Cải cách hành chính để thu hút đầu tư: Chuyển biến từ nhận thức đến việc làm

07:28, 13/08/2010

Thời gian gần đây, thu hút đầu tư luôn là một trong những chỉ tiêu đạt kết quả cao nhất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Thái Nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà có được những thành tích đáng nể như vậy, đây là tổng hòa các yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất chính là “cải cách thủ tục hành chính” (CCTTHC) .

 

Kỳ I: Để không còn chuyện...“hành là chính”

 

Nói đến TTHC, nhất là trong thu hút đầu tư, bấy lâu nay người ta hay nhắc đến các cụm từ “hành là chính” hay “một cửa nhiều khóa”, “một khóa nhiều chìa”... một cách không mấy thiện cảm. Chính vì vậy, việc CCTTHC chính là để loại bỏ những điều chưa hay mà thực tế đã diễn ra ở nơi này, nơi khác. Với Thái Nguyên, những năm gần đây các nhà đầu tư không còn phải phàn nàn về các thủ tục rườm rà hay thái độ sách nhiễu của cán bộ trong quá trình giải quyết các TTHC nữa.

 

Hiệu quả cơ chế “một cửa”

 

Để phần nào minh chứng cho việc khẳng định thu hút đầu tư những năm gần đây luôn đạt kết quả cao, tác giả bài viết xin dẫn dụ một vài số liệu cụ thể: Tính từ năm 2006 đến hết ngày 30/7/2010, trên địa bàn tỉnh có khoảng 380 dự án được chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 171 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 209 dự án được chấp thuận đầu tư. Điều đáng quan tâm là có tới 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) với số vốn đăng ký khoảng 100 triệu USD. Theo đánh giá chuyên môn, trong khoảng gần 5 năm này, các dự án đầu tư được đăng ký và thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tăng cả về số lượng và quy mô đầu tư. Riêng năm 2009, mặc dù vẫn chịu tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và sự suy giảm kinh tế trong nước, nhưng tốc độ thu hút đầu tư của tỉnh vẫn cao nhất từ trước đến nay với tổng số 205 dự án, vốn đăng ký 22 nghìn tỷ đồng.      

 

Còn nhớ, trước đây chúng ta đã để “tuột” không ít nhà đầu tư tầm cỡ với những dự án quy mô lớn, vốn đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể tên một số dự án: Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phụ tùng của Công ty YAMAHA Việt Nam; Nhà máy lắp ráp của hãng CANON hay các Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp... Được biết, không phải nhà đầu tư “bỏ đi” tìm kiếm cơ hội ở nơi khác vì những lý do về vị trí địa lý, chính sách ưu đãi mà chính là vì sự rườm rà, sách nhiễu, kéo dài thời gian trong giải quyết các TTHC. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư phàn nàn về thái độ làm việc cũng như tư duy vị kỷ của một bộ phận cán bộ công quyền tại địa phương. Đó là bài học đáng nhớ trong thu hút đầu tư của chúng ta, bởi ngay khi rời khỏi Thái Nguyên, các nhà đầu tư tiềm năng này đã được chào đón và lập tức đầu tư dự án ở các tỉnh, thành lân cận. Được biết, hàng năm, mỗi dự án trên đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng.

 

Nhận thức rõ đây là căn bệnh khó chữa, cần phải bắt mạch và chẩn đoán chính xác mới có thể trị tận gốc, mấy năm gần đây tỉnh ta đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với nhiều cách làm bài bản, năng động. Cũng bởi thế mà nhiều nhà đầu tư lớn đã lại chọn Thái Nguyên làm điểm dừng chân lâu dài. Sự cải tổ trong giải quyết các TTHC đã thực sự mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trước. Đó là sự ra đời của Văn phòng Một cửa liên thông. “Bắt đầu từ 1/6/2008, Văn phòng ra đời đã rút ngắn tới 2/3 thời gian giải quyết các TTHC của nhà đầu tư. Trước đây, nhà đầu tư phải đến từng ngành để làm thủ tục liên quan và mất ít nhất là 15 ngày, có khi cả vài tháng, nhưng nay chỉ cần đến một địa điểm và chỉ mất từ 7-8 ngày là có thể hoàn tất được thủ tục. Ví dụ như Dự án xây dựng Nhà máy may Shinwon-Hàn Quốc (tại T.X Sông Công) chỉ mất 5 ngày để làm các thủ tục đầu tư”. - Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư), cán bộ thường trực Văn phòng Một cửa liên thông của tỉnh cho chúng tôi biết. Các ngành đều cử cán bộ tập trung giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa liên thông của tỉnh. Tuy là nhiều ngành nhưng có sự đồng nhất cùng giải quyết nên không có chuyện “một cửa nhiều khóa” như nhiều người vẫn nói. Từ khi ra đời đến nay, Văn phòng Một cửa liên thông của tỉnh đã thực hiện 170 phiên làm việc vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần. Đã có 301 lượt nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tiếp xúc, làm việc, nộp hồ sơ và được hướng dẫn về các thủ tục đầu tư. Văn phòng cũng đã họp xem xét giải quyết 16 trường hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án của các doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh và đề xuất với các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp giải quyết.

