Cần quan tâm bồi dưỡng cho thể thao thế mạnh

14:19, 11/05/2010

Hiện nay, Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh có khoảng 180 vận động viên (VĐV) thường xuyên luyện tập ở 15 môn thể thao. Trong số này có một số môn như: vật, karatedo, cử tạ, điền kinh, wushu là thường xuyên giành được huy chương tại các giải thi đấu và bảo vệ được thành tích đó qua nhiều năm, mang vinh quang về cho tỉnh nhà. Các môn thể thao này được xem là thế mạnh của Thái Nguyên vì thế cần phải được quan tâm bồi dưỡng để phát triển.

 

Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến môn wushu. Được thành lập từ tháng 10-2004, nhưng chỉ sau gần 2 năm tập luyện, thầy và trò đã mang về những chiếc huy chương đầu tiên, đóng góp cho thành tích chung của thể thao Thái Nguyên. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, thể thao cũng cần phải có một quá trình rèn luyện lâu dài, bền bỉ và vất vả thì mới đi tới thành công thể hiện qua những tấm huy chương tại các giải thi đấu. Wushu là môn thể thao mới, mới từ huấn luyện viên (HLV) cho đến VĐV, chính vì nguyên nhân đó mà cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta mới có một đội wushu nữ thi đấu ở 2 nội dung: tán thủ và thao lu (thi đấu đối kháng và thi đấu biểu diễn), chưa thành lập được đội tuyển nam. Khi mới thành lập, đội chỉ có 1 HLV và 4 VĐV. Đến tháng 7-2005, sau gần 1 năm luyện tập, cả 4 VĐV đã được "liều" mang đi tham gia Giải Wushu trẻ toàn quốc. Và kết quả, Đội đã xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng. Kể từ đó, năm nào Đội cũng tham gia ít nhất 3 giải toàn quốc đó là: Giải trẻ, Giải vô địch, Giải cúp và không lần nào trở về không có giải.

 

Anh Dương Nghĩa Sỹ, HLV đội wushu nữ tâm sự với chúng tôi: Thành tích đạt được là vậy nhưng cái khó của wushu Thái Nguyên là việc tuyển chọn VĐV. Còn nhớ những ngày đầu thành lập, tôi đã về tận các xóm, xã, vùng sâu, vùng xa, các trường học để tìm VĐV. Có lần hơn 100 em đến "thử tài" chúng tôi mới chọn được 5 em nhưng khi xuống Trung tâm huấn luyện được một thời gian thì không đảm bảo sức khoẻ nên lại nghỉ. Việc tập luyện và sinh hoạt của các VĐV cũng tương đối "khắt khe" nên nhiều VĐV đến rồi lại đi. Vì thế hiện nay, Đội mới có 11 VĐV, trong đó có 5 kiện tướng (2 VĐV đang học Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn), 2 VĐV cấp I, 4 VĐV chưa tham gia thi đấu. Đối với wushu tại Giải trẻ thi đấu ở 11 hạng cân, Giải vô địch thi đấu ở 8 hạng cân nhưng do ít VĐV nên đoàn Thái Nguyên chỉ tham gia thi đấu ở 5 hạng cân và đều giành được huy chương. Được biết, tại Đại hội Thể thao lần thứ V (2006) với trên 40 tỉnh, thành phố tham gia, wushu Thái Nguyên đã giành được Huy chương Bạc. Gần đây nhất vào tháng 4-2010, đoàn VĐV wushu Thái Nguyên tham gia thi đấu giải nằm trong khuôn khổ các môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 6 với 5 VĐV thi đấu ở 5 hạng cân (dưới 45, 56, 60, 65, trên 70kg) với 4 trận trung kết, 100% đều đã giành được huy chương (1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng). Thành tích này đứng thứ 2 toàn quốc, sau Đoàn VĐV Thủ đô Hà Nội.

