Chăn nuôi thủy sản ở Võ Nhai: Hiệu quả nhưng chưa phát triển

10:26, 06/04/2010

Huyện Võ Nhai có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 164 ha. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều mô hình nuôi cá hồ, cá ruộng thâm canh và cá chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sản lượng thuỷ sản hằng năm đạt thấp, với trung bình trên 0,8 tấn mỗi ha tương đương với giá trị trên 20 triệu đồng. Tổng giá trị chăn nuôi thủy sản hằng năm trên địa bàn huyện cũng chỉ đạt xấp xỉ 3,5 tỷ đồng.  

 

Nuôi cá không khó lại cho hiệu quả cao

Đó là lời khẳng định của nhiều người chăn nuôi thủy sản ở Võ Nhai. Anh Âu Quang Lê, chủ thầu cá hồ Quán Chẽ, xã Dân Tiến cũng xác nhận ý kiến trên. Hồ Quán Chẽ, xã Dân Tiến có diện tích mặt nước trên 50ha đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho hàng chục ha đất nông nghiệp của xã Dân Tiến và địa bàn lân cận. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi thủy sản với số lượng lớn. Từ năm 2007, anh Âu Quang Lê đã nhận đấu thầu thả cá hồ trong thời hạn 5 năm. Nhận thấy nhiều thuận lợi cho chăn nuôi quy mô lớn, anh Lê đầu tư thả gần 3 tấn cá giống (khoảng 300 nghìn con) mỗi năm. Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong lòng hồ vì vậy anh Lê đã giảm được nhiều chi phí đầu tư. Hiện nay, mỗi tháng anh Lê thu được trung bình trên 1 tấn cá các loại cung cấp cho thị trường trong huyện. Anh Lê cho biết, mỗi tháng thu nhập từ cá đem về cho anh gần 30 triệu đồng. Trừ các khoản đầu tư thì anh Lê còn thu về trên 20 triệu tiền lãi. Ngoài thu nhập cho bản thân, anh Lê còn đảm bảo thu nhập trung bình gần 1,5 triệu đồng/tháng cho 7 lao động thường xuyên.

Với mô hình nuôi cá thâm canh trên diện tích ao nhỏ, anh Tạ Văn Bách, xóm Làng Lường, thị trấn Đình Cả cũng cho rằng nuôi cá không quá khó. Anh Bách có 3 sào ao. Trước đây, anh chỉ thả cá với số lượng nhỏ phục vụ gia đình là chủ yếu. Năm 2009, anh Bách được Trung tâm Khuyến nông huyện hỗ trợ một phần giống, thức ăn chăn nuôi mô hình thâm canh cá. Đầu năm 2009, anh thả gần 2 nghìn cá giống trôi, trắm và cá vược. Được Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và thay nước thường xuyên, tỷ lệ cá sống tới trên 90%. Hiện nay, trọng lượng trung bình của cá đã đạt gần 1kg và chuẩn bị cho đánh bắt. Ước tính, tổng lượng cá trong ao nhà anh Bách lên đến trên 1,2 tấn và có trị giá khoảng gần 30 triệu đồng. Như vậy, trừ các chi phí về giống, thức ăn thì gia đình anh Bách còn giữ lại được khoảng trên 20 triệu đồng tiền lãi. Anh Bách cho rằng, chăn nuôi cá thâm canh không khó mà chỉ cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cá.

Không chỉ “sở hữu” những mô hình chăn nuôi cá thông thường hiệu quả, trên địa bàn huyện còn có mô hình chăn nuôi cá hồi đầu tiên của tỉnh. Cuối năm 2009, Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên đã đầu tư mô hình nuôi cá hồi tại xã Phú Thượng. Tận dụng nguồn nước lạnh từ suối Mỏ Gà, từ tháng 11/2009, Trung tâm đã nhập về trên 400 con cá hồi giống trọng lượng 300g mỗi con nuôi trong 4 bể với tổng diện tích khoảng 400m2 đặt cạnh suối Mỏ Gà. Nguồn nước thả cá được Trung tâm lấy trực tiếp từ suối Mỏ Gà. Mặc dù không đạt nhiệt độ lý tưởng dưới 20oC nhưng với nhiệt độ nước 23oC, cá hồi nuôi tại Phú Thượng vẫn đạt tỷ lệ sống tới gần 80%. Sau 4 tháng sinh trưởng, cá hồi nuôi tại đây đã đạt trọng lượng trung bình 1kg/ con. Con lớn nhất có trọng lượng tới trên 1,7kg. Tính theo giá thị trường 160 nghìn đồng/kg như hiện nay thì “mẻ” cá thử nghiệm chắc chắn sẽ đem về cho Trung tâm trên 60 triệu đồng. Ông Lê Bá Vân, người trực tiếp nuôi cá hồi cho rằng, với kết quả trên, thì mô hình nuôi cá hồi đã thành công và hứa hẹn cho thu nhập cao nếu nhân rộng.

