Nơi cuộc sống hồi sinh

09:06, 17/03/2010

Những tưởng khi ai đó mắc phải bệnh phong (bệnh hủi) thì cuộc sống của họ sẽ trở nên buồn khổ, chán chường, với bao sự mặc cảm, tự ti. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Nhiều người khi mắc phải căn bệnh này đã biết vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống; không ít người đã xây dựng được gia đình riêng và sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thành đạt.

 

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi trở lại xã Tân Kim (Phú Bình) để thăm Khu Điều trị Phong. Hôm đó là ngày các bệnh nhân nơi đây tổ chức phiên họp trù bị để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội bầu Ban Quản trị khóa mới, nhiệm kỳ 2010-2013. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi bệnh nhân, bởi Ban Quản trị là người đứng ra điều hành các hoạt động diễn ra trong Khu Điều trị, từ việc đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức lao động sản xuất, thu hoạch sản phẩm rồi phân chia cho bà con, đến việc đón tiếp, chia quà của các tổ chức, cá nhân tới làm từ thiện… Các hàng ghế trong hội trường hầu như đã kín chỗ. Phiên họp diễn ra khá sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp cho Ban Quản trị khoá cũ, cũng như những mong muốn về một Ban Quản trị mới sẽ tiếp tục phát huy được những thành tích mà Ban Quản trị cũ đã làm. Các ý kiến phát biểu đều chân tình, cởi mở và thẳng thắn. Điều này phần nào cho thấy tinh thần trách nhiệm với tập thể và với chính bản thân mình của các bệnh nhân nơi đây.

 

Tính đến nay, Khu Điều trị Phong Phú Bình đã thành lập được 60 năm. Ban đầu, Khu Điều trị trực thuộc Bộ Y tế. Đến năm 1983, được giao về tỉnh quản lý, sau đó, đến năm 1994, được sáp nhập với Trung tâm Da liễu chống phong tỉnh. Từ tháng 6-2006, trở thành 1 phòng của Trung tâm Phòng, chống HIV-AIDS và Da liễu tỉnh. Khu Điều trị hiện là ngôi nhà chung của 115 bệnh nhân, đến từ 20 tỉnh, thành miền Bắc. Hầu hết các bệnh nhân nơi đây đều đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Trước đây, do nhận thức về căn bệnh này còn nhiều hạn chế nên bệnh nhân phong thường bị mọi người xa lánh, hắt hủi, khiến cuộc sống của họ trở nên cô độc. Chẳng thế , khoảng 20 năm về trước, ở Tân Kim đã hình thành một chợ ở trung tâm xã nhưng vì sự xuất hiện của bệnh nhân phong đến mua, bán nên khu chợ này đã tự tan rã. Ngay cả những người trong gia đình, dòng tộc của người mắc bệnh phong cũng xa lánh, ruồng bỏ họ. Hầu hết các bệnh nhân đều còn gia đình, người thân nhưng trong suốt mấy chục năm sống ở Khu Điều trị cho đến khi rời xa cuộc đời không mấy người được người thân ghé thăm, dù chỉ một lần.

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Bình, Trưởng khoa Nội của Khu Điều trị - người đã gắn bó với các bệnh nhân phong hơn 20 năm qua, cho biết: Bệnh phong là bệnh lây, nhưng ít lây, khó lây và không mang tính di truyền. Bệnh chỉ lây khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn chân, bàn tay. Nếu tiếp xúc bình thường, khả năng lây bệnh gần như không có. Chẳng thế mà, các y, bác sỹ và cán bộ Khu điều trị bao năm qua, chưa ai bị lây bệnh. Thậm chí, nếu biết cách phòng chống, vợ chồng chung sống với nhau 30-40 chục năm cũng không bị lây bệnh. Ngay tại Khu Điều trị, đã có nhiều người bình thường thành vợ, thành chồng với bệnh nhân phong. Và những bệnh nhân cũng tự tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau rồi trở thành gia đình. Đến nay, Khu Điều trị đã có 36 cặp vợ chồng (trong đó có 6 cặp có vợ hoặc chồng là người bình thường). Ngoài ra, còn có hơn 10 cặp khác tự ghép đôi để chăm sóc nhau những lúc trái nắng, trở trời. Số con mà các bệnh nhân đang có là 47 người, với tổng số cháu là 58 người.

