Phát triển đô thị ở Sông Công

16:23, 05/05/2010

So với các địa phương trong tỉnh, tốc độ đô thị hoá của T.X Sông Công hiện nay chỉ sau T.P Thái Nguyên vì đây là nơi tập trung đông các nhà máy, xí nghiệp, trường học thu hút hàng nghìn lao động ngoại tỉnh đến làm việc, học tập. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng cho người dân sở tại và lực lượng lao động mới đến định cư, hàng năm, T.X Sông Công đều xây dựng kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển đô thị với diện tích hàng trăm héc ta.

 

Nhà máy May công nghiệp của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đi vào hoạt động đã có hàng trăm hộ dân ở xã Tân Quang đầu tư xây dựng nhà trọ để kinh doanh. Vẫn chưa giải quyết được nhà ở cho người lao động, doanh nghiệp này đã có văn bản xin UBND T.X Sông Công và tỉnh cấp thêm hơn 2ha đất ở xóm Chương Lương, xã Tân Quang để xây dựng khu nhà ở cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Diện tích trên 2ha  ở xóm Chương Lương chỉ đủ để xây dựng các khu nhà ở, nhà ăn cho người lao động của Công ty, còn nếu xây dựng các công trình công cộng như trường học, chợ, khu vui chơi giải trí, diện tích đất sẽ lớn hơn rất nhiều”. Mới đây, các nhà đầu tư của Hàn Quốc đã quyết định xây dựng một nhà máy may công nghiệp hiện đại tại phường Cải Đan với nhu cầu sử dụng trên 6.000 lao động. Dự án này đi vào hoạt động, ngoài diện tích đất xây dựng nhà xưởng, các hạng mục phục vụ cho sản xuất vẫn cần thêm quỹ đất lớn để xây dựng nhà ở cho người lao động. Trên đây chỉ là 2 trong nhiều dự án phát triển công nghiệp đã và sẽ góp phần làm tăng nhanh tốc độ đô thị hoá ở T.X Sông Công.

 

Ngoài nhu cầu đất ở cho người lao động đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học trên địa bàn, nhu cầu mở rộng, xây dựng mới các khu dân cư, khu tái định cư  trên địa bàn T.X Sông Công để phục vụ giãn dân và các dự án cũng liên tục được thực hiện. Trong năm 2009 và quí I-2010, các cơ quan chức năng T.X Sông Công đã quy hoạch xây dựng nhiều khu dân cư: Cầu Trúc (xã Tân Quang); khu dân phía Tây Sân vận động Thị xã; quy hoạch khu tái định cư Dự án di dân lòng hồ Ghềnh Chè; Khu tái định cư Tân Tiến; Khu tái định cư Tân Quang…với tổng diện tích đất lên đến trên 70ha.

 

Đồng chí Trịnh Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý Đô thị T.X Sông Công cho biết: Quỹ đất phục vụ các mục tiêu phát triển đô thị của Thị xã hàng năm đều tăng do thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, mạng lưới giao thông, xây dựng các khu dân cư, tái định cư. Theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010, T.X Sông Công cần 295,16ha đất phục vụ nhu cầu đất ở đô thị; 88,85ha đất phục vụ nhu cầu đất ở nông thôn và 630,9ha đất dành cho các công trình giao thông. Ngoài 3 loại đất nêu trên, quỹ đất chuyên dùng của T.X Sông Công còn được quy hoạch đến năm 2010 là trên 714ha, trong đó, đất dành cho xây dựng cơ bản lên tới 434,69ha.

 

Mục tiêu phát triển đô thị nào cũng cần tới quỹ đất. Để tránh việc sử dụng “tài nguyên vàng” này một cách lãng phí, không đúng mục đích, T.X Sông Công đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tăng cường kiểm tra trước khi quyết định giao đất cho chủ đầu tư và giám sát quá trình sử dụng đất. Trao đổi về vấn đề phát triển đô thị, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Chủ tịch UBND Thị xã cho biết: Chúng tôi đang quy hoạch mở rộng diện tích và các điều kiện khác để phấn đấu lên thành phố loại III. Thêm một lý do nữa là hiện thị xã được coi là điểm đến của các nhà đầu tư nên ngoài quỹ đất phục vụ nhu cầu xây dựng nhà xưởng còn cần rất nhiều quỹ đất để xây dựng các khu dân cư, công trình phúc lợi, tuyến đường giao thông mới.

 

Để thấy được tốc độ phát triển đô thị ở T.X Sông Công, chúng tôi đã về Tân Quang - xã cách đây hơn 10 năm được coi là vùng “ngoại thị”, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn thì giờ đã là nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, các khu dân cư mới. Đô thị hoá nhanh nên cấp uỷ, chính quyền xã Tân Quang đã đề xuất xin thành lập phường Bách Quang để đáp ứng đủ các điều kiện phục vụ cho sự phát triển của địa phương trong tương lai.

 

Không chỉ Tân Quang mà nhiều phường, xã của T.X Sông Công đã thực sự thay đổi diện mạo sau hơn 10 năm địa phương này đẩy mạnh thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp, dịch vụ, thương mại.