 

Nhà đầu tư hài lòng

 

Công ty Cổ phần đầu tư châu Á-Thái Bình Dương (APEC)-doanh nghiệp có uy tín, năng lực đầu tư đã “bỏ qua” một số địa phương khác để tìm đến đầu tư hai dự án tầm cỡ vào Thái Nguyên. Đó là Dự án xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê khách sạn cao cấp tại T.P Thái Nguyên với mức đầu tư 970 tỷ đồng và Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy huyện Phú Bình, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Ông Lê Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty nói: “Chúng tôi đã đầu tư ở nhiều nơi nhưng phải thừa nhận mấy năm gần đây Thái Nguyên thay đổi nhiều về tư duy và cách làm trong thu hút đầu tư. Thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của Thái Nguyên đã bắt đầu nhanh hơn so với trước và với các tỉnh khác. Nhà đầu tư không còn phải đi lại làm thủ tục nhiều lần nữa, cán bộ hướng dẫn làm thủ tục cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm. Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy chỉ mất 7 ngày làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau khoảng 5 tháng thì đã có thể bắt đầu tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và khoảng 7 tháng sau thì giải ngân được”. Đại diện phía nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng, ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng Đại diện Công ty cổ phần Sông Đà 2 tại Thái Nguyên cho biết: “Qua thực tế, tôi nhận thấy, Thái Nguyên là tỉnh đang thu hút đầu tư rất mạnh mẽ. Quan điểm và cách làm của địa phương là rất ủng hộ nhà đầu tư. Thời gian giải quyết các TTHC ở các bộ phận chức năng thực sự đáng nể. So với một số nơi khác, thời gian để tiến hành thẩm định phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư ở Thái Nguyên giảm được khoảng một nửa. Chúng tôi chưa gặp trường hợp gây phiền hà hoặc cố ý “dìm” thủ tục, hồ sơ đầu tư của doanh nghiệp cả”.

 

Đại diện nhà đầu tư trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG tâm sự: Thời gian vừa qua, chúng tôi đầu tư hai dự án may mặc rất lớn trên địa bàn, một tại T.X Sông Công, một đang thực hiện tại huyện Phú Bình. Thủ tục đầu tư của cả hai dự án này đều được triển khai một cách nhanh chóng, thuận tiện. Ngay từ các thủ tục đất đai tại xã cũng ít có vướng mắc. Có khó khăn chăng chỉ ở khâu bồi thường GPMB sau đó. Một số nhà đầu tư đang thực hiện các dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Dịch vụ  Yên Bình, Công ty VINAXUKI, Công ty Shinwon Hàn Quốc, Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên, Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long... cũng có chung quan điểm và thực sự hai lòng về những thay đổi tích cực trong giải quyết TTHC phục vụ đầu tư thời gian gần đây của tỉnh.

 

Như vậy, có thể khẳng định, sau một thời gian thực hiện các bước CCTTHC để thu hút đầu tư, khái niệm “hành là chính” đã không còn tồn tại, ít nhất là trong suy nghĩ của các nhà đầu tư khi đến Thái Nguyên.

 

Kỳ II: Nhận thức đã thông, việc làm cũng chuyển

 

Ghi nhận từ thực tế của chúng tôi cho thấy, không chỉ riêng cán bộ lãnh đạo mà cả lực lượng trực tiếp và gián tiếp làm công tác giải quyết TTHC thu hút đầu tư cũng đã có sự thay đổi và thông suốt về quan điểm, nhận thức. Chính điều đó làm chuyển biến cả một hệ thống chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã mà ở đó cả “núi” công việc đang được giải quyết trôi chảy. Trong kỳ II bài viết này, tác giả xin chọn hai huyện đặc trưng là Phú Bình và Phổ Yên để làm ví dụ minh chứng cho nhận định trên.