 

Tham gia thi đấu đã thiếu là vậy, việc tập luyện lại càng khó khăn vì ít nhất mỗi hạng cân phải có 2 VĐV để tập đối kháng. Như vậy, Đội tuyển wushu phải có ít nhất 22 người để luyện tập và có thể tham gia thi đấu ở 11 hạng cân tại Giải trẻ hoặc tối thiểu cũng phải có 16 người để tham gia thi đấu ở Giải vô địch với 8 hạng cân. Tuy nhiên, thông tin từ HLV Dương Nghĩa Sỹ thì năm nay Đội phải giảm 3 VĐV do chỉ tiêu của Trung tâm Thể thao giảm, do vậy Đội tuyển lại càng thiếu VĐV. Bản thân anh Sỹ cũng đang lúng túng vì chưa biết nhận xét thế nào để chấm dứt hợp đồng với 3 VĐV của mình theo yêu cầu của cấp trên vì theo quy định chỉ thanh lý VĐV khi không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, sức khoẻ không đảm bảo, vi phạm kỷ luật… Nhưng nếu đó là mệnh lệnh chắc chắn anh sẽ phải thực hiện và cảm thấy lo lắng nếu 3 VĐV của wushu Thái Nguyên bị thanh lý sẽ có các đơn vị khác hợp đồng nhận ngay vì các VĐV của Đội đều có chuyên môn, thể lực và tâm lý khá vững. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của HLV và VĐV ở lại đội tuyển, đồng thời ảnh hưởng đến công tác tuyển chọn VĐV kế cận. Hiện nay, Đội có 2 VĐV đang học ở Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn nhưng vẫn thường xuyên luyện tập và được triệu tập tập trung cùng Đội tuyển mỗi khi có giải và giải nào cũng mang Huy chương về cho Thái Nguyên.

 

Bên cạnh khó khăn về con người thì khó khăn về cơ sở vật chất, nơi tập luyện cũng là một trong những yếu tố mà thầy và trò đang phải khắc phục. Hiện nay, phòng tập của Đội do Trung tâm Thể dục Thể thao thuê của Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh tận dụng từ phòng thay đồ, không có sàn tập, không có thảm tập… Cùng với đó là chế độ của các VĐV hiện nay rất thấp, vẫn áp dụng tiền ăn 30.000/ngày; tiền công với VĐV kiện tướng là 20.000 đồng/ngày, VĐV cấp I 15.000 đồng/ngày, VĐV bình thường 10.000 đồng/ngày. Được biết, ngày 10-3-2010, UBND tỉnh có Quyết định số 07 quy định các chế độ của HLV, VĐV, trong đó có tiền công đối với VĐV đặc biệt xuất sắc, đoạt Huy chương tại các giải thể thao quốc tế là 70.000 đồng/ngày, VĐV cấp kiện tướng là 50.000 đồng/ngày, VĐV cấp I là 35.000 đồng/ngày,  VĐV đội tuyển là 25.000 đồng/ngày. Tiền ăn đối với VĐV kiện tướng là 60.000 đồng/ngày, VĐV cấp I và đội tuyển là 40.000 đồng/ngày. Nhưng đến thời điểm này đã là trung tuần tháng 5 khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Thể thao tỉnh thì được ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Trung tâm cho biết: Quyết định của UBND tỉnh đã ban hành được hơn 2 tháng nhưng chưa có hướng dẫn kèm theo nên chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Còn việc giảm VĐV của các môn thi đấu thì năm 2010, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao cho Trung tâm huấn luyện 150 VĐV, giảm 50 chỉ tiêu so với năm 2009 vì thế chúng tôi phải cân đối để giảm VĐV của các đội nhưng vẫn phải đảm bảo quân số của một số môn thể thao thế mạnh để chuẩn bị thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VI.

 

Vẫn biết thể thao thành tích cao cần có sự sàng lọc thường xuyên để lựa chọn VĐV có tố chất tốt nhưng để có cơ sở chọn lọc thì phải có nguồn để đào tạo. Thiết nghĩ, để các môn thể thao thành tích cao của tỉnh phát huy được thế mạnh thì bên cạnh sự nỗ lực của HLV, VĐV thì sự quan tâm thực hiện đúng và kịp thời chế độ chính sách của các cấp, ngành sẽ là động lực để HLV, VĐV tích cực hơn trong luyện tập và thi đấu.