Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra: "Phấn đấu từng bước phổ cập giáo dục bậc trung học (PCGDBTH), đến năm 2010 toàn tỉnh có 50% số trường đạt chuẩn Quốc gia". Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có địa phương nào đạt theo tiến độ, các huyện thành thị đều đề nghị kéo dài thời gian thực hiện ở đơn vị mình
Tiêu chuẩn để đạt PCGDBTH
Tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn PCGDBTH là tương đối cao, đó là: đơn vị đã và duy trì được chuẩn Quốc gia về PCGD THCS; có 90% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn PCGDBTH tại thời điểm kiểm tra; có ít nhất 50% trở lên số trường tiểu học, 40% trở lên số trường THCS đạt chuẩn Quốc gia; mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ huy động đối tượng phổ cập (PC) (15 đến 18 tuổi) đã có bằng tốt nghiệp THCS vào các loại hình THPT, TTGDTX, THCN và dạy nghề phải đạt 95%, trong đó THCN là 15%, dạy nghề 15%. Số thanh thiếu niên từ 18-21 tuổi theo tiêu chuẩn phải đạt tỷ lệ 75% trở lên có bằng tốt nghiệp THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung học chuyên nghiệp (TTGDTX, THCN) và dạy nghề, trong đó 10% tốt nghiệp đào tạo nghề hệ 3 năm.
Mục tiêu chung của công tác PCGDBTH là nâng cao dân trí, làm cho hầu hết công dân đến hết tuổi 21 ở các địa phương đã đạt chuẩn Quốc gia PCGDTHCS đều đạt trình độ học vấn trung học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CNH-HĐH đất nước. Theo kế hoạch của tỉnh, từ năm 2006-2010, 7 địa phương phải hoàn thành PCGDBTH, mở màn là T.X Sông Công, rồi đến Phú Bình, T.P Thái Nguyên. Thế nhưng, đơn vị mà tỉnh chỉ đạo và đề ra mục tiêu hoàn thành đầu tiên là T.X Sông Công thì đến thời điểm này mới có 1/9 xã, phường đạt chuẩn PCGDBTH.
Các địa phương kêu khó!
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngay sau khi nhận được Kế hoạch của Sở GD & ĐT giao cho T.X Sông Công phải hoàn thành PCGDBTH vào năm 2006, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) gồm lãnh đạo UBND, các phòng, ban, các trường THPT, cao đẳng, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề của thị xã; phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên BCĐ, tiến hành tập huấn, điều tra số học sinh trong độ tuổi PC. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường thành lập BCĐ ở cấp mình.
Theo thống kê thời điểm tháng 7/2006, toàn thị xã có 902 học sinh trong độ tuổi từ 15-21 phải huy động ra các lớp bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Phòng Giáo dục đã phối hợp với các xã, phường tích cực huy động các cháu ra lớp. Kết quả, trong 2 năm 2006, 2007 đã mở được 5 lớp bổ túc THPT thu hút được 278 học sinh tham gia. Thế nhưng, số học sinh "teo" dần. Đến thời điểm tháng 3/2007 chỉ còn 114 em. Từ đó đến nay, trên địa bàn T.X cũng không mở thêm được lớp học bổ túc THPT nào cho các em trong đối tượng đã thống kê. Nhận thấy, không thể hoàn thành kế hoạch tỉnh giao, BCĐ PCGDBTH của T.X đã có văn bản kiến nghị tỉnh cho lui thời gian công nhận PCGDBTH đến tận năm 2015 cùng với toàn tỉnh.
Chúng tôi đã tìm đến nhiều xã, phường của T.X Sông Công, qua trao đổi thì hầu hết lãnh đạo các địa phương đều băn khoăn và kêu khó khăn trong việc vận động các em ra lớp. Bởi phần lớn những đối tượng thuộc diện vận động quay trở lại lớp đều thuộc hộ nghèo, phải nghỉ học để kiếm sống. Trong đó có không ít em hiện đang đi làm ăn xa nhà. Vì thế việc vận động họ trở về địa phương là điều không thể, vì trung bình mỗi tháng đi làm mỗi người kiếm được từ 700-800 nghìn đồng, trong khi đi học họ chỉ được hỗ trợ về giấy, bút; những học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa mới được mượn sách giáo khoa.
Mặt khác, khi các em này học hết bổ túc THPT, họ chưa được ưu tiên vào các trường đào tạo nghề. Bên cạnh những học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học mưu sinh, thì cũng có một số em do đua đòi, lêu lổng nên bỏ học. Số này vận động quay lại lớp còn khó khăn hơn nhiều. Còn một nguyên nhân rất căn bản nữa là, theo đồng chí Đinh Thị Luyến, Phó trưởng Phòng GD&ĐT T.X Sông Công thì “một số cán bộ xã, phường trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện chưa làm hết trách nhiệm, vì thế công tác phối hợp với giáo viên các trường trong việc điều tra, đối chiếu số liệu về học sinh cần PC hạn chế. Mặt khác, số đối tượng đã huy động ra lớp cũng không duy trì nổi sĩ số, vì các em vẫn không nhận thức được nên chán học, bỏ học tiếp.