 

Trải thảm đón đầu tư

 

Dự án  Nhà máy May tại huyện Phú Bình của Công ty C.P Đầu tư và Thương mại TNG đang được triển khai đúng tiến độ

 

Trước đây, khi nhắc đến Phú Bình người ta nghĩ ngay đến một huyện thuần nông, nhưng giờ đây, suy nghĩ đó không còn đúng nữa. Phú Bình giờ đã hướng tới phát triển công nghiệp, dịch vụ với các dự án đầu tư quy mô lớn đang được triển khai. Tư duy phá thế thuần nông đã thấm dần vào suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Lãnh đạo huyện luôn xác định, muốn phát triển công nghiệp thì phải tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư. Muốn vậy, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cũng như công tác CCTTHC  phải được đặc biệt quan tâm. Là địa phương ít bề dày về thu hút đầu tư, nên quan điểm “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư đã được huyện thực hiện khá hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Phương châm và cũng là cam kết của huyện với nhà đầu tư dựa trên 5 yêu cầu. Thứ nhất, toàn huyện xác định việc thu hút đầu tư là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Thứ hai, phải coi việc đầu tư của doanh nghiệp là công việc của chính quyền từ huyện đến xã. Thứ ba, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư (đảm bảo bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư nhanh nhất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đối với dự án thu hút lao động địa phương và quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh). Thứ tư, tuân thủ nguyên tắc hợp tác đầu tư một cách bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và đồng hành phát triển. Cuối cùng, cùng tôn trọng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ Quốc tế”. Những cam kết này đều được phổ biến và quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện, đồng thời yêu cầu nghiêm túc thực hiện. Xin nêu một ví dụ: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG hiện đang xây dựng dự án Nhà máy may diện tích 9,1ha tại xã Kha Sơn. Mặc dù nhà đầu tư thay đổi nhiều lần về quy mô (lúc đầu định 5,9ha, sau lên 7,3 và cuối cùng là 9,1), kéo dài thời gian triển khai, song huyện vẫn vui vẻ “chiều” nhà đầu tư. Lúc đầu xác định nhà đầu tư chi trả 100% tiền bồi thường GPMB Dự án, nhưng sau thấy doanh nghiệp khó khăn, huyện đã cân đối nguồn vốn hỗ trợ tới 50% kinh phí GPMB cho nhà đầu tư. Nhờ vậy, so với các dự án khác trong huyện, đây là dự án triển khai nhanh nhất (chỉ trong thời gian một tháng nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục và nhận bàn giao đất). Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Ngọc Tuyên, chuyên viên Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Phú Bình nói: “Các dự án khi được tỉnh, huyện chấp thuận đầu tư đều được các xã ủng hộ và có trách nhiệm thực hiện, đảm bảo tiến độ đề ra. Quá trình thẩm định của các phòng, ban chuyên môn đều được thực hiện nhanh gọn, chính xác, nếu phát hiện sai sót, sẽ yêu cầu bổ sung, xử lý kịp thời”.

 

“Cải cách” không chỉ trên thủ tục, giấy tờ

 

