Cánh đồng 50 triệu đồng/ha không còn là ước vọng

09:19, 07/06/2010

Dẫn chúng tôi đi giữa cánh đồng Việt Hùng, thuộc 2 xóm Việt Hồng và xóm Việt Lâm xã Đông Cao (Phổ Yên), đồng chí Đinh Văn Cư­ờng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tr­ước đây, huyện đã đặt mục tiêu xây dựng cánh đồng này trở thành cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha. Giờ đây thu nhập từ cánh đồng này đã vư­ợt qua con số 50 rất nhiều, có chỗ lên đến hàng trăm triệu đồng/ha...

 

Đông Cao là xã có diện tích đất canh tác bình quân đầu người thấp, toàn xã có 1.786 hộ với gần 8.000 nhân khẩu mà chỉ có khoảng 350ha đất canh tác, trong khi đời sống của nhân dân trong xã chủ yếu vẫn trông vào sản xuất nông nghiệp, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác được bà con đặc biệt xem trọng. Với đặc điểm là chất đất cát pha kém mầu mỡ, từ lâu bà con trong xã đã biết đưa cây rau vào trồng vụ đông thay vì độc canh cây lúa. Cách làm này đã mang lại thu nhập cao gấp 2 lần so với cấy lúa.

 

Từ sự chuyển đổi có hiệu quả này, huyện đã chọn xóm Việt Hồng là đơn vị điểm để xây dựng cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha. Sở dĩ Việt Hồng được chọn làm điểm bởi đây là xóm có nhiều hộ trồng rau nhất trong xã. Xóm Việt Hồng có tổng diện tích đất canh tác là 2,5ha, mấy năm trở lại đây, thực hiện chỉ đạo của huyện, bà con nông dân đã chuyển 100% diện tích sang chuyên trồng rau. Trong tổng số 45 hộ của toàn xóm, có 38 hộ chuyên trồng rau. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp nên đời sống nhân dân khấm khá lên nhiều, hiện xóm chỉ còn 1 hộ nghèo. Thu nhập 50 triệu đồng/ha giờ đây đã không còn là niềm mong ước của bà con trong xóm mà trên thực tế cánh đồng này đã đạt khoảng 60-70 triệu đồng/ha, có chỗ lên đến hàng trăm triệu.

 

Trong cái nắng vàng rực của những ngày đầu tháng 6, Bà Đinh Thị Phượng, xóm Việt Hồng vừa hái những quả cà chua căng tròn đỏ lựng thả vào chiếc thúng nặng trĩu bên sườn vừa cười nói rôm rả với chúng tôi: Kỳ này cà chua đang chín rộ, cứ 3-4 ngày lại được chảy 1 lứa, mỗi lứa được 3 thúng đầy, tính ra 1 sào cà chua cho thu từ 15-20 triệu đồng. Gia đình tôi có 7 sào đất, vì không có nhân lực nên tôi chỉ làm rau được 3 sào còn 4 sào vẫn cấy lúa. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì làm rau cho thu nhập gấp 4-5 lần cấy lúa. Tuy nhiên, làm rau đòi hỏi phải tốn công sức chăm sóc, kỹ thuật cao hơn. Mùa này, mướp đắng, cà chua, mướp ngọt, cải canh, cải ngọt, bí xanh… đang là những loại rau chủ đạo, bên cạnh đó bà con còn trồng thêm hành, rau thơm, cần tây, tỏi tây…

 

Hầu hết người dân ở đây đều có cách làm như nhau, thu hoạch xong vụ rau đông bao gồm su hào, bắp cải, súp lơ… bà con trồng gối ngay các loại rau cải, cà chua, bí xanh, mướp đắng… Kết thúc vụ này, vào khoảng tháng 7 Âm lịch, bà con lại chuyển sang gieo rau giống đại trà để cung cấp cho các địa phương trong huyện và một số huyện, thành, thị của tỉnh. Cũng với cách làm như trên, gia đình ông Đặng Văn Phòng mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Phòng cho biết: Gia đình tôi có 3 sào đất, trước đây cấy 1 vụ lúa, 1 vụ trồng rau mỗi năm thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Từ năm 2000, tôi chuyển hẳn sang trồng rau 3 vụ. Ngoài ra, tôi còn thuê thêm 4 sào đất nữa, tập trung nhân lực chuyên làm rau. Hiện nay, với mô hình chuyên rau này, tôi hoàn toàn yên tâm trong việc phát triển kinh tế một cách bền vững.

 

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng rau, bà con nhân dân trong xã đã dần chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả, những khu ruộng manh mún sang trồng các loại rau quả. Đến nay, nghề trồng rau không chỉ bó hẹp ở xóm Việt Hồng mà đã lan rộng ra các xóm khác như: Trại, Việt Lâm, Soi với tổng diện tích lên đến trên 50ha. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 10 triệu đồng/người/năm, tăng trên 3 triệu đồng so với năm 2006. Số hộ nghèo giảm từ gần 10% (năm 2006) xuống còn 4,5% (năm 2009).

 

Nhằm tiếp tục tạo ra những cánh đồng cho thu nhập cao, hiện nay xã đang chỉ đạo bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, đặc biệt là xây dựng các mô hình rau an toàn, để tạo ra vùng hàng hóa. Đồng thời vận động bà con tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tạo thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh mở rộng diện tích loại rau màu, xã còn có kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất các loại cây trồng như: thường xuyên tu bổ nạo vét hệ thống kênh mương, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật, nhằm hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa, mở rộng diện tích cây ngô đông hằng năm; thường xuyên đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất...