Chuyển đổi từ việc cấy lúa sang nuôi cá, trồng rau cần đã và đang mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở xã Thanh Ninh (Phú Bình). Với mô hình bán thâm canh này, hàng chục ha đất nông nghiệp ở đây đã và đang cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/ha/năm. Đây là một hình thức chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế, có thể ứng dụng rộng rãi.
Từ năm 2005, nông dân xóm Phú Thanh 1 và Phú Thanh 2 (Thanh Ninh) đã sản xuất theo mô hình bán thâm canh, gồm: Nuôi cá - trồng rau cần và trồng lúa. Từ một vài hộ, đến nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 40 hộ áp dụng theo hình thức sản xuất này. Tuỳ theo số lượng lao động, khả năng tiêu thụ sản phẩm và vị trí mỗi thửa ruộng mà từng hộ dân áp dụng hình thức sản xuất cho thích hợp, mang lại hiệu quả cao nhất. Hộ thì nuôi 1 vụ cá giống, trồng 2 vụ cần và cấy 1 vụ lúa; hộ thì trồng 3-4 vụ cần, nuôi 4-5 vụ cá giống; có hộ thì chỉ chuyên nuôi cá, với 2-3 vụ cá giống, 1 vụ cá thịt. Nhiều hộ dân cho biết, hiệu quả của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá, trồng rau cần là rất lớn. Với diện tích chuyên nuôi cá, giá trị kinh tế đạt được khoảng 170 triệu đồng/ ha/năm; còn nếu theo hình thức bán thâm canh: cá - rau cần, hoặc cá - cần - lúa… thì giá trị kinh tế có thể đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Chị Kiều Thị Thu, xóm Phú Thanh 2 cho biết: Sau khi tìm hiểu hiệu quả của mô hình bán thâm canh cá - rau cần, năm 2005, gia đình tôi quyết định kè 3 sào ruộng thành 3 ao để trồng cần và nuôi cá giống. Hiệu quả mang lại từ mô hình này rất rõ rệt. Mỗi năm, tôi trồng được 3-4 vụ cần và nuôi được 4-5 mẻ cá giống. Mùa trồng cần bắt đầu từ tháng 8 năm trước đến hết tháng 2 âm lịch năm sau. Mỗi vụ rau cần kéo dài 40-45 ngày. Với thời gian này, mỗi năm, tôi trồng được từ 3-4 vụ rau cần. Mỗi sào rau cần cho năng suất từ 1,6-1,7 tấn. Thời điểm được giá (trước và sau Tết), mỗi kg rau cần bán được 6-7 nghìn đồng, thì tiền lãi thu được từ 1 sào rau cần là trên 10 triệu đồng (đã trừ chi phí); còn lúc giá rẻ, 3-4 nghìn đồng/kg, thì tiền lãi đạt khoảng 4-5 triệu đồng/sào/lứa. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho mình, gia đình chị còn giải quyết cho một số lao động thời vụ tại địa phương. Để thu hoạch được 1 sào rau cần, cần khoảng 20 -25 công lao động. Mỗi công lao động được trả từ 50-60 nghìn đồng/ngày. Như vậy, với 3 sào cần, nhân với 4 vụ/năm, mỗi năm gia đình chị thuê từ 240-250 công lao động (tương ứng với số tiền công phải trả là 12-13 triệu đồng). Thu hoạch rau cần xong, gia đình chị nuôi gối ngay cá giống. Thời điểm thả cá bắt đầu từ tháng 3 đến tháng tháng 8 âm lịch. Từ cá bột được mua về nuôi, sau khoảng 25 ngày, chị bán cá hương. Trung bình mỗi tháng, chị thả được 1 lứa cá giống. Một năm, chị nuôi được từ 4-5 lứa. Mỗi lần bán, thu về từ 2-3 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí tiền mua giống và thức ăn, chị lãi được 1-2 triệu đồng/lứa/sào. Như vậy, chỉ với 3 sào ruộng, sau khi chuyển đổi sang mô hình nuôi cá - trồng cần, gia đình chị mỗi năm thu lãi được 60 triệu đồng trở lên.
