Phú Lương hiện có 193 công trình thủy lợi lớn, nhỏ (trong đó có 29 trạm bơm, 49 hồ, 9 đập, 61 ao, đầm...) đảm bảo tưới, tiêu cho trên 4.000 ha đất nông nghiệp. Trong những năm qua. huyện Phú Lương đã quan tâm đầu tư xây mới và tu sửa các công trình thủy lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu về nước tưới, một trong những yếu tố quyết định thắng lợi trong sản xuất...
Do địa hình của Phú Lương mang đặc thù riêng của vùng đồi núi nên việc cung cấp nước chủ yếu dựa vào tự nhiên, xây dựng hồ đập giữ nước, ngăn suối đưa nước vào đồng ruộng. Năm 2009, từ nguồn vốn thủy lợi phí và phòng chống lụt bão là hơn 7,7 tỷ đồng, cộng với vốn đối ứng của nhân dân là hơn 500 triệu đồng, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình thuỷ lợi đầu mối như: 7 đập dâng nước tưới vùng đồi tại 3 xã: Vô Tranh, Tức Tranh và Phú Đô; đầu tư sửa chữa 2 công trình đập Gốc Sim và Gốc Ổi ở xã Tức Tranh; nâng cấp các trạm bơm: Giang Tiên, Giang Long thuộc thị trấn Giang Tiên, Trạm bơm Đồng Lường ở xã Tức Tranh, Trạm bơm Đồng Xe thuộc xã Sơn Cẩm, Trạm bơm xóm Làng, xã Yên Đổ... xây mới 2 công trình: hồ Nậm Dất ở xã Yên Trạch và hồ Khe Cuồng thuộc xã Yên Ninh; kiên cố hóa được hơn 47 km kênh mương...
Các công trình hồ, đập được xây dựng phần nào đáp ứng nhu cầu về nước tưới cho sản xuất của bà con. 4.000 ha trên tổng số hơn 6.900 ha lúa 2 vụ của toàn huyện nay đã được cung cấp nước ổn định, góp phần đưa tổng sản lượng cây lương thực có hạt của Phú Lương tăng từ 38.500 tấn năm 2006, lên hơn 39.800 tấn năm 2009.
Anh Nguyễn Công Thụ, Trưởng xóm Khau Đu, xã Yên Trạch cho biết: Năm 2009 công trình hồ Nậm Dất ở xã tôi được đưa vào sử dụng. Nhờ đó, hơn 30 ha lúa của bà con xóm tôi và một số xóm lân cận như: Đồng Quốc, Làng Nông và Đin Đeng đã có thể cấy được 2 vụ. Bà con phấn khởi lắm vì không phải mất thêm chi phí bơm nước tưới. Nhờ có đủ nước nên trong các giai đoạn lúa sinh trưởng và phát triển, thân cây cứng, bông nặng và dày hạt. Còn ông Lục Văn Quyết, ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh nói: Nhà tôi có hơn 2.000m2 chè. Trước đây, cứ vào mùa khô là không có nước tưới, chè của chúng tôi không cho thu hoạch. Từ khi có đập trữ nước, chúng tôi đã có thể làm được chè vụ đông, cho giá bán cao gấp 1,5 lần so với chè chính vụ.
Có thể nhận thấy, nhờ quan tâm tới xây mới và tu sửa các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nên năng suất và sản lượng nông nghiệp ở một số địa phương trong huyện đã tăng lên. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Năm 2009, 2 công trình đập dâng nước thuộc 2 xóm Tân Bình 3 và Trung Thành 3 của xã tôi được đưa vào sử dụng đã đảm bảo cung cấp nước tưới về mùa khô cho hơn 100ha chè, trên 20 lúa và hoa màu của các xóm Trung Thành 2, Trung Thành 3, Trung Thành 4, Tân Bình 3 và Tân Bình 3. Nhờ đó, năng suất chè của toàn xã tăng từ 90 tạ/ha năm 2008 lên 94 tạ/ha năm 2009, sản lượng đạt trên 5.300 tấn, tăng hơn 1 nghìn tấn so với năm 2008.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Thúy Nguyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng, trước mỗi mùa vụ, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra tình hình thực tế các hồ đập, trạm bơm để có những biện pháp phối hợp với các địa phương tiến hành tu sửa, nạo vét, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức giám sát hoạt động của các đơn vị thi công và chất lượng các công trình thủy lợi. Các công trình sau khi đưa vào sử dụng, chúng tôi còn quan tâm kiểm tra và nhắc nhở các địa phương chú trọng bảo quản, giữ gìn, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.