Giải ngân vốn nhanh- bài học kinh nghiệm từ cách làm của Võ Nhai

10:35, 19/05/2010

Võ Nhai là huyện miền núi, vùng cao có nhiều xóm, xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên hàng năm nguồn vốn được phân bổ từ chương trình mục tiêu so với các huyện tương đối cao. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Võ Nhai lại là huyện thực hiện khá tốt về công tác giải ngân không chỉ là nguồn vốn chương trình mục tiêu mà còn cả các nguồn vốn XDCB khác.

 

Nhiều năm nay, giải ngân vốn chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh chậm trễ vẫn là “bài toán” chưa có lời giải. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 10, tiến độ giải ngân toàn tỉnh mới chỉ được 1/3 nguồn vốn phân bổ theo kế hoạch, nguồn vốn thanh toán thường dồn vào tháng 12. Năm nay cũng vậy, cho đến thời điểm này đã trung tuần tháng 5-2010, tình hình giải ngân vốn không lấy gì khả quan: Tổng nguồn vốn chương trình mục tiêu được phân bổ năm 2010 là 54,865 tỷ đồng để thực hiện một số dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo, hỗ trợ đời sống, duy tuy bảo dưỡng...Trong đó, chủ yếu nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (54 tỷ đồng). Nguồn vốn trên được bố trí cho hầu hết các huyện, thị (trừ thành phố Thái Nguyên). Song, đến nay mới chỉ có huyện Võ Nhai giải ngân đạt 45% kế hoạch (kế hoạch là 12 tỷ đồng); Định Hoá đạt 33% kế hoạch (là đơn vị được bố trí nguồn vốn nhiều nhất với 19 tỷ 600 triệu đồng). Các huyện còn lại như: Phú Lương (đạt 17%); Đại Từ (8%). Các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Sông Công được phân bổ vốn không nhiều (từ 200 triệu đến 800 triệu đồng) nhưng lại chưa giải ngân được đồng nào.

 

Nguyên nhân của sự chậm trễ?

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc chậm trễ giải ngân có nhiều nguyên nhân: Công tác giao kế hoạch của tỉnh năm nào cũng rất sớm (từ tháng 12 năm trước), song việc triển khai kế hoạch ở một số huyện thường chậm. Có huyện đến tháng 3 mới giao kế hoạch cho các xã. Do nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc chương trình mục tiêu được phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư; trình tự làm thủ tục đầu tư phức tạp, qua nhiều quy trình, năng lực cán bộ lại hạn chế nên làm cho tiến độ giải ngân chậm lại. Khi có vốn, xuống đến xã rồi, muốn làm công trình gì, ở đâu lại phải bàn bạc với dân, bình xét hộ nghèo. Song, đã gọi là xóm, xã nghèo thì chỗ nào cũng thiếu thốn cần được đầu tư và hỗ trợ, trong khi đó nguồn vốn lại hạn hẹp. Nếu nguồn vốn đầu tư không tập trung, “dải ra” mỗi xã, mỗi hộ một ít cũng chẳng làm  được  gì “ra tấm ra món”. Đó là chưa kể khi tìm đối tượng đầu tư, người thích hỗ trợ mua máy móc sản xuất nông nghiệp; người thích hỗ trợ mua cây, con giống hay phân bón...

 

Để thống nhất được đầu tư cái gì cũng phải “bàn bạc” mất cả tháng trời. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên cho biết: Năm 2010, huyện có 4 xóm thuộc 2 xã được hỗ trợ vốn chương trình 135 giai đoạn 2 với số tiền 800 triệu đồng. Trong đó có Xóm 5 của xã Phúc Tân được bố trí vốn 200 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất; 3 xóm của xã Vạn Phái hỗ trợ xây dựng CSHT (làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hoá xóm, xây kênh mương nội đồng). Huyện triển khai kế hoạch vốn đến các xóm, xã từ tháng 2-2010 nhưng do dân “bàn bạc” quá lâu nên đến bây giờ Xóm 5 xã Phúc Tân vẫn đang dừng ở bước lập phương án. Các xã có công trình CSHT thì vẫn  đang ở bước thẩm định. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 5 các công trình mới khởi công. Vì thế chưa giải ngân được đồng nào.

 

Một nguyên nhân khiến công tác giải ngân chậm cũng do nhiều huyện, xã không có sự chuẩn bị các công trình, dự án để “đón trước đầu tư” nên khi được phân bổ vốn rất lúng túng trong khâu “đi tìm công trình”, tìm được rồi lại qua nhiều quy trình (bình xét, lập hồ sơ, phê duyệt, thẩm định dự án, hỗ trợ, triển khai). Bên cạnh đó lại thiếu sự đôn đốc, sâu sát của lãnh đạo các cấp; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng mắc cũng dẫn đến giải ngân chậm trễ. Có công trình do nguồn vốn hỗ trợ ít, cần vốn đối ứng nhưng không huy động được vốn, đành phải dừng lại chờ...

 

Bài học kinh nghiệm tốt từ Võ Nhai

 

Võ Nhai là huyện miền núi, vùng cao có nhiều xóm, xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên hàng năm nguồn vốn được phân bổ từ chương trình mục tiêu so với các huyện tương đối cao. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Võ Nhai lại là huyện thực hiện khá tốt về công tác giải ngân không chỉ là nguồn vốn chương trình mục tiêu mà còn cả các nguồn vốn XDCB khác. Vì sao Võ Nhai lại làm được như vậy? Trò chuyện với anh Bùi Công Thành, Chủ tịch UBND huyện, anh đã hé mở cho chúng tôi thấy nhiều điều thú vị.

