Cây đỗ tương DT26 trên đồng đất Phổ Yên

07:55, 04/06/2010

Với mục đích khôi phục lại cây đỗ tương, cuối năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đã liên hệ và lấy giống đỗ tương DT26 của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đậu đỗ về trồng thử nghiệm trên diện tích 10 ha, với 47 hộ nông dân của xã Đồng Tiến tham gia. Qua trồng thử nghiệm, giống đỗ tương DT26 đã khẳng định được rất nhiều tính ưu việt.

 

Địa điểm được bà con lựa chọn gieo trồng giống đỗ tương DT 26 là những chân ruộng cao, không chủ động được nguồn nước để cấy lúa.. Theo bà Dương Thị Chai, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên: Chỉ sau một vụ, giống đỗ tương DT26 đã “ghi điểm”, mở ra cơ hội phát triển bền vững loại cây trồng này đối với nông dân trong huyện. Còn ông Phạm Xuân Thành, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đồng Tiến thì khẳng định: Trước đây, bà con thường sử dụng những chân ruộng cao để trồng khoai, sắn. Việc đưa giống đỗ tương DT26 đưa vào trồng không chỉ cho hiệu quả kinh tế khá cao mà còn giúp đồng đất Phổ Yên tơi xốp hơn bởi loại cây này có khả năng cải tạo đất rất tốt. Điều đáng mừng nữa là qua quá trình gieo trồng cho thấy giống đỗ tương DT26 sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Để tìm hiểu rõ hơn về những ưu điểm vượt trội của giống đỗ tương DT26 so với giống đỗ tương địa phương, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với một số hộ nông dân tham gia mô hình này. Bà Nguyễn Thị Thoa, một hộ dân tham gia trồng giống đỗ tương DT26 nói: Gia đình tôi đã nhiều năm trồng đỗ tương nhưng chưa bao giờ thấy loại giống nào đạt chất lượng cao như giống đỗ tương DT26 (hạt bóng, mẩy; khi luộc ăn thử có mùi vị thơm, ngậy…). Thực tế cho thấy để có được kết quả này là nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của những cán bộ Trạm Khuyến nông huyện đã không quản mưa nắng, sớm hôm sát cánh cùng nông dân, hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật. Trước đây, các hộ dân thường bón phân cho đỗ tương tuỳ thích, khi cây xuất hiện sâu bệnh mới phun thuốc bảo vệ thực vật. Nay, bà con bón phân sớm, bón đúng, bón đủ theo quy trình vì bón phân cho đỗ tương muộn không chỉ lãng phí vật tư mà còn gây bệnh hại cho cây. Khi gieo trồng được 7  đến 10 ngày cần phun thuốc trừ sâu ăn lá; giai đoạn cây đỗ tương có 4 đến 5 lá thì phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần để dập tắt sâu bệnh hại. Một nông dân khác, ông Tạ Duy Quyết cho biết: Giống đỗ tương này có một yếu điểm duy nhất là khả năng nhiễm bệnh phấn trắng khá nặng. Tuy nhiên, nếu bà con nông dân chịu khó quan sát và khắc phục sớm thì bệnh sẽ không lan rộng...

 

Kiểm tra thực tế cho thấy, đỗ tương DT26 có tỷ lệ quả 3 hạt đạt tới 80%, trong khi đó giống đối chứng chỉ đạt 40%. Số quả trên mỗi cây đỗ tương DT26 đạt trung bình 30 quả, giống đối chứng là 20 quả. Ông Vũ Duy Tựu, một người dân trong xã nhẩm tính: Với năng suất ước đạt 90kg/sào và giá bán hiện tại là 12.000 đồng/kg thì 1sào đỗ tương giống DT26 sẽ cho thu nhập gần 1,1 triệu đồng, tương đương với cấy 1 sào lúa giống Khang dân ở những chân ruộng chủ động được nước tưới. Ông cho rằng, ở những mảnh ruộng cao, không chủ động được nguồn nước tưới thì từ trước đến nay chưa có loại cây trồng nào cho thu nhập cao như vậy. Tuy nhiên, theo ông Tựu thì trong vụ đầu khảo nghiệm, bà con đã được hỗ trợ 40% giá giống và 20% phân bón nên mức đầu tư cho mỗi sào chỉ vào khoảng 120.000 đồng. Do đó mong muốn của người dân là tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước.

 

Qua kết quả của mô hình trình diễn giống đỗ tương DT26 cho thấy giống đỗ này có ưu điểm là khả năng cho năng suất cao hơn hẳn những giống cũ (cao hơn 40-50kg/sào) và rất phù hợp với cơ cấu cây trồng cũng như cơ cấu mùa vụ của địa phương. Bởi vậy, Trạm Khuyến nông huyện đã đề nghị với Sở Nông nghiệp và PTNT đưa giống đỗ tương DT26 vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, đồng thời có chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân loại cây trồng này đưa vào sản xuất đại trà.