Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng ở Hoàng Nông

16:00, 29/04/2010

Giải phóng mặt bằng  từ trước đến nay luôn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, bởi vậy, đối với công tác này, Đảng uỷ, chính quyền xã Hoàng Nông (Đại Từ) luôn thống nhất quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: phải đảm bảo hài hòa lợi ích chung của toàn dân trong xã và lợi ích riêng của các hộ hiến đất…

 

Từ năm 2001 đến nay, xã Hoàng Nông là địa phương có tình hình an ninh nông thôn phức tạp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm và mặc dù các vấn đề đã được giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm. Trong bối cảnh đó, năm 2009, xã Hoàng Nông lại được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng 2 tuyến đường liên xã với mục đích giúp bà con nhân dân nơi đây nâng cao dần mức sống. Nhận được chủ trương của cấp trên, Đảng bộ xã vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là cơ hội tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, lo vì tình hình an ninh nông thôn phức tạp như vậy sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với kinh nghiệm của riêng mình, Đảng bộ xã Hoàng Nông đã hoàn thành tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở địa phương.

 

Cuối năm 2009, xã Hoàng Nông được Nhà nước quan tâm đầu tư cùng một lúc 2 tuyến đường liên xã gồm: tuyến Mỹ Yên - Khôi Kỳ - Hoàng Nông - La Bằng - Phú Xuyên và tuyến Tiên Hội - Hoàng Nông. Tổng chiều dài cả 2 tuyến đi qua địa bàn xã là 11 km. Để thực hiện 2 tuyến đường trên, nhân dân địa phương sẽ phải tự GPMB có nghĩa là đồng thuận hiến toàn bộ phần đất và tài sản trên đất cho Nhà nước làm đường. Đảng bộ xã nhận thấy công tác GPMB nơi đây sẽ vô cùng phức tạp, không chỉ gặp khó khăn về an ninh nông thôn mà số hộ có đất và tài sản trên đất phải giải toả tương đối lớn lên tới 312 hộ, tổng diện tích đất phải hiến là trên 33 nghìn m2, trong đó có 108 hộ cần tháo dỡ nhà, quán, công trình phụ, tường rào.

 

Đảng bộ xã đã họp bàn, xác định đây là cơ hội lớn và là việc làm hết sức có ý nghĩa để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiệm vụ đó, Đảng uỷ xã giao cho UBND xã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Đảng uỷ thành lập Ban vận động giải tỏa GPMB do đồng chí Bí thư Đảng bộ xã trực tiếp làm Trưởng ban, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các đồng chí bí thư chi bộ làm uỷ viên. Ban vận động GPMB cũng thành lập Tổ công tác giúp việc do đồng chí Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm Tổ trưởng. Đảng uỷ mở hội nghị mời toàn thể cán bộ, đảng viên dự để quán triệt mục đích, yêu cầu về việc vận động nhân dân hiến đất và tài sản, phân công cán bộ phụ trách đi từng xóm dự họp với bà con nhân dân để nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng tự giác hiến đất, tài sản và không có đền bù. Tiếp đó, xã công khai bản đồ chỉ giới tuyến để nhân dân xem, kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp của cán bộ phụ trách dự họp cùngvới nhân dân trong xóm, qua đó nắm sát tình hình dư luận của nhân dân để báo cáo Đảng uỷ, Ban Chỉ đạo để có giải pháp tiếp theo. Qua gần một tháng, Đảng uỷ chỉ đạo tập trung tuyên truyền, vận động, nắm tình hình thấy có chiều hướng thuận lợi, Ban vận động yêu cầu các xóm mở cuộc họp xóm lần thứ 2, đồng thời giao cho cán bộ địa chính cùng trưởng xóm mang theo bản đồ, cọc, sơn, mời các chủ hộ ra thực địa để xem cụ thể, đánh dấu mốc. Tại hội nghị lần này, bà con nắm rõ nội dung hơn, cán bộ Ban vận động giải toả, Tổ công tác cùng đến dự và vận động các hộ ký thoả thuận hiến đất và tài sản trên đất. Bằng cách làm như vậy, 70% số hộ đã ký cam kết và thoả thuận hiến đất, số còn lại chưa thông, Đảng bộ xã giao cho Bí thư chi bộ, Ban công tác mặt trận các xóm phối hợp với Tổ công tác đến trực tiếp từng hộ tiếp tục vận động.

