So với các huyện khác, Võ Nhai là địa bàn không mấy thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng. Huyện có 15 xã thì có tới 11 xã vùng 3, giao thông đi lại tuy đã được cải thiện nhiều, nhưng ô tô mới chỉ đến các trung tâm xã, đường liên xóm, đến các hộ dân còn khó khăn. Vì thế, công việc của cán bộ tín dụng ở đây vô cùng vất vả.
Để vốn ngân hàng đến được với người dân đúng mục đích, có hiệu quả, cán bộ tín dụng phải đi thẩm tra tận hộ dân, có khi phải đi bộ hàng chục cây số. Đã thế, đa số các hộ vay vốn đều là hộ sản xuất nông nghiệp, món vay nhỏ lẻ. Những hộ kinh doanh không nhiều. Hộ vay cao nhất ở đây cũng chỉ đến 2 tỷ đồng.
Anh Trịnh Hồng Nguyên, Giám đốc Nông nghiệp - PTNT (NHNo) Võ Nhai cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ nông dân của huyện liên tục gặp khó khăn trong sản xuất và chăn nuôi do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn; mất mùa thuốc lá. Vào mùa thu hoạch, giá ngô, lúa lại bị xuống giá liên tục. Có một số xã ảnh hưởng rất lớn như Lâu Thượng, Phú Thượng, Bình Long… Từ đó kéo theo ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Ngân hàng. Vì hiện nay 100% xã, thị trấn của huyện đều có hộ nông dân vay vốn Ngân hàng đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi (hiện có trên 3 nghìn hộ đang có dư nợ ngân hàng). Mà nông dân đã bị thất bát thì Ngân hàng sẽ khó thu hồi vốn. Với đặc thù là ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông dân nên dù khó cũng không thể buông lơi. Lúc thiên tai, mất mùa, chính Ngân hàng phải sát cánh cùng nông dân vượt qua những lúc khó khăn. Do vậy, giải pháp tối ưu của Ngân hàng vẫn phải là “lấy nợ để nuôi nợ”. Tức là, Ngân hàng tiếp tục cho hộ nông dân vay vốn để họ có điều kiện vực dậy về kinh tế thì mới có tiền để trả nợ”.
Tuy nhiên, anh cũng giãi bày lo ngại lớn nhất của mình: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước về cho người dân đi lao động xuất khẩu vay vốn là rất đúng. Nhưng trên thực tế, việc cho vay đi lao động xuất khẩu ở Võ Nhai những năm qua đang rất vướng cho Ngân hàng. Nếu không cho vay thì không đúng, mà cho vay thì không hiệu quả. Vì qua đi thẩm định cho vay vốn, hầu hết các hộ đều không đủ điều kiện để vay. Với những hộ đủ điều kiện được vay, người lao động sau khi sang nước ngoài chỉ vài tháng lại trở về do không có việc làm. Cũng từ không có thu nhập nên không trả được nợ đã vay trước khi đi, Ngân hàng có muốn “siết nợ” cũng rất ngại, vì phát mại nhà cửa hay ruộng đất của họ để thu hồi nợ thì không đành, mà không làm như vậy thì không thu được nợ. Ngân hàng lại phải xem xét khả năng, tiếp tục cho họ vay đầu tư sản xuất mới để thu hồi nợ dần. Hoặc có một số trường hợp, Ngân hàng cho vay tiền để người lao động “tiền đóng gạo góp” cho đơn vị xuất khẩu lao động, nhưng lại không đi được, tiền cũng không lấy lại được. Hiện còn 3 trường hợp vay của NHNo Võ Nhai với số tiền 28 triệu 500 nghìn đồng và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính Sách - Xã hội huyện còn 18 trường hợp vay với số tiền trên 186 triệu 156 nghìn đồng (cả gốc và lãi, tính đến thời điểm năm 2007) đi lao động xuất khẩu từ năm 2004, đã nộp cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Prosimex (tại Thanh Xuân, Hà Nội) để đưa đi làm việc ở Đài Loan, nhưng đến nay vẫn chưa trả hết được nợ.
Hiện NHNo huyện đang tiếp tục động viên các hộ vay vốn và cho vay thêm để họ làm ăn và trả nợ dần. Nhưng cũng chỉ có 2 hộ thực hiện theo phương án này, còn 1 hộ sẽ có khả năng khó đòi vì vợ chồng đã ly tán và đi biệt tăm khỏi địa phương. Còn Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cũng chưa đòi được nợ. Đó là chưa kể có 8 trường hợp ở xã Lâu Thượng đi xuất khẩu lao động ở Nga cũng vay vốn đi vài tháng lại phải trở về để rồi gánh theo món nợ ngân hàng 2 năm mới trả được. Đây là vấn đề cần được tháo gỡ không chỉ với NHNo Võ Nhai mà cả với các ngân hàng khác khi thực hiện nhiệm vụ này”.
Hoạt động ở địa bàn với nhiều khó khăn như vậy, nhưng NHNo Võ Nhai vẫn cố gắng để ngày càng phục vụ tốt hơn bà con nông dân, giúp họ vượt qua khó khăn và đảm bảo các chỉ tiêu của Ngân hàng đề ra hàng năm. Bên cạnh việc triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất đến hộ nông dân để người dân được hưởng các chính sách của Nhà nước, Ngân hàng đã luôn đồng hành cùng nông dân, giúp họ tìm cách làm ăn, ổn định cuộc sống, trả được nợ. Về phía Ngân hàng, không ngừng đổi mới phong cách phục vụ để thu hút nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân; tăng cường quảng bá các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tiện ích; tích cực đôn đốc nợ quá hạn; thẩm định cho vay chắc chắn, tránh rủi ro lớn…Vì thế, tính đến đến 31/12/ 2009, tổng dư nợ trên địa bàn đạt trên 106 tỷ đồng, đạt 99,1% so với kế hoạch, tăng so với đầu năm 39%; đến 30/6/2010 đạt 121 tỷ 468 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, đạt tốc độ tăng trưởng 14,5%, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 1,46%. Ngoài ra, Ngân hàng còn mở thêm một số dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng như dịch vụ Thẻ, với 1.416 Thẻ ATM đang hoạt động ổn định; dịch vụ SMS với 1.061 khách hàng sử dụng; dịch vụ bảo an tín dụng có 1.071 khách hàng tham gia. Tổng nguồn vốn đến 31/12/2009 đạt 93 tỷ 296 triệu đồng; đến 30/6/2010 huy động gần 108 tỷ đồng, đạt 106,7% kế hoạch giao.
Tuy còn khó khăn, song, bên cạnh công tác kinh doanh, Ngân hàng còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện. Từ năm 2005 đến 2009, Ngân hàng đã vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức ủng hộ quỹ từ thiện với số tiền gần 80 triệu đồng để xây dựng 3 nhà tình nghĩa ở xã Dân Tiến, 1 nhà ở xã Phương Giao, 1 nhà ở xã Phú Thượng, 1 nhà ở xã Lâu Thượng. Đặc biệt năm 2009, số tiền ủng hộ của cơ quan cùng với vốn của ngân hàng cấp trên đã đóng góp để xây dựng 2 phòng học theo chương trình “Ngôi trường mơ ước” do huyện tổ chức vận động.