Với địa hình rộng, dân cư thưa, đời sống nhân dân còn nghèo, tưởng chừng như thôn An Thái, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) không thể thực hiện được chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Nhưng với sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, An Thái đang từng ngày đổi mới. Trong tổng số 5km đường giao thông, 2km đã được bà con mở rộng, trải bê tông sạch đẹp, phần còn lại sẽ được hoàn thiện trong nay mai.
Chúng tôi đến thôn An Thái vào đúng dịp Tết Thanh Minh, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Chi bộ An Thái phấn khởi: Trong đợt này, chúng tôi sẽ làm toàn bộ đường liên thôn, liên xóm, nội xóm với tổng chiều dài 5km. Toàn bộ đường chúng tôi đổ bê tông dày 16cm, nền đường rộng 4m, mặt đường bê tông 3m, những đoạn cua mở rộng tới 4m. Thú thực, cho tới giờ tôi vẫn thấy như một giấc mơ vậy, miền quê nghèo An Thái có thể bê tông hóa được toàn bộ hệ thống giao thông đã là một kỳ tích, lại làm được đường kiên cố, rộng rãi thật không thể tin được.
Với các thôn khác thì việc bê tông hóa đường làng ngõ xóm là việc làm hết sức bình thường, nhưng với An Thái, đó quả là một kỳ tích. Thôn An Thái gồm 3 xóm: An Bình, Thái Bình và Con Trê, thôn có 185 hộ với gần 800 khẩu. Đời sống của người dân chỉ trông vào cây lúa, nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Cho đến nay, thôn vẫn không có hộ giàu, còn 9 hộ nghèo, số còn lại đều ở mức trung bình. Đời sống khó khăn là vậy, lại thêm một yếu tố nữa là mật độ dân cư thưa, nên việc bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn ở đây tưởng chừng là điều không thể. Nhớ lại những lần họp thôn bàn việc làm đường, đồng chí Bí thư chi bộ cho biết: Năm 2009, thôn đã tổ chức họp để triển khai chủ trương, nhưng sau khi thống kê tính toán, với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước là 30%, mỗi khẩu phải đóng góp 2 triệu đồng. Với mức đóng góp này, đa phần các hộ đều không "chịu" được, do vậy việc bê tông hóa đường giao thông ở An Thái vẫn chỉ là mơ ước của bà con trong thôn. Đến đầu năm 2010, khi Nhà nước có cơ chế hỗ trợ 50% Chi bộ An Thái đã họp lại để bàn bạc, sau khi thống nhất chủ trương, mới triển khai đến toàn thể bà con trong thôn. Theo cơ chế mới, mỗi khẩu sẽ phải đóng góp 600 - 700 nghìn đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với đa phần bà con nhưng có thể cố gắng được… Theo tính toán, con đường này có tổng kinh phí khoảng 2,1 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại do nhân dân đóng góp.
Nhưng để làm được đường theo đúng tiêu chuẩn, trong khi con đường cũ chỗ rộng chỗ hẹp. Sau khi họp bàn nhiều lần, không còn cách nào khác là phải vận động các hộ dân hiến đất mở rộng đường. Ông Nguyễn Khắc Hùng, xóm Thái Bình là người tiên phong trong việc hiến đất mở đường. Mặc dù gia đình ông Hùng cũng chẳng khá giả gì nhưng ông đã tình nguyện hiến trên 300m2 đất. Ông còn tự tay chặt hạ trên 20 cây bạch đàn và nhiều cây keo đã gần 10 năm tuổi để dành đất làm đường. Ông Hùng tâm sự: Chặt chỗ cây này, tôi cũng xót lắm, nhưng vì lợi ích chung thì phải hy sinh lợi ích riêng, là đảng viên mình càng phải tiên phong đi trước. Hơn nữa suy cho cùng thì làm đường cũng là để phục vụ mình. Nhớ lại con đường trước đây vừa nắng đã bụi vừa mưa đã lầy, ai chẳng mong thôn có đường sạch sẽ để đi. Vì mong muốn này, tôi sẵn sàng hiến đất. Không chỉ hiến đất đồi, đất ruộng, ông Mẫn Xuân Bình, xóm Thái Bình còn sẵn sàng hiến cả 100m2 đất thổ cư. Mặc dù 2 ông bà tuổi đều đã trên 70 sống với nhau, không có lương hưu, nhưng khi nói đến chuyện làm đường ông bà đều nhất trí cao. Ông Bình tâm sự: Đời mình đã khổ vì đường đi lại khó khăn, nay Nhà nước có cơ chế hỗ trợ như vậy mình phải cố gắng làm cho con cháu bớt khổ, có đường tốt kinh tế mới khấm khá được. Ngoài ông Hùng, ông Bình, trong đợt làm đường này thôn có tổng số 36 hộ tham gia hiến đất với tổng diện tích 3.000m2.
Với sự chung sức, đồng lòng của bà con nhân dân thôn An Thái cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, con đường ý Đảng, lòng dân đang dần được hình thành. Từ đây, người dân đi lại sẽ bớt nhọc nhằn, ngoài ra còn giúp thông thương hàng hóa. Hy vọng, con đường này sẽ là chiếc đòn bẩy, đẩy kinh tế địa phương phát triển.