 

Nhưng chưa phát triển

Điểm qua một vài mô hình tiêu biểu trên, phần nào thấy rằng, phát triển chăn nuôi thủy sản ở Võ Nhai là thuận lợi và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, phần lớn diện tích mặt nước trên địa bàn huyện chưa phát huy hiệu quả đối với chăn nuôi thủy sản. Nhiều diện tích mặt nước gần như bỏ không hoặc chăn nuôi manh mún. Đơn cử như với trường hợp xã Lâu Thượng. Toàn xã có trên 30ha diện tích mặt nước với một số hồ thủy lợi tiêu biểu như: hồ Ao Mỏ, hồ Cây Hồng, hồ Na Giang và hàng chục ha diện tích ao, hồ của nhân dân.

 

Tuy nhiên, theo ông Nông Văn En, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng thì với các hồ thủy lợi, xã chủ trương ưu tiên cho mục đích thủy lợi và không tổ chức đấu thầu chăn nuôi thủy sản. Còn với diện tích ao hồ của dân thì hầu hết là phát triển chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ vì kỹ thuật chăn nuôi thủy sản của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, sản lượng chăn nuôi thủy sản hằng năm của xã chỉ đạt trung bình gần 1,2 tấn/ha. Mặc dù cao hơn trung bình của cả huyện nhưng tính giá trị kinh tế thì mỗi ha mặt nước ở đây chỉ thu về chưa đến 30 triệu đồng mỗi năm. Năm 2008, xã Lâu Thượng được Trung tâm Thủy sản tỉnh đầu tư thí điểm một mô hình nuôi cá thâm canh cho kết quả tốt. Mặc dù hiện nay, cả 3 hộ dân của xã tham gia thí điểm vẫn duy trì mô hình chăn nuôi cá thâm canh có hiệu quả kinh tế cao, nhưng vì không có kinh phí nhân rộng nên mô hình trên vẫn chưa được triển khai trên diện rộng.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Âu Thị An, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Võ Nhai cho biết, tình trạng thiếu kinh phí triển khai nhân rộng các mô hình cũng là tình trạng chung với các mô hình khuyến nông trong chăn nuôi thủy sản. Năm 2009, Trạm Khuyến nông đã xây dựng được 2 mô hình thâm canh cá ao quy mô 5.000 m2 tại Thị Trấn Đình Cả và xã Phú Thượng. Sau 1 năm thực hiện, các mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao. Trung bình, mỗi ha mặt nước chăn nuôi thâm canh cá ao đạt năng suất 9,6 tấn cá với giá trị kinh tế tương đương gần 250 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà An thì đến nay Trạm không có kinh phí để nhân rộng mô hình trên ra các địa phương khác. Chính vì vậy mà mặc dù người chăn nuôi rất hưởng ứng nhưng mô hình trên hiện vẫn chỉ được triển khai trong những hộ tham gia làm thí điểm. Ngoài khó khăn trên, ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện còn cho rằng phần đa người dân chưa dám đầu tư vào chăn nuôi thủy sản bởi không nắm chắc được kỹ thuật chăn nuôi. Mỗi năm, huyện cũng chỉ mở được 3 đến 4 lớp tập huấn cho khoảng 200 nông dân về kỹ thuật chăn nuôi thủy sản. Chính vì vậy mà phần đa người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún với số lượng nhỏ, giá trị kinh tế thấp.

 

Trong một buổi làm việc với huyện Võ Nhai mới đây, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với trên 90% dân số làm nông nghiệp có mức thu nhập bình quân trên 8,4 triệu đồng/năm thì vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa là rất cần thiết đối với huyện Võ Nhai để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị.

 

Với những thuận lợi về diện tích mặt nước, chăn nuôi thủy sản cũng là một hướng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Để làm được điều này, huyện Võ Nhai cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt tới chăn nuôi thủy sản để phát huy hết diện tích mặt nước. Đặc biệt là huyện cần có những biện pháp hữu hiệu giúp người dân tận dụng diện tích ao hồ chăn nuôi thủy sản quảng canh, kém hiệu quả.