 

Anh cho biết: “Giai đoạn I thực hiện chương trình 135, huyện cũng “vấp” phải không ít vướng mắc. Cho đến nay, một số dự án vẫn chưa giải quyết xong tồn tại. Chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân chính là do bộ máy quản lý các dự án của huyện còn yếu kém, mỗi người phụ trách một dự án, không tập trung vào một đầu mối, đầu tư thì tràn lan, không quản lý được; công tác GPMB khó khăn do không thông báo rõ ràng với dân  có được đền bù hay không, nên dự án triển khai chậm, dẫn đến giải ngân chậm”...

 

Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã kiện toàn lại bộ máy quản lý để điều hành các chương trình, dự án có hiệu quả. Ban chỉ đạo các dự án; Ban quản lý (BQL) dự án được kiện toàn, trong đó, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban chỉ đạo các dự án trên địa bàn; giao cho một trưởng phòng chức năng làm trưởng Ban quản lý (BQL) dự án. BQL dự án có con dấu, tài khoản riêng. BQL được chia làm 2 Ban: một BQL phụ trách các dự án 135 và 1 BQL phụ trách các dự án ngoài Chương trình 135. Hai Ban trên chỉ có một kế toán và do Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, điều hành thống nhất. Về quan điểm đầu tư XDCB: huyện không đầu tư tràn lan; không “cào bằng”. Huyện đứng ra điều tiết, cân đối vốn giữa các xã. Ví dụ, những xã nào năm nay được tập trung vốn đầu tư nhiều thì sang năm không được đầu tư nữa mà phải tập trung vốn cho xã khác. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các công trình đảm bảo đúng tiến độ; có trọng tâm, trọng điểm, cho “ra tấm ra món” và trả nợ được.

 

Về công tác GPMB, do ngân sách huyện, xã có hạn, nếu phải đền bù GPMB sẽ không còn kinh phí xây dựng nên huyện đã có nghị quyết: Xã nào được hưởng lợi công trình thì xã đó tự GPMB và tự vận động nhân dân hiến đất để xây dựng công trình. Song, để tạo sự đồng thuận của nhân dân thì đích danh Chủ tịch UBND huyện phải đến tận xã có công trình họp với lãnh đạo xã, bàn bạc, hướng dẫn xã vận động nhân dân; xã phải ký cam kết quyết tâm thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định, xã không GPMB được sẽ chuyển vốn cho nơi khác (tuy nhiên đến nay, chưa có xã nào không thực hiện được). Những nơi có công trình liên xã thì phải triệu tập lãnh đạo các bên (gồm lãnh đạo huyện và các xã liên quan) để thống nhất chủ trương, cách làm...

 

Mặc dù huyện đã phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư Ví dụ, đối với chương trình 135, dự án hỗ trợ sản xuất; dự án hỗ trợ pháp lý nâng cao đời sống nhân dân giao cho UBND xã làm chủ đầu tư; dự án hỗ trợ học sinh nghèo giao cho Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện làm chủ đầu tư; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) thiết yếu huyện đứng ra làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế, huyện sẽ mạnh dạn phân cấp các dự án trên cho những xã có đủ năng lực thực hiện thủ tục các dự án. Những xã nào không đảm nhiệm được vai trò chủ đầu tư, huyện sẽ đứng ra làm chủ đầu tư. Hàng năm, khi được phân bổ nguồn vốn, huyện tiến hành rà soát các công trình, dự án đang thực hiện, nếu công trình nào hoàn thành sẽ bố trí vốn thanh toán, không để dây dưa nợ nần kéo dài; khi trả nợ hết các dự án cũ mới nghĩ đến bố trí vốn cho các dự án mới. Xây dựng công trình nào, ở đâu đều được các xã chuẩn bị kế hoạch từ cuối năm trước; khi có vốn phân bổ là có thể triển khai ngay, không phải mất nhiều thời gian như một số huyện đã làm. 

 

Tuy nhiên, theo anh Bùi Công Thành thì: “Quyết định vẫn là sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo huyện; muốn làm công trình gì cũng phải được “dân bàn, dân biết, dân kiểm tra” và thông qua HĐND quyết định. Mọi chủ trương, giải pháp của huyện đề ra đều phải bám sát vào chính sách của Nhà nước; nghị quyết HĐND các cấp làm cơ sở thực hiện đúng. Trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra giám sát, đôn đốc chặt chẽ; những vướng mắc được tháo gỡ giải quyết kịp thời....Chính vì thế, từ năm 2006 đến nay, Võ Nhai đã xây dựng được nhiều công trình CSHT đúng tiến độ; không riêng gì nguồn vốn chương trình mục tiêu mà các nguồn vốn khác đầu tư trên địa bàn huyện đều giải ngân rất nhanh. Hiện nay, các công trình CSHT đang phát huy hiệu quả tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn. 

 

Từ cách làm của huyện Võ Nhai, thiết nghĩ tỉnh, huyện cũng nên nghiên cứu để nhân ra diện rộng. Đó cũng là một “cách giải hay” cho bài toán thanh toán vốn chậm trễ lâu nay chưa có lời giải để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Nhà nước và người dân sớm được thụ hưởng sự ưu đãi của Nhà nước để thúc đẩy phát triển KT - XH ở những nơi đặc biệt còn khó khăn.