Để phát triển các làng nghề bền vững

07:58, 16/07/2010

Mặc dù các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề ở Thái Nguyên đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân nông thôn, nhưng hiện nay, hầu hết các làng nghề chưa được cộng nhận do quy mô còn nhỏ bé, giá trị sản xuất và số lao động còn ở mức khiêm tốn, sản phẩm  chưa có thương hiệu, chất lượng không cao….  

 

Mùa này, làng chè Thác Dài, xã Tức Tranh (Phú Lương) thật sôi động. Khắp các đồi chè, đâu đâu cũng có các bà, các chị quây quần hái những búp chè non tơ. Trong mỗi nếp nhà, tiếng máy sao, vò chè chạy ầm ào đến  vui tai. Làng nghề này đã có 40 năm tuổi nhưng mới được biết đến từ năm 2007, khi Thác Dài được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lựa chọn để xây dựng làng nghề sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP. Hiện nay, làng nghề có 60 hộ dân, với tổng diện tích chè 27 ha. Với phương thức làm chè mới, chất lượng chè của Thác Dài đã được nâng lên, giá trị 1 ha chè của xóm vì thế cũng tăng cao. Bà Lê Thị Thu Thuỷ, một người dân ở xóm Thác Dài cho biết:  Trước đây, mỗi héc - ta chè chỉ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng thì nay có thể cho thu nhập 80 đến trên 100 triệu đồng đã góp phần cải thiện cuộc sống của làng nghề chuyên canh cây chè này.

 

Làng nghề chè Thác Dài chỉ là một trong hơn 16.000 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề nông thôn của tỉnh. Những năm qua, các làng nghề này đã thu hút lực lượng lao động khá lớn, đặc biệt là số lao động ở nông thôn còn thiếu việc làm do đặc điểm lao động mang tính thời vụ. Năm 2009, các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề đã thu hút gần 50 nghìn lao động, tăng hơn khoảng 20 nghìn lao động so với năm 2005. Các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: chế biến thực phẩm (sản xuất miến dong, bún, mỳ, chè chế biến…); làm mành cọ, nghề mây tre đan, giang đan, thủ công mỹ nghệ; sản xuất vật liệu xây dựng… Gần đây, ở khu vực nông thôn còn xuất hiện thêm nghề mới du nhập từ các tỉnh miền xuôi về như thêu tranh, thêu ren, nứa chắp. Một điều đáng mừng là cùng với làng nghề chè Thác Dài, một số làng nghề của tỉnh đã thực sự nổi trội, sản phẩm làm ra được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như làng nghề chế biến miến dong Việt Cường (Đồng Hỷ); một số làng nghề mây tre đan ở Tân Đức (Phú Bình) và Tiên Phong (Phổ Yên)…

 

Đến hết năm 2010, Thái Nguyên phấn đấu sẽ có trên 16.400 cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề, trong đó, khối doanh nghiệp có 118 cơ sở, khối hợp tác xã có 60 cơ sở, khối làng nghề có 110 cơ sở, còn lại là khối hộ gia đình. Dự kiến, các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề này sẽ giải quyết việc làm cho 54.350 lao động. Theo đó, các địa phương sẽ mở mới một số làng nghề như: Phú Bình mở mới 5 làng nghề, tập trung vào các lĩnh vực đan lát, mây tre đan, chế biến nông sản; Đồng Hỷ mở mới một làng nghề trồng hoa; Đại Từ mở mới 4 làng nghề tập trung vào các lĩnh vực thêu ren, sản xuất và chế biến chè an toàn; T.P Thái Nguyên mở mới 2 làng nghề trồng hoa…

 

Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để đạt được mục tiêu này, tỉnh ta cần đẩy mạnh khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; có chính sách khen thưởng, hỗ trợ các làng nghề, nghệ nhân giỏi cũng như tiếp tục thực hiện Quyết định 2891 của UBND tỉnh quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề được công nhận; tăng cường tổ chức hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm và có chính sách hỗ trợ cho các làng nghề tham gia hội chợ; hỗ trợ kinh phí mở các lớp khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng đào tạo lại cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực đào tạo nghề tại các trung tâm dạy nghề cấp huyện; có biện pháp bảo vệ môi trưởng ở các làng nghề một cách bền vững; thực hiện tốt chương trình, đề án, dự án quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu như chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển công nghiệp chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới tiêu thụ…