 

Đối với hộ là đồng bào dân tộc, đồng bào theo đạo, Đảng uỷ xã chọn cử cán bộ có uy tín, liên quan đến gia đình, dòng họ đến để vận động. Với phương thức thực hiện vận động nhân dân được đến đâu thì tổ công tác kiểm đếm loại đất và tài sản trên đất đến đó, làm liên tục, không kể ngày nghỉ, trưa hay tối nhằm bảo đảm tiến độ, đồng thời thực hiện kế hoạch giải tỏa kết hợp với diễn tập quân sự để động viên toàn dân tham gia. Đối với những hộ phải dỡ nhà và công trình trực tiếp cán bộ chủ chốt của xã đến tận nhà vận động, đi lại 6-7 lần sớm tối họ mới đồng ý. Hơn nữa, trong quá trình thiết kế cầu, đơn vị thiết kế không tính đến đường tránh khi thi công và đường taluy âm-dương nên xã lại phải nhiều lần đến vận động, thuyết phục các hộ một lần nữa để hiến thêm đất, tài sản để làm đường tránh hoặc làm móng chân đường. Có thể nói đây là một việc làm cực kỳ khó khăn, phức tạp, mất nhiều tâm sức thì người dân mới hiến đất và cho nhà thầu thi công…

 

Nhờ sự vào cuộc tận tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi đây, đến nay, 310/312 hộ dân bị ảnh hưởng đã hiến đất và tài sản trên đất (đạt 99,35%), trong đó có những hộ hiến 700 m đất chè. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Điều phấn khởi nhất là chưa có hộ nào chúng tôi phải sử dụng những biện pháp cưỡng chế về GPMB. 2 tuyến đường thuộc địa phận xã đã GPMB xong, trong đó tuyến đường Mỹ Yên - Phú Xuyên đã bàn giao mặt bằng và đơn vị thi công đang tiến hành thi công công trình từ tháng 1/2010. Còn tuyến Tiên Hội - Hoàng Nông hiện đang chờ nhà thầu thi công.

 

Nói về kinh nghiệm trong công tác GPMB ở địa phương, đồng chí Nguyễn Thanh Thiệu, Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Nông cho biết: GPMB từ trước đến nay luôn được coi là lĩnh vực “nóng” và nhạy cảm, bởi vậy, đối với công tác này, Đảng uỷ, chính quyền xã luôn thống nhất quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phải đảm bảo lợi ích của người dân và sự công bằng giữa người này và người kia ở hai bên đường, tạo sự hài hoà giữa lợi ích chung của toàn dân trong xã, với các hộ hiến đất nói riêng. Đồng thời, chúng tôi tích cực tuyên truyền sâu, rộng và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là phải công khai bản đồ địa chính để cho nhân dân biết phần đất của mình bị thu hồi. Song cũng phải nói cho họ hiểu rằng đây là cơ hội, nếu không thực hiện thì không biết đến bao giờ có đường tốt mà đi, trước mắt tuy có thiệt nhưng vì lợi ích chung của nhân dân trong xã khi con đường hoàn thành công lao đóng góp thuộc về họ và chính họ là người được hưởng lợi nhiều. Cùng với đó, Đảng bộ còn thực hiện tốt quy chế dân chủ, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến xóm phải là nòng cốt trong công tác vận động nhân dân giải toả; chú ý lắng nghe những ý kiến của nhân dân, qua đó các ý kiến, kiến nghị của nhân dân phải được giải quyết kịp thời.