Ở xóm Khuôn 2, xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên nhà nào cũng làm chè giỏi. Giỏi vì các hộ đua nhau cùng làm, cùng tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và sản xuất chế, biến chè an toàn. Rồi hằng ngày đi làm đổi công, bà con lại cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, nhất là bí quyết để làm ra được cân chè ngon...
Cụ bà Nguyễn Thị Vấn, 91 tuổi, hôm nào cũng lên giường đi nằm từ lúc 8 giờ tối. 3 giờ sáng hôm sau cụ trở dậy, lụi cụi dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho các con cháu dậy ăn để đi làm. Cả làng chè xóm Khuôn 2, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) ai cũng biết bà cụ là người lam làm, tiếc việc, nên cữ tuổi này cụ vẫn tranh thủ cùng con cháu đi hái chè. Cụ bảo: Phải làm việc thì cái chân, cái tay nó mới khoẻ, cái đầu nó cũng không bị mụ mị.
Cụ Vấn là một trong những cư dân từ các tỉnh Vĩnh
Để chúng tôi hiểu hơn về vùng chè Khuôn 2 của Phúc Trìu, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Long Văn Thịnh đưa chúng tôi đi qua những con đường bê tông chạy men theo các quả đồi bát úp. Mới sau một tuần mưa, những nương đồi mơn mởn một màu xanh của chè. Bằng cả niềm tự hào, ông Thịnh tâm sự: Vùng đất Khuôn 2 này cho ra thứ chè ngon, vị đượm không kém chè bên Hồng Thái của Tân Cương. Dạo giáp Tết Canh Dần 2010, nhiều hộ dân của Khuôn 2 bán 1 cân chè được hơn triệu bạc. Còn trung bình được từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg... Cùng đi thăm chè, ông Mai Nhất Khánh, Trưởng xóm cho biết: Hiện xóm Khuôn 2 có 83 hộ, 350 nhân khẩu, 100% số hộ trong xóm đều có đất trồng chè. Từ khoảng năm 1990 đến nay, diện tích chè của xóm ổn định với gần 40 ha. Năng suất chè búp tươi tăng qua các năm, từ khoảng 60 tạ/ha năm 1990 lên 70 tạ/ha năm 2000. Còn từ năm 2008 đến nay, nhờ tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như việc nông dân đầu tư mua chè cành giống mới: TRI 777, LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... về trồng thay thế diện tích chè già cỗi, nên năng suất chè ổn định ở mức 100 tạ/ha, tương đương với sản lượng 400 nghìn tấn/năm. Vừa khi đó Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thanh tới nơi, ông nói: Nghị quyết của Chi bộ hàng năm đều chỉ đạo tập trung đầu tư cho cây che. Như năm 2010 này Chi bộ có nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập từ cây chè đạt 120 triệu đồng/ha trở lên, cao hơn năm 2009 hơn 20 triệu đồng.
Đương nhiên đã là dân vùng chè thì trăm thứ cần đến tiền đều từ búp chè mà có. Đơn giản là tiền đóng học cho con, tiền đi chợ hàng ngày, cao hơn nữa là gần 100% số hộ trong xóm xây được nhà, mua sắm xe máy, ti vi... đều nhờ cây chè. Ngay như vợ chồng anh Ngô Văn Nam, chị Đỗ Thị Hoa, sau khi xây dựng gia đình được bố mẹ cho hơn 6 sào đất chè, sau 3 năm chăm bón, thu hái anh chị đã có tiền xây ngôi nhà trị giá khoảng 300 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Văn Tiến, 32 tuổi, hiện đang ở cùng bố mẹ trong ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, chưa kể ngôi nhà ngang có công trình vệ sinh khép kín. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, anh Tiến mới mua chiếc ti vi 32 inch màn hình siêu phẳng với giá hơn 10 triệu đồng. Tôi hỏi vui: Anh đã phải tiết kiệm mấy năm để mua? Tiến hồn nhiên: Vài lứa chè là OK, thưa bác.
Chúng tôi cùng bước tới mấy lạch chè đang được cánh phụ nữ thu hái. Một sự tình cờ, tôi gặp bà cụ Vấn ở đó. Thấy chúng tôi, đôi tay cụ hái chè nhẩn nha hơn. Tôi hỏi vui về bí quyết sống lâu, cụ bảo: Mỗi ngày uống vài bát nước chè tươi thì đầu óc tỉnh táo… Với cụ, đã mấy mươi năm cuộc đời gắn bó với cây chè, kể từ thời các gia đình lên rừng thu hái chè về rang, đun nước uống cho nước đỡ tanh, đến khi cây chè thành một loại sản phẩm hàng hoá, khi mang ra chợ phiên phải dùng nón lá làm đơn vị đo lường, sau chuyển sang bán đấu, rồi bằng ống bơ bò… Được biết, đến nay, một số doanh nghiệp ở ngoài trung tâm T.P đã vào tận nhà dân ở đây đặt mua loại chè hái độc nõn búp, sao suốt với giá 1,2 triệu đồng/kg để làm quà biếu, hoặc để kinh doanh. Cũng nhờ biết bảo nhau làm chè an toàn, nên người dân Khuôn 2 dần tạo được thương hiệu cho sản phẩm chè, đáp ứng được yêu cầu khó tính của khách hàng. Tuy đang bận rộn với mẻ chè sao dở trên lò, bà Tạ Thị Lư, con dâu cụ Vấn cũng đon đả: Nông dân Khuôn 2 chúng tôi làm chè ra đến đâu có người đến mua hết ngay đến đó. Như tối hôm trước, mấy chị ngoài phố vào đợi đến 23 giờ khuya, chè “ra lò” còn nóng dẫy, chưa kịp sàng bồm, sẩy cám đã đòi cân, vì sợ để hôm sau người khác vào mua mất.
Mỗi năm, nông dân Khuôn 2 thu hái từ 7 đến 8 lứa chè, nhưng “ăn nhất” vẫn là vụ chè Đông. Song còn có một điểm khó khăn đối với bà con vì chưa có công trình thuỷ lợi, hầu hết các hộ đều phải dùng máy bơm hút nước từ các ao nhà, hoặc bơm dẫn từ dòng kênh hồ Núi Cốc chạy qua rìa xóm để tưới chè. Những người gắn bó hơn 40 năm với cây chè như các ông Ngô Văn Khẩn, Nguyễn Văn Tính, Ngô Văn Duyên đều đã ở tuổi mấy nay hiếm cho rằng: Nếu Khuôn 2 được Nhà nước xây dựng cho 1 trạm bơm, nông dân trong xóm sẽ tự nguyện đóng góp xây dựng hệ thống thuỷ lợi, đời sống người làm chè sẽ càng thêm sung túc...
…Mặt trời chìm dần xuống triền núi phía Tây, từ những ngọn đồi bát úp chúng tôi gặp bà con nông dân đang quẩy gánh mang chè về nhà. Chứng kiến niềm vui trong tất tả lo toan của bà con nông dân ở một vùng chè, ông Thịnh thông báo thêm cho tôi một tin vui: Xóm Khuôn 2 đang chuẩn bị đón Bằng công nhận làng nghề. Hiện mọi thủ tục đã làm xong... Vâng! Xin được cùng chia sẻ niềm vui này vì một cơ hội mới đang đến với bà con nông dân vùng chè Khuôn 2.