Với 6.925 ha mặt nước, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi thuỷ sản của tỉnh chưa phát triển. Năm 2009, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh mới đạt 4.560ha, sản lượng đạt 4.450 tấn, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ...
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi thuỷ sản. Trong đó, thế mạnh lớn nhất là hồ Núi Cốc với diện tích 2.500 ha, có 1.140 hồ chứa nước vừa và nhỏ, 2.285 ha ao, 1.000 ha ruộng có khả năng vừa thả cá, vừa cấy lúa. Thị trường tiêu thụ cá của Thái Nguyên cũng rất tiềm năng khi trên địa bàn tỉnh có khá nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp với lượng học sinh, sinh viên đông. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi thuỷ sản đều khá nhanh nhạy trong việc tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ KHKT. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi các loại thuỷ sản cho giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, chép lai, rô phi vằn, rô đồng, ba ba, ếch Thái Lan… Theo đó, tỉnh ta còn có 2 trại sản xuất cá giống, hằng năm sản xuất ra 170 – 200 triệu con cá bột; 40 – 50 triệu con cá hương giống, chủ yếu là trắm, trôi, mè, chép, rô phi sẽ đáp ứng được nhu cầu về giống cho các hộ chăn nuôi thuỷ sản…
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh như vậy, nhưng chăn nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Thực tế, phương thức nuôi trồng thuỷ sản ở Thái Nguyên chủ yếu là “thả cá”; chưa có đầu tư, thâm canh sản xuất hàng hóa; chủ yếu nuôi thả các loại cá truyền thống như cá mè, trôi, trắm cỏ, năng suất, giá trị kinh tế thấp. Hơn nữa, tiềm năng hồ chứa thuỷ lợi vừa và nhỏ của tỉnh khá lớn nhưng mới sử dụng nuôi thả cá khoảng 600 ha. Nhiều hồ chứa chưa có chủ quản lý nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thuỷ sản như hồ Ghềnh Chè (T.X Sông Công) có diện tích 40 ha, hồ Suối Lạnh (Phổ Yên): 50 ha, hồ Tân Kim (Phú Bình): 40 ha…
Tại sao Thái Nguyên có nhiều tiềm năng như vậy mà chăn nuôi sản lại chưa phát triển, nhiều diện tích mặt nước bị “bỏ ngỏ”, năng suất thuỷ sản thấp, hiệu quả kinh tế không cao? Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân khiến cho thuỷ sản chưa phát triển. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do các địa phương có lợi thế về chăn nuôi thuỷ sản chưa có định hướng cụ thể cho người dân; chưa thật sự quan tâm đến loại hình kinh tế này. Do đó, nhiều hộ dân có diện tích ao, hồ, phù hợp với việc chăn nuôi thuỷ sản theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp nhưng không mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó là vốn cho chăn nuôi thuỷ sản cũng khá lớn, trong đó có các chi phí như: đầu tư xây dựng kênh mương đưa nước sạch vào ao, thải nước đã bị nhiễm khuẩn ra ngoài; cải tạo ao; mua thức ăn cho cá…
Một nguyên nhân nữa là hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà máy chế biến thức ăn cho cá nên nếu chăn nuôi thuỷ sản theo hình thức bán công nghiệp, các hộ dân sẽ phải mua thức ăn từ các tỉnh khác về nên chi phí sẽ tăng cao hơn. Trong khi đó, giá cá thương phẩm trên thị trường lại không tăng. Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên thì việc bảo đảm an ninh cho các khu vực chăn nuôi thuỷ sản cũng đang khiến nhiều hộ dân lo lắng bởi có những hộ chăn nuôi thuỷ sản quy mô khá lớn đã bị kẻ xấu thả các hóa chất độc hại xuống ao làm cho cá chết hàng loạt, người chăn nuôi bị thất thu.
Anh Trần Văn Cương, một người dân ở xã Bình Thuận (Đại Từ) cho hay: Những năm trở lại đây, dịch bệnh tai xanh ở lợn, cúm H5N1 ở gia cầm đã khiến người nông dân lao đao. Do đó, tôi nghĩ chăn nuôi thuỷ sản sẽ là sự lựa chọn rất hợp lý với những hộ nông dân có ưu thế về mặt nước. Tuy nhiên, sau vài vụ cá cho năng suất khá, hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ chăn nuôi thuỷ sản đã lao đao khi bị kẻ xấu thả thuốc sâu xuống ao. Bị thả độc, cá sắp đến kỳ thu hoạch chết nổi trên mặt nước, vốn và lãi vì thế cũng “tan thành mây khói”. Vớt cá lên mà người dân chúng tôi không biết để ở đâu vì không thể cho lợn ăn cá chết, vứt bừa bãi thì gây ô nhiễm môi trường. Bởi thế, nhiều hộ đã nản, không còn thiết tha với chăn nuôi thuỷ sản nữa…
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thì với tiềm năng mặt nước như của Thái Nguyên, việc tạo ra 5 đến 15 nghìn tấn cá thương phẩm cho các thị trường mỗi năm hoàn toàn có thể đạt nếu có chủ trương và sự ủng hộ của chính quyền, có sự đầu tư của các doanh nghiệp, sự tham gia của các ngân hàng cùng với tư vấn kỹ thuật của các nhà khoa học, viện nghiên cứu. Do đó, để chăn nuôi thuỷ sản phát triển, trước hết, Thái Nguyên cần phải xây dựng dự án nuôi cá thịt tập trung, theo hướng công nghiệp. Trong đó, một số địa điểm phù hợp là khu vực bán ngập hồ Núi Cốc, ; những khu vực có các ao chứa nước tập trung…
Bên cạnh chăn nuôi thuỷ sản tập trung, theo hướng công nghiệp, tỉnh ta cần khai thác hết diện tích mặt nước hiện có; tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất cá giống của các trại cá; xây dựng các mạng lưới ươm nuôi, cung cấp cá giống tại cac địa phương xa cơ sở sản xuất cá giống của Trung tâm Thuỷ sản; triển khai nuôi cá thâm canh trong dân; các ngành chức năng cần có sự phối hợp trong quản lý nuôi, thả, khai thác nguồn lợi thuỷ sản trên các hồ chứa thuỷ lợi có điều kiện nuôi cá như Ghềnh Chè (T.X Sông Công), Vai Miếu (Đại Từ), Tân Kim (Phú Bình)…; thành lập các hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thuỷ sản (nuôi cá ao thâm canh năng suất đạt 5 – 7 tấn/ha/năm) tại xã Tân Hương (Phổ Yên) và phường Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), mỗi HTX có từ 10 – 15 hộ tham gia với diện tích khoảng 10 ha…