Đồng Quan trăn trở tìm hướng thoát nghèo

15:26, 05/05/2010

Đất đai kém mầu mỡ; nhiều diện tích không chủ động được nước; giao thông khó khăn, người dân lại không năng động trong cách nghĩ, cách làm… là những nguyên nhân khiến cuộc sống của hầu hết các hộ dân xóm Đồng Quan (xã Bàn Đạt, Phú Bình) rơi vào tình trạng khó khăn.

 

Nhớ lại những năm 2004 trở về trước, ông Hữu man mác buồn: Cả xóm khi đó có 170 hộ thì có đến 116 hộ nghèo. Trong đó có hơn 20 hộ thường xuyên bị đói trong thời kỳ giáp hạt. Có đến 2/5 diện tích đất nông nghiệp của xã thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nước, không thể sản xuất được vụ thứ 2. Vì thế, 4 năm trở lại đây, xóm đã thành lập 1 tổ bơm nước để phục vụ tưới tiêu cho bà con. Tổ bơm nước có trách nhiệm phục vụ tưới tiêu cho 20ha thường xuyên bị hạn. Nhờ đó, tình trạng thiếu nước phần nào đã được khắc phục. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Ông Hữu nói như “khoe”: Chính vì thế, Nhà nước đã có chủ trương trong năm 2010 sẽ xây dựng cho xóm 1 trạm bơm nước.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, đường giao thông khó khăn cũng là yếu tố “tích cực” góp phần khiến Đồng Quan nghèo. Trước năm 2009, đường vào xóm không khác lối mòn là mấy. Vì thế, dù trời nắng hay mưa, người dân đều rất vất vả trong việc đi lại. Cũng bởi thế, hầu hết các gia đình nơi đây đã quen sống theo kiểu “tự cung, tự cấp” - có gì dùng nấy. Chỉ thỉnh thoảng cần mua - bán gì thì mới nghĩ đến việc ra chợ. Để đến được chợ gần nhất, người dân phải đi ít nhất là từ 7-8km. Cũng bởi thế, sản phẩm làm ra của người dân không mấy khi được mang ra ngoài tiêu thụ. Nhưng nay, khó khăn này cơ bản đã được giải quyết. Con đường nối từ xã Bàn Đạt đến xã Đồng Liên đi qua địa bàn xóm mới đây đã được mở rộng với mặt đường rộng hàng chục mét. Để có được con đường “mơ ước” đó, toàn bộ 26 hộ dân có liên quan của xóm đã tự nguyện tham gia hiến đất và tài sản trên đất. Diện mạo làng quê nhờ đó như được báo hiệu về sự khởi sắc và là tiền đề quan trọng để người dân nơi đây có điều kiện vươn lên phát triển mọi mặt.

Năm 2009, Đồng Quan giảm được 6 hộ nghèo. Đây là năm số hộ nghèo giảm được nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xóm vẫn còn tới 46,7%. Do là xóm có đông đồng bào dân tộc  thiểu số sinh sống, lại thuộc xã nghèo, miền núi nên trong những năm gần đây, Đồng Quan đã nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và một số tổ chức trong việc xây dựng các công trình công cộng như: cụm mầm non, nhà văn hóa, kênh mương, hỗ trợ mua trâu, làm nhà vệ sinh; trẻ em thuộc hộ nghèo từ bậc học mầm non đến bậc học THCS được hỗ trợ với mức từ 70-140 nghìn đồng/tháng/học sinh… Những điều này đã, đang và sẽ hỗ trợ rất tích cực để người dân nơi đây có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiều hộ dân trong xóm, điều chúng tôi  dễ dàng nhận thấy đó là cả cán bộ và người dân ở đây chưa mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm. Phần lớn các hộ dân đều có điều kiện về lao động, đất đai, thậm chí là cả vốn vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhưng rất ít hộ dám mạnh dạn đầu tư như người dân ở nhiều địa phương khác. Không ít hộ có hàng ha đất rừng nhưng với nhận thức “đầu tư xuống ruộng còn không có, nữa là đầu tư lên đồi” nên thường bỏ ngỏ việc chăm sóc. Vì thế, sau hàng chục năm vun trồng, nhiều diện tích rừng chỉ bán được 3-5 triệu đồng/ha. Trong khi đó nếu chăm sóc tốt, giá trị kinh tế có thể cao gấp 10-15 lần.

Bà Lê Thị Cúc không ngần ngại khi tâm sự với chúng tôi: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi trên dưới 10 con lợn, vài ba chục con gà. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, tôi không chăn nuôi nữa, phần vì do cám đắt, phần vì do năm trước, gia đình tôi bị chết cả 1 đàn lợn 20 con và đàn gà gần 100 con mà không rõ nguyên nhân. Riêng tiền lợn, tôi lỗ 4 triệu đồng tiền cám, đó là chưa kể tiền giống và tiền gạo. Cũng có tâm lý e dè như bà Cúc, chị Diệp Thị Mai, hộ nghèo của xóm không giấu giếm: Chồng mất, một mình nuôi 2 con nhỏ nên tôi không dám đầu tư chăn nuôi hay làm bất cứ việc gì. Mặc dù được tạo điều kiện vay vốn nhưng tôi không vay. Vay rồi lỡ đầu tư thua lỗ thì lấy tiền đâu mà trả.

Làm gì để Đồng Quan thoát nghèo? Theo đồng chí Phạm Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt thì đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Hàng năm, xã đều triển khai tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho người dân, nhưng hiệu quả đạt được không cao. Năm 2009, được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng của huyện, xã đưa chương trình ô mẫu lúa cao sản triển khai tại xóm. Năng suất đạt được cao hơn hẳn, nhưng ô mẫu này không thể nhân rộng bởi người dân nơi đây đã quen với việc sử dụng giống lúa truyền thống. Nhiều hộ thậm chí còn lấy lúa thịt làm lúa giống với suy nghĩ giảm bớt chi phí…

Theo chúng tôi, để người dân nơi đây thoát nghèo theo hướng bền vững thì chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với việc triển khai, gây dựng 1 vài mô hình kinh tế V-A-C cụ thể. Chỉ khi người dân được “mắt thấy, tay sờ” thì lúc đó, tập quán, tư duy sản xuất của người dân mới mong có sự thay đổi.

Với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 46,7%, Đồng Quan hiện là 1 trong 3 xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Làm gì để thoát nghèo vẫn là câu hỏi khó đối với cả chính quyền và người dân nơi đây.

Đồng Quan hiện có 180 hộ dân, trong đó 95% là người dân tộc Sán Dìu. Xóm có 50 ha đất trồng lúa, 15 ha ao hồ, 35 ha đất rừng và 18 ha đất khác. Với diện tích đất này, nhiều người không khỏi thắc mắc, sao Đồng Quan vẫn nghèo đến thế!? Tìm đến nguyên nhân của vấn đề, chúng tôi được ông Diệp Văn Hữu, Trưởng xóm Đồng Quan bộc bạch: Từ tr­ước đến nay, thu nhập chính của các hộ dân trong xóm đều từ nông nghiệp, trong đó, trồng trọt chiếm phần lớn; chăn nuôi chỉ mang tính “thêm thắt, tận dụng”. Mỗi hộ nuôi