Từ khi thực hiện PCGDBTH đến nay, toàn T.X mới có 48 học sinh trong độ tuổi phổ cập đã thi tốt nghiệp bổ túc THPT”. Đối với T.P Thái Nguyên đơn vị được giao hoàn thành PCGDBTH vào năm 2008 đến nay vẫn cũng chưa hoàn thành. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT T.P thì: "Trước đây hệ bổ túc THPT học 2 năm thì xong chương trình 3 lớp rất đông người học, nhất là cán bộ cấp xã, phường, công nhân ở nhà máy, xí nghiệp. Từ khi Bộ GD&ĐT quyết định học mỗi năm 1 lớp thì không những đối tượng này giảm nhiều mà ngay cả những học sinh tốt nghiệp THCS vận động học PC cũng khó khăn hơn. Vì phần lớn các em là lao động chính trong gia đình. Mặt khác, sau khi thực hiện Cuộc vận động "Hai không" kỷ luật phòng thi xiết chặt, tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp nhiều, có khá nhiều em dù thầy cô, chính quyền địa phương vận động nhưng vẫn không thi lại tốt nghiệp, mà bỏ hẳn. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến T.P không hoàn thành đúng tiến độ mà Đề án PCGDBTH của tỉnh đề ra".
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì thách thức lớn nhất của ngành Giáo dục hiện nay là số trường THPT chưa tương xứng với nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 32 trường THPT. Mới đây tỉnh quyết định thành lập thêm 3 trường THPT là Hà Thượng (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương) và Đào Xá (Phú Bình), nhưng do kinh phí có hạn nên vẫn chưa được đầu tư xây dựng, vì thế tỷ lệ huy động các em tốt nghiệp THCS vào các trường THPT hạn chế. Năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được vào học tại các trường THPT mới đạt trên 80%. Trong quá trình học tập, không ít học sinh lại bỏ học ngang chừng.
Theo số liệu thống kê mới đây của ngành Giáo dục từ đầu năm học đến hết tháng 3/2010 toàn tỉnh có tới 1.093 học sinh bỏ học, trong đó thấp nhất là tiểu học 8 em, tiếp đến là THCS 423 em, cao nhất là THPT 662 em. Với tỷ lệ bỏ học cao như hiện nay, thì càng khó khăn cho việc thực hiện PCGDBTH trong những năm tiếp theo. Mặt khác, số trường đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học, bậc học cũng không đồng đều, nếu như ở bậc tiểu học hiện có 171/225 trường đạt chuẩn Quốc gia thì THCS chỉ có 48/180 trường đạt chuẩn Quốc gia, THPT 3/32 trường. Đây cũng là một tiêu chí khiến nhiều địa phương không hoàn thành PCGDBTH theo thời gian định ra.
Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện PCGDBTH
Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án PCGDBTH cho thấy tiến độ thực hiện của các địa phương trong tỉnh là rất chậm. 7 huyện, thành, thị được giao hoàn thành PCGDBTH trước năm 2010 đều không thể thực hiện được. Tính đến hết tháng 3/2010, toàn tỉnh mới có 20 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDBTH, bằng 11,1%. Điều đáng nói là tất cả 9 huyện, thành, thị đều đề nghị tỉnh kéo dài thời gian thực hiện PCGDBTH ở đơn vị mình. Ngay như T.X Sông Công - đơn vị được giao phải hoàn thành PCGDBTH vào năm 2006 cũng đề nghị lui thời điểm này đến tận năm 2015.
Nếu công tác PC vẫn diễn tiến như hiện nay thì đến năm 2015 theo nhận định của chúng tôi cũng chỉ có 1-2 địa phương đạt chuẩn PCGDBTH. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các đơn vị trong việc thực hiện PCGDBTH, đề nghị các địa phương phải đưa PCGDBTH là một chỉ tiêu trong nghị quyết đại hội Đảng bộ khóa mới để tập trung đề ra các giải pháp triển khai thực hiện. Coi đây là chỉ tiêu đánh giá thi đua đối với các xã, phường, thị trấn trực thuộc. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh nâng cao nhận thức, ủng hộ và cho con em họ đi học.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm dành nguồn kinh phí để xây dựng các trường THPT đã được phê duyệt thành lập. Củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia. Cũng như tích cực phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào các trường THPT, trung học dạy nghề. Bên cạnh nguồn kinh phí TW cấp để thực hiện công tác PC, tỉnh cũng cần nghiên cứu có cơ chế ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên dạy PC và số học sinh huy động ra các lớp bổ túc THPT. Có như vậy, mới hy vọng năm 2015, Thái Nguyên hoàn thành công tác PCGDBTH, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm giáo dục của vùng.