Khác với chị Thu, gia đình anh Phạm Văn Hưng, xóm Phú Yên lại chọn cho mình hướng nuôi cá thịt. Trước đây, gia đình anh có 6 sào ruộng, nằm xa nhà và diện tích manh mún. Biết được hiệu quả của việc nuôi cá, anh đã quyết định đổi 6 sào ruộng tốt cho một số hộ trong xóm để lấy 6 sào ruộng trũng ở gần nhà. Anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để kè ao. Mỗi năm, anh nuôi được 2 đợt cá thịt, với nhiều chủng loại cá như: trắm, trôi, mè, chép, vược. Mỗi lần bán được khoảng 2 tấn cá với giá trung bình từ 17-18 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lãi được 40 triệu đồng.
Ngoài mô hình bán thâm canh kể trên, ở xã Thanh Ninh, mô hình trồng cây xuất khẩu gồm: Dưa chuột, ngô ngọt, ớt và bí cũng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Đơn cử với cây dưa chuột, năng suất đạt trung bình 2 tấn/sào, người trồng dưa thường có lãi từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/sào/vụ (đã trừ chi phí) (tương ứng với 130 - 140 triệu đồng/ha). Trong khi đó, mỗi vụ dưa chỉ kéo dài gần 2 tháng và mỗi năm, người dân trồng được 2 vu. Ngoài 2 vụ dưa, bà con còn trồng thêm 1 vụ lúa hoặc 1 vụ màu. Hay như với cây ớt, với giá bán trung bình là 5-6 nghìn đồng/kg (lúc giá rẻ) thì tiền lãi của người nông dân cũng đã đạt 5 triệu đồng/sào, còn khi giá ớt lên 10-12 nghìn đồng/kg thì tiền lãi của người nông dân vì thế cũng sẽ tăng lên gấp 2 lần. Trong khi đó, tuổi thọ của cây ớt kéo dài được từ 2-3 năm.
Hiệu quả từ mô hình bán thâm canh và chuyên canh trồng cây xuất khẩu cao là thế, nhưng tính đến nay, cả xã Thanh Ninh mới có khoảng 15ha đất trồng lúa được chuyển sang nuôi cá; 2,5ha đất sản xuất theo hình thức bán thâm canh (rau cần - cá - lúa hoặc cần - cá) và 13ha trồng các loại cây xuất khẩu. Như vậy, tổng diện tích đất nông nghiệp sản xuất theo mô hình bán thâm canh và trồng cây xuất khẩu ở đây mới đạt 30ha, bằng 12% tổng diện tích đất nông nghiệp trong toàn xã. Trong khi đó, theo Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ xã ban hành năm 2005 về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, được UBND xã cụ thể hoá bằng kế hoạch hàng năm thì đến năm 2010, tổng diện tích đất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá thâm canh cao của xã phải đạt 56ha. Nguyên nhân của việc chưa đạt kế hoạch này là do các mô hình bán thâm canh ở đây là phát triển theo hướng tự phát, chưa có quy hoạch, cũng như có sự hỗ trợ đáng kể nào của Nhà nước để các hộ dân mạnh dạn chuyên đổi, làm theo. Trong khi đó, theo đồng chí Nguyễn Tiến Đại, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh thì với địa hình trung du, ít đồi núi, lại có 2 nhánh của sông Đào chảy xung quanh, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong số này, có khoảng 50% diện tích có thể chuyển đổi sang hình thức bán thâm canh hoặc chuyển hẳn sang việc trồng các loại cây xuất khẩu. Đặc biệt, các sản phẩm làm ra từ các mô hình này đều tiêu thụ khá thuận tiện, dễ dàng. Duy chỉ có rau cần giá lên - xuống bấp bênh nhưng so với trồng lúa thì giá trị kinh tế vẫn cao hơn nhiều lần.
Hiệu quả từ các mô hình bán thâm canh và trồng các loại cây xuất khẩu ở xã Thanh Ninh là khá rõ, các xã trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Phú Bình nói riêng có thể nghiên cứu, vận dụng vào việc phát triển kinh tế ở địa phương mình. Tuy nhiên, để các mô hình này phát triển theo hướng tập trung, có quy hoạch, có định hướng và đảm bảo được tính bền vững rất cần sự giúp sức của các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh.