Trở lại Bản Bây

09:03, 25/05/2010

“Không điện, không đường, không trường” là những điều người người dân xã Tân Dương (Định Hóa) vẫn nói khi nhắc đến Bản Bây, xóm vùng sâu, vùng xã có nhiều khó khăn nhất của xã. Trở lại Bản Bây, cảm nhận điều đầu tiên của chúng tôi là những khó khăn, vất vả đã dần vơi đi trong cuộc sống của bà con nơi đây.  

 

Đường vào Bản Bây sau một cơn mưa lớn có nhiều đoạn sạt lở, những vũng lớn đọng nước và lầy bùn. Trưởng xóm Ma Văn Phan cho biết: “So với 3 năm trước, đường vào xóm còn có phần xuống cấp và khó đi hơn. Bởi vậy, sửa đường là công việc thường xuyên của người dân Bản Bây, định kỳ một năm 2 lần vào mùa khô, còn sửa chữa bất thường vào mùa mưa lũ thì không thể tính được. Đường khó, lại xa (cách trung tâm xã 7km) nên việc trẻ em trong xóm phải bỏ buổi học, bỏ tiết mỗi khi trời mưa là chuyện thường tình”.

 

Bí thư Chi bộ  xóm Trần Văn Bình cho biết thêm: Khó khăn giao thông hiện đang là cản trở lớn nhất để nâng cao đời sống người dân. Bản Bây chủ yếu sống dựa vào rừng (cả xóm có trên 200ha rừng, chiếm 1/3 diện tích rừng của xã) nhưng nguồn thu từ lâm nghiệp lại không đáng kể bởi phần lớn diện tích vườn đồi là cây tạp và giá lâm sản quá thấp (giá trung bình 1m3 củi bán tại xóm chỉ từ 80 đến 100 nghìn đồng, bằng 1/3 giá bán chung ở xã), các nông sản khác cũng chủ yếu sản xuất để phục vụ tại chỗ. Mặc dù người dân luôn chịu khó, cần cù lao động nhưng Bản Bây vẫn là xóm có mức sống thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Xóm hiện có 21 hộ nghèo, chiếm 42% (giảm 10 hộ so với năm 2007), gần 20 gia đình thuộc diện cận nghèo. Cả xóm có 50 gia đình thì chỉ có 1 gia đình có nhà xây (được hỗ trợ làm nhà theo diện gia đình chính sách), 5 gia đình có mái ngói bằng prôximăng, còn lại là nhà lợp lá cọ. Ngoài rừng, nguồn thu chủ yếu của người dân dựa 14,5ha đất lúa với năng suất bấp bênh.

 

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ tích cực của chính quyền địa phương, đời sống của người dân Bản Bây đang xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. Điều mừng nhất là Bản Bây giờ không còn là “ba không” như 3 năm trước nữa, bằng nguồn vốn của Nhà nước, tháng 2/2010 lưới điện Quốc gia đã về với bà con trong xóm. Ông La Văn Yên, một người dân trong xóm phấn khởi cho biết: “sau 6 năm chờ đợi, chúng tôi đã được hưởng điện lưới giống như nhân dân của nhiều xã khác. Có điện chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận và học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, trẻ em có điều kiện học tâp tốt hơn”. Từ khi có điện, hầu hết các gia đình ở Bản Bây đã sắm được tivi, 5 gia đình đã mua được máy bơm nước phục vụ sản xuất.

 

Các nguồn vốn và chương trình hỗ trợ của Nhà nước cũng tích cực giúp người dân Bản Bây thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong năm 2010, sẽ có 17 gia đình trong xóm được hỗ trợ làm nhà 167 (nhiều nhất xã). Từ năm 2007 đến nay, đã có trên 20 hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội với tổng số tiền trên trên 250 triệu đồng, 12 gia đình được hỗ trợ mua trâu sinh sản, 3 gia đình được hỗ trợ mua máy cày theo Chương trình 135. Tận dụng nguồn vốn và hỗ trợ này, nhiều gia đình đã đẩy mạnh sản xuất, thoát nghèo và ổn định cuộc sống như: ông Mã Văn Nhiễm, kết hợp trồng lúa và chăn nuôi gia súc (thoát nghèo năm 2007); ông Hữa Văn Đệ, được hỗ trợ mua máy cày phục vụ gia đình và phục vụ nhân dân trong xóm (thoát nghèo năm 2008).

 

Đáng mừng hơn, đã xuất hiện một số mô hình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gắn với lợi thế vườn đồi như gia đình ông Hứa Văn Hiền, đầu tư chăn thử nghiệm 4 cặp nhím sinh sản và 15 con dê (từ cuối năm 2009) bước đầu cho thấy những kết quả khả quan. Chi bộ xóm cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo bà con phát triển kinh tế, mỗi đảng viên chịu trách nhiệm giúp đỡ từ 3 đến 5 gia đình thuộc diện hộ nghèo.

 

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Điều mong muốn lớn nhất ở Bản Bây và cũng là của xã là được đầu tư nâng cấp đường giao thông về xóm, bởi con đường không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao đời sống của người dân Bản Bây mà còn cả kinh tế đồi rừng chung của toàn xã. Ông Hứa Văn Hiền cho biết thêm: Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn đối với những đối tượng cận nghèo. Hy vọng, những mô hình mạnh dạn đầu tư sản xuất như gia đình ông Hiến sẽ được quan tâm nhiều hơn và ngày càng được nhân rộng, để nhân dân Bản Bây sớm thoát nghèo bền vững.