Án bị sửa, huỷ: Có cả lỗi chủ quan và khách quan

10:49, 16/07/2010

Hàng chục nghìn vụ án các loại xảy ra trên địa bàn Thái Nguyên trong vòng 5 năm qua đã được các cơ quan tố tụng của tỉnh giải quyết, góp phần tạo sự ổn định xã hội, bảo vệ nghiêm minh nền pháp chế.  

 

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn những thiếu sót nhất định dẫn tới có một số vụ án bị sửa hoặc huỷ do lỗi chủ quan của cán bộ tham gia tố tụng…         

 

5 qua, ngành Toà án tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng cùng cấp thụ lý giải quyết được 15.931 vụ án các loại, đạt tỷ lệ chung là 95%, trong đó có trên 500 vụ án được đưa ra xét xử lưu động tại các khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Việc giải quyết án dân sự, hình sự và các loại vụ việc khác cơ quan Công an, Kiểm sát và Toà án đã được quan tâm ngày từ khi xây dựng hồ sơ, điều tra làm rõ hành vi phạm tội, nhân chứng, các quan hệ tranh chấp, thu thập, đánh giá chứng cứ một cách khách quan nên số vụ việc đưa ra xét xử, hoà giải thành đều đạt tỷ lệ cao, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

 

Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh cho biết: " Số án dân sự, án hình sự phải giải quyết hàng năm đều tăng nhưng cơ sở vật chất, con người của ngành chưa tăng tương xứng nên để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, tập thể cán bộ của Toà án tỉnh nói riêng và các ngành tố tụng nói chung đã làm việc với cường độ cao, nhất là lực lượng thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên". Thành tích của các cơ quan tố tụng đã được khẳng định bằng phần thưởng của lãnh đạo ngành dọc, của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Điều lớn hơn nữa là những thành tích của các cơ quan tố tụng trong tỉnh đã ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn, tạo sự yên bình để nhân dân yên tâm lao động sản xuất và thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.

 

Bên cạnh mặt tích cực, trong công tác giải quyết án vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn tới số án bị sửa, huỷ của một số đơn vị Tòa án cao hơn mức cho phép của ngành. Đơn cử như trong tổng số án dân sự, hình sự được tăng thểm quyền xét xử do các cơ quan tố tụng cấp huyện giải quyết theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có 94 vụ án bị kháng cáo, kháng nghị. Trong số vụ án nêu trên có tới 24 vụ án hình sự bị sửa, huỷ (19 vụ sửa, 5 vụ huỷ), 2 vụ án dân sự bị sửa. Đặc biệt là trong đợt giám sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc giải quyết án dân sự của các cơ quan tòa án trên địa bàn cho thấy: Tình trạng án dân sự sơ thẩm bị sửa, bị huỷ cao hơn nhiều sơ mới mức cho phép của Tòa án Nhân dân tối cao, cá biệt có một Tòa án cấp huyện án dân sự bị sửa, huỷ từ 15 tới 30%.

 

Nguyên dân dẫn tới án bị sửa, bị huỷ được cơ các cơ quan tòa án đưa ra là có tình tiết mới phát sinh ở giai đoạn xét xử phúc thẩm nên nội dung vụ án có sự thay đối so với hồ sơ xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên nhiều vụ án hình sự, dân sự bị huỷ, sửa có cả lỗi chủ quan của cán bộ các cơ quan tham gia tố tụng như: Điều tra viên chưa tập hợp đủ chứng cứ, bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; vi phạm quy trình, thời gian tố tụng; đánh giá chứng cứ, bản chất, loại hình vụ án chưa thật chính xác… Vì những điều này mà một số vụ án dân sự, hình sự bị sửa, huỷ gây thiệt hại cho các bên liên quan, ảnh hưởng tới chất lượng xét xử, sự nghiêm minh của pháp luật. Đồng chí Phạm Văn Sĩ, Phó Ban Pháp chế HĐND có ý kiến: "Án bị sửa, huỷ do lỗi chủ quan của cán bộ các cơ quan tham gia tố tụng là điều rất đáng lo ngại vì không chỉ gây mất thời gian, tiền của Nhà nước mà có nguy cơ xảy ra oan sai, bỏ sót tội phạm, làm chậm tiến độ cải cách tư pháp".

 

Để hạn chế án sửa, án huỷ, theo chúng tôi một mặt các cấp, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, con người và cơ chế đãi ngộ đặc biệt cho lực lượng làm việc trong các ngành tư pháp. Song hành với đó cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia tố tụng trước khi đưa vụ án ra xét xử và đẩy mạng hoạt động kiểm tra, giám sát để tránh những thiếu sót có thể xảy ra. Đối với nội bộ các cơ quan tố tụng, nhất là Tòa án Nhân dân nên đưa việc "trao đổi chuyên môn" trước khi đưa ra bản kết luật cuối cùng về vụ án đối với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thành quy chế bắt buộc để phát huy trí tuệ tập thể, tránh được sự nhầm lẫn, sai sót do lỗi khách quan hoặc cố ý của cán bộ trực tiếp giải quyết án.