 

Trong câu chuyện với Ban Quản trị Khu Điều trị, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về bệnh nhân trong việc nuôi dạy con cái học hành đến nơi, đến chốn để giờ trở thành bác sỹ, giáo viên, chủ doanh nghiệp... Ngay tại Khu Điều trị, trong tổng số 23 cán bộ, bác sỹ, công chức, viên chức cũng có đến 11 người là con của bệnh nhân phong làm điều dưỡng viên. Cùng với tấm lòng của người làm ngành y, các điều dưỡng viên nơi đây rất tận tâm và luôn hết lòng vì công việc bởi họ là người hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi mà các bệnh nhân gặp phải.

 

Tuy không có khả năng lao động như người bình thường nhưng các bệnh nhân Khu Điều trị đều chăm chỉ làm việc và có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Dù được Nhà nước hỗ trợ về tiền ăn (hiện là 300.000 đồng/tháng) và các nhu yếu phẩm cần thiết khác nhưng những người còn khả năng lao động đều rất tích cực cấy trồng, chăn nuôi trên phần diện tích mà Khu Điều trị phân cho. Một số người còn mở thêm nghề phụ như may mặc, đan lát hoặc nhận làm thuê những công việc nhẹ nhàng cho các hộ dân trong vùng... để có thêm thu nhập. Nhờ thế, nhiều bệnh nhân sau khi lập gia đình đã tự xây cho mình được nhà ở và chăm lo cho con cái học hành.

 

Quản trị trưởng Khu Điều trị Phong - ông Phạm Ngọc Hải tâm sự: Vợ tôi cũng là bệnh nhân phong. Chúng tôi sinh được 2 người con, chúng đều rất khỏe mạnh. Một đứa đang là công nhân Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, còn đứa kia đang lao động tại Cộng hoà Séc. Với sự quan tâm của Nhà nước, của các y, bác sỹ Khu Điều trị, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của mỗi người bệnh nên đời sống vật chất và tinh thần của các bệnh nhân nơi đây ngày càng được nâng cao. Ngày ngày, sau bữa ăn sáng, bà con trong Khu Điều trị lại thư thả đi bộ xung quanh hồ nuôi cá; sau đó về chăm sóc cho những luống rau; lúc rảnh rỗi thì túm 5, tụm 3 bên bàn cờ tướng. Ai còn khả năng lao động đều tự mình chăm lo cho bản thân. Còn những người già yếu thì được các điều dưỡng, hộ lý chăm sóc từ bón ăn, tắm giặt đến vệ sinh cá nhân. Do có cùng hoàn cảnh nên các bệnh nhân ở đây luôn coi nhau như anh em một nhà. Khi nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cũng như những sản phẩm được làm ra từ sự đóng góp chung của tập thể đều được Ban Quản trị công khai, chia đều cho tất cả mọi người. Khi chúng tôi hỏi về mong muốn lớn nhất của ông và các bệnh nhân phong là gì, ông Hải nhìn xa xăm: Đó là không còn những ánh mắt kỳ thị của mọi người. 

 

Chia tay Khu Điều trị khi trời đã về chiều. Ánh mắt lưu luyến của các bệnh nhân nhìn chúng tôi cho đến khi xa hẳn như muốn thay lời mời chúng tôi quay trở lại. Tôi thực sự khâm phục ý chí và tình yêu cuộc sống của những con người nơi đây. Họ đã cho tôi hiểu thêm về cuộc đời, hiểu thêm về sức mạnh tiềm tàng và khát vọng vươn lên trong mỗi con người. Tôi sẽ quay trở lại và cũng thầm mong sẽ có nhiều người hơn nữa tìm đến đây để sẻ chia với họ những khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống. Hy vọng một kia, sẽ hết hẳn những ánh mắt kỳ thị, thành kiến để con, cháu của họ không còn phải giấu giếm về nguồn cội của mình.