Câu lạc bộ của những triệu phú thanh niên

09:04, 23/02/2010

18 thanh niên tuổi trên đôi mươi, tình nguyện cùng nhau thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên lập nghiệp với mục đích xây dựng thương hiệu chè, hỗ trợ nhau kinh nghiệm, giống, vốn để phát triển kinh tế gia đình… Nhờ đó, nhiều thành viên đã thoát nghèo, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là những thanh niên ở xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ).

 

Bây giờ là mùa khô nhưng khi đến gia đình anh Phạm Xuân Quang, xóm Chính Phú 1 chúng tôi vẫn bắt gặp màu xanh mướt của đồi chè, điều đó thể hiện sự đầu tư chăm bón của chủ nhân. Gia đình anh Quang chỉ là một trong 18 thành viên của CLB Thanh niên lập nghiệp và là 1 trong 71 hộ dân của xóm Chính Phú 1 có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây chè. Mới ngoài hai mươi tuổi nhưng trông anh Quang chững trạc và có khá nhiều kinh nghiệm trong làm chè, vì thế anh được các thành viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB. Anh Quang cho biết: Gia đình tôi sản xuất độc canh cây chè đã hơn 40 năm nay bằng giống chè hạt mang Phú Thọ về trồng. Ttôi đã được tiếp xúc với cây chè và quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Tuy nhiên, đã nhiều năm trồng chè nhưng sản phẩm chè của gia đình tôi và các hộ dân trong xóm Chính Phú 1, có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Xuất phát từ suy nghĩ mong muốn xây dựng thương hiệu và nâng giá thành sản phẩm chè, nên năm 2006, các đoàn viên, thanh niên trong xóm đã tập hợp nhau lại và tự thành lập CLB Thanh niên lập nghiệp để giúp nhau phát triển và khai thác thế mạnh của cây chè. Ban đầu, CLB có 14 thành viên, đến nay tăng lên 18 thành viên đều ở lứa tuổi thanh niên. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần để trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè và mở rộng diện tích chè cành, chè giống mới. Ngoài ra, vào thời kỳ sâu bệnh xuất hiện nhiều (từ tháng 3 đến tháng 5) thì các thành viên còn thường xuyên tổ chức thăm đồi chè, thông báo tình hình sâu bệnh để cùng nhau phòng tránh.

 

Từ cách làm này mà những vườn chè do đoàn viên thanh niên làm chủ đã kịp thời phòng tránh được sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế. Vì thế, chè sản xuất ra đến đâu được các tư thương vào tận nhà thu mua hết không phải mang ra chợ bán như trước đây. Hiện nay, các thành viên trong CLB đang quản lý, chăm sóc 16ha chè cả xóm có 54ha chè, trong đó có trên 40% diện tích đã được chuyển đổi để trồng chè cành giống Kim Tuyên, Long Vân... năng suất bình quân đạt 18-20kg búp khô/sào. Một số thành viên của CLB có diện tích chè nhiều như: Nguyễn Văn Thiệp (gần 1ha), Lê Thanh Tùng (gần 5 mẫu), Nguyễn Văn Tám (trên 2 mẫu)… Ngoài việc trao đổi kinh nghiệm, các thành viên còn tổ chức quyên góp giúp đỡ những thành viên nghèo, thiếu vốn để phát triển sản xuất. Chủ nhiệm CLB Phạm Xuân Quang nói thêm: Còn nhớ khi mới thành lập, trong CLB có anh Lê Văn Vượng là hộ nghèo không có vốn để đầu tư cho vườn chè nên năng suất thấp và chất lượng chè kém, vì thế không có tiền để đầu tư cho cây chè. Chúng tôi đã góp được gần 2 triệu đồng cho anh Vượng vay không tính lãi trong 1 năm để anh có điều kiện mua phân bón, thuốc trừ sâu… Đến nay, gia đình anh Vượng đã là một trong những thành viên có thu nhập khá của CLB. Hiện nay CLB có trên 30 triệu đồng tiền quỹ cho các thành viên vay luân phiên để thêm vốn đầu tư cho cây chè. Từ nguồn quỹ này, hàng năm, CLB tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm chè ở những vùng chè nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

 

Năm 2007, được sự quan tâm của tổ chức Đoàn, CLB Thanh niên lập nghiệp Chính Phú 1 được Trung ương Đoàn hỗ trợ đầu tư xưởng xao sấy chè trị giá 100 triệu đồng gồm 13 bộ tôn quay, 13 máy vò chè, 13 động cơ củ đảo và các thành viên đóng góp tiền mua thêm một bộ nữa đủ phân bổ cho 14 thành viên của CLB. Các thành viên CLB còn được tham gia các lớp tập huấn về cây chè do huyện, tỉnh tổ chức. Anh Nguyễn Văn Tám, thành viên CLB cho biết: Được tham gia tập huấn kỹ thuật nên chúng tôi có thêm kiến thức làm chè. Gia đình tôi trồng hơn 2 mẫu, trong đó có 50% là chè cành, mỗi năm thu hái 6-7 lứa, mang lại thu nhập trên 40 triệu đồng. Ngoài ra còn chăn nuôi trên 60 con lợn/lứa để tận dụng phân lợn bón cho chè. Qua tìm hiểu được biết, các thành viên trong CLB ngoài chăm sóc cây chè, nhà nào cũng nuôi vài chục con lợn vừa để có thêm thu nhập vừa tận dụng phân để đầu tư cho cây chè. Nhà nào cũng làm hệ thống bioga để xử lý phân trước khi sử dụng đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khi chúng tôi hỏi về thu nhập của các thành viên trong CLB thì được biết gia đình có thu nhập cao nhất là 15 triệu đồng/lứa chè, thấp nhất cũng từ 6-7 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ chăn nuôi. Như vậy, mỗi năm thu 7-8 lứa chè thì thu nhập của mỗi hộ cũng được trên dưới 100 triệu đồng từ cây chè.

 

Chính Phú 1 là xóm có 100% số hộ dân di cư từ tỉnh Hà Nam lên sinh sống, lập nghiệp từ những năm 60. Lúc đầu xóm chỉ có hơn 30 hộ dân sinh sống, đến nay đã lên tới trên 200 hộ và phải chia tách thành 3 xóm (Chính Phú 1, Chính Phú 2, Chính Phú 3). Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Toàn, Trưởng xóm Chính Phú 1 cho biết: Từ khi thành lập CLB Thanh niên lập nghiệp cây chè được quan tâm hơn. Nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật và đầu tư chăm sóc đầy đủ phân bón, nước tưới… nên năng suất, chất lượng chè cũng được nâng lên, từ đó đời sống người dân được cải thiện. Hiện nay, xóm chỉ còn 12 hộ nghèo, giảm 2 hộ so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 6 triệu đồng/năm. 7 năm liền xóm không có người sinh con thứ ba.… Các thanh niên hăng say làm kinh tế, tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, vì thế nhiều năm nay xóm không có tệ nạn xã hội và được công nhận khu dân cư tiên tiến nhiều năm liền…