Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có khoảng hơn 830 ha ao, đầm và hơn chục hồ, đập. Nhiều hồ có diện tích lớn trên 2ha, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn như: hồ Ao Dẻ, xã Động Đạt; hồ Lũng ở Yên Đổ… Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi thủy sản ở đây mới chỉ mang tính tự phát.
Những năm qua, nguồn lợi từ thủy sản đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng của người dân trong toàn huyện, góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Anh Lê Văn Hoàn, xóm Đồng Chừa, xã Yên Đổ nói: Sau khi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về nuôi cá do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức, tôi đã cải tạo hơn 2.000 m2 diện tích mặt nước sẵn có để nuôi các loại cá: trôi, trắm, chép, rô phi… Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm một đàn lợn để tận dụng chất thải làm thức ăn cho cá. Mỗi năm tôi xuất bán được 5 tạ cá, với giá bán trung bình 20 nghìn đồng/kg, thu về hơn 10 triệu đồng. Hiện nay tôi chỉ nuôi các loại cá truyền thống nên giá trị kinh tế chưa cao. Tôi cũng muốn đưa các loại thủy sản giống mới cho năng suất cao vào nuôi nhưng chưa biết nuôi loại gì cho phù hợp. Vì thế chúng tôi rất mong muốn được tư vấn, hỗ trợ về những vấn đề này. Còn anh Hoàng Văn Quyết, ở xóm Ao Trám, xã Động Đạt hào hứng khoe với chúng tôi: Gia đình tôi nuôi cá chim, đây là giống cá mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi chất lượng thịt tốt, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, tôi còn thả các loại cá như cá trắm, cá vược… Với diện tích hơn 2ha, mỗi năm gia đình tôi cũng thu được hơn 2 tấn cá, thu về trên 40 triệu đồng. Cái khó hiện nay trong việc nuôi cá của gia đình là nguồn giống do không có nguồn cung cố định nên nhiều khi con giống không đảm bảo chất lượng.
Tâm sự của anh Hoàng, anh Quyết cũng là những trăn trở của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản ở Phú Lương. Có thể thấy rằng, việc đầu tư phát triển thuỷ sản là một trong những hướng đi thích hợp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Với tiềm năng phát triển thủy sản của huyện, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên này thủy sản ở Phú Lương vẫn chỉ ở mức tự sản, tự tiêu mà chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có. Nếu như năm 2005, sản lượng chăn nuôi thủy sản của toàn huyện là 375 tấn, chỉ chiếm 2% giá trị nội ngành xuất nông nghiệp; thì đến năm 2009 cũng chỉ đạt 390 tấn, chiếm 2,8% giá trị sản xuất nội ngành. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Lê Thị Thúy Nguyên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của huyện tuy lớn nhưng chưa được khai thác triệt để. Các hộ tham gia nuôi trồng thủy sản chủ yếu mang chất tự phát và cũng chỉ dừng ở phương thức là “thả chứ chưa chăn”; chưa có sự hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, do còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên người chăn nuôi vẫn chủ yếu tập trung vào các giống thuỷ sản truyền thống, năng suất thấp.
Nuôi trồng thuỷ sản là ngành kinh tế có nhiều triển vọng, vì thế, Huyện cần có kế hoạch lâu dài từ đó khuyến khích các hộ dân tận dụng tối đa diện tích mặt nước ao, hồ và chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả và khai thác các hồ chứa để đầu tư nuôi trồng thủy sản... Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, thử nghiệm giống mới để bà con học tập kinh nghiệm chăn nuôi; hỗ trợ vốn cho nông dân... Có như vậy mới hy vọng một ngành nuôi trồng thủy sản phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.