên 100 triệu đồng, cao gấp hơn chục lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, nghề trồng hoa đòi hỏi phải có sự đầu tư, công sức, kỹ thuật chăm sóc đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, muốn hoa nở đúng thời điểm thì người trồng hoa phải có kinh nghiệm nắm bắt thời tiết để cắt, cúp cành hoa, rồi bón phân hợp lý thì hoa mới nở đúng dịp...
Chúng tôi đến xóm Khâu Giáo 1, xã Bản Ngoại khi nông dân đang làm đất chuẩn bị trồng cây củ đậu vụ xuân. Anh Nguyễn Hữu Đông, cán bộ khuyến nông của xã cho biết: Nông dân trong xóm đưa cây củ đậu vào trồng từ năm 2005 với quy mô khoảng 1-2 ha. Thấy được hiệu quả kinh tế nhiều hộ dân của xã đã đưa vào trồng trên diện tích khoảng 20 ha. Năng suất của cây củ đậu trung bình đạt 41,5 tấn/ha, thu gần 50 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Với công thức luân canh: Củ đậu xuân - lúa mùa muộn - cây vụ đông (khoai tây, su hào, rau xanh các loại...) đã góp phần đưa giá trị kinh tế ở vùng chuyên canh này đạt trên 100 triệu đồng/ha. Nhờ đó, người nông dân có thu nhập cao, ổn định đời sống, nhiều hộ có điều kiện xây nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Được triển khai từ năm 2006, sau 3 năm thực hiện “Kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thâm canh đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm giai đoạn 2006-2010”, đến nay huyện Đại Từ đã xây dựng được trên 1 nghìn ha đạt từ 60 triệu đồng/ha/năm trở lên. Nhiều mô hình... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có xu hướng phát triển. Cùng với đó, huyện cũng từng bước hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh ở một số xã như: Hùng Sơn, Bình Thuận, Văn Yên, Vạn Thọ, Bản Ngoại… Song song với đó, huyện Đại Từ còn xây dựng 14 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất: 7 mô hình sản xuất thử giống lúa mới; mô hình gieo sạ bằng công cụ cải tiến sản xuất rau an toàn trồng hoa ly. Đồng thời lựa chọn xã Hùng Sơn để tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm có giá trị thu nhập cao trên 80 triệu đồng/ha… Như vậy, những cánh đồng cho thu nhập cao đạt từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên không còn là ước mơ của những người nông dân Đại Từ.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện “Kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thâm canh đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm giai đoạn 2006-2010”, đến nay hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng vùng sản xuất thâm canh đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm trên địa bàn gặp một số khó khăn. Đó là, việc triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung bước đầu mới chỉ hình thành một số cánh đồng sản xuất có giá trị thu nhập cao tại một số xã vùng trung tâm huyện, chưa tạo thành phong trào thi đua sản xuất trong nhân dân. Thêm nữa, hiệu quả của một số cây trồng trong mô hình còn hạn chế nên việc mở rộng diện tích còn gặp khó khăn…
Thời gian tới, Đại Từ chú trọng bố trí cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng để luân canh phù hợp; áp dụng các biện pháp canh tác mới; đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất thâm canh, mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao... Ngoài ra, huyện cũng tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết liên doanh với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông tích cực xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất với chỉ tiêu mỗi cán bộ khuyến nông phải xây dựng được ít nhất một mô hình trong năm…