Đối với cấp huyện, giải quyết TTHC trong đầu tư chủ yếu chỉ tập trung vào hai khâu chính: Một là, đồng đề nghị lên tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương đó. Hai là, giải quyết các thủ tục kê khai, thu hồi, bồi thường GPMB các dự án đầu tư vào huyện. Thời gian qua, Phổ Yên là địa phương thực hiện khá tốt hai khâu này. Bởi thế, tình hình thu hút đầu tư của huyện đạt được kết quả rất khả quan. Hiện tại, huyện đang sở hữu 8 cụm công nghiệp nhỏ với diện tích trên 213ha và 4 khu công nghiệp với tổng quy mô trên 6.200ha. Từ năm 2003 đến nay, huyện đã thu hút được 31 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 16.700 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã đi vào sản xuất, 7 dự án đang triển khai xây dựng hạ tầng và 14 dự án đang quy hoạch và thực hiện bồi thường GPMB. Theo ông Lê Văn Khôi, Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện thì tất cả các khâu giải quyết TTHC đối với nhà đầu tư (từ tiếp nhận hồ sơ, tiến hành thẩm định hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án dự toán bồi thường GPMB) đều được huyện thực hiện trong thời gian khoảng 7 ngày. Trừ trường hợp hồ sơ trình chưa đảm bảo phải trả lại để hoàn tất thì mới kéo dài quá 15 ngày. Ông Khôi cũng cho biết thêm: Toàn bộ phòng, ban chuyên môn của huyện đều áp dụng theo trình tự của Bộ thủ tục hành chính đã được Nhà nước ban hành để giải quyết các thủ tục, giấy tờ.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ cải cách hành chính trong phạm vi thủ tục, giấy tờ mà còn đòi hỏi cải cách trong quan điểm, hoạt động và các hành vi hành chính. Được biết, với Phổ Yên việc cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho nhà đầu tư hoặc cố tình không chấp hành quy định về đầu tư, gây cản trở đầu tư nếu phát hiện sẽ bị xử lý rất nghiêm. Năm 2009, huyện đã tiến hành đình chỉ công tác 1 tháng đối với một chủ tịch, một phó chủ tịch UBND và hai cán bộ địa chính của xã Đắc Sơn và Minh Đức.  Với huyện, các nhu cầu của nhà đầu tư như: Tìm hiểu chính sách ưu đãi đầu tư, đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội... của tỉnh, mặc dù không phải nhiệm vụ nhưng huyện vẫn sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ. Một điểm rất tế nhị nhưng cũng được huyện quán triệt rộng rãi: Khi nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội tại địa phương, huyện sẽ mời cơm thân mật, không gây phiền hà, khó xử cho nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Chúng tôi nhận thức, có thu hút được đầu tư thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp làm chủ đạo mới đạt kết quả. Muốn vậy, phải có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút, trong đó giải quyết TTHC nhanh, gọn chính là lời mời thiện chí và hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư”. Khác với một số địa phương, ở Phổ Yên, Ban Chỉ đạo GPMB lại do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban; Hội đồng bồi thường GPMB của huyện ngoài các thành phần thông thường, còn bổ sung thêm Chánh Thanh tra và Trưởng Công an huyện để giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh. Hơn nữa, tất cả các dự án đầu tư vào địa phương, huyện đều yêu cầu Thường trực ba bên của cấp xã cùng tham gia lãnh đạo thực hiện. Trực tiếp lãnh đạo huyện phối hợp giải quyết những khó khăn của nhà đầu tư và yêu cầu cán bộ trong huyện phải biết đặt cái khó, cái tồn tại của nhà đầu tư là cái khó, cái tồn tại của địa phương; phải kịp thời điều chỉnh tất cả các vật cản đối với nhà đầu tư. Ông Khoa cũng cho biết thêm: “Quan điểm của huyện là không thụ động đợi nhà đầu tư đến với mình mà mình phải chủ động tìm đến họ, gỡ khó cho họ. Ví dụ: Thời gian trước, Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa đầu tư dự án tại Phổ Yên và chỉ mất 7 tháng để hoàn tất công tác GPMB. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, Công ty này đã tiến hành thi công trước khi được cấp phép xây dựng. Trước tình hình đó, huyện đã đặt cái khó của nhà đầu tư là cái khó của huyện, trực tiếp lãnh đạo huyện lên “nói khó” với cơ quan thẩm quyền của tỉnh và đề nghị giải quyết bằng cách xử phạt cảnh cáo đối với nhà đầu tư... Đến nay, Dự án này đang phát huy rất hiệu quả, mỗi năm cho ra lò trên 70 triệu viên gạch tuynel. Hay như Công ty Mani Hà Nội (dự án vốn FDI), do bất đồng ngôn ngữ nên việc thuyết trình của nhà đầu tư về khả năng đầu tư với các sở, ngành của tỉnh không mấy rõ ràng, khó thuyết phục. Thấy vậy, huyện đã chủ động thay thế thuyết trình dự án và đã nhanh chóng được chấp thuận đầu tư.

 

Chất lượng đầu tư là quan tâm số 1

 

Chỉ chú trọng đến giải quyết các TTHC sao cho nhanh, gọn thôi thì chưa đủ, cái quan trong nữa trong cải cách hành chính thu hút đầu tư chính là góp phần lựa chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực và các dự án đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Trong thời gian vừa qua, Văn phòng Một cửa liên thông của tỉnh ngoài hoàn thành nhiệm vụ chính là giải quyết các TTHC cho nhà đầu tư còn giống như chiếc barie cản lại những dự án không phát huy hiệu quả. Từ khi ra đời đến nay, Văn phòng đã rà soát, tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh 24 dự án chậm tiến độ triển khai đầu tư và thống nhất các phương án xử lý. Qua đó, tỉnh đã đồng ý giãn tiến độ thực hiện 10 dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 8 dự án và chấm dứt hiệu lực chấp thuận đầu tư 4 dự án.

 

Đối với Phổ Yên, mấy năm gần đây huyện này đã loại khỏi danh sách thu hút đầu tư vào địa phương tới cả chục doanh nghiệp. Bởi, qua kênh thông tin từ các khâu giải quyết TTHC phát hiện thấy nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, nhiều dự án có tác động xấu tới môi trường. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư của huyện là: Năng lực đầu tư cao, sử dụng ít đất, không phung phí, thu hút nhiều lao động địa phương và công nghệ đầu tư phải hiện đại, thân thiện với môi trường. Giống như Phổ Yên, T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công cũng là hai địa bàn có tỷ lệ thu hút đầu tư khá cao, nên rất chú trọng đến chất lượng đầu tư. Những năm qua, hai địa phương này đã loại ra khỏi địa bàn không ít nhà đầu tư cũng như các dự án bất khả thi. Mặc dù tỷ lệ đầu tư vào huyện không nhiều, thậm chí còn thấp nhưng các huyện Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương... cũng không vì thế mà “vơ bèo, vạt tép”. Quy trình lựa chọn và thẩm định năng lực đầu tư thông qua các thủ tục hành chính được các địa phương nói trên đặc biệt coi trọng và gần như không để lọt dự án không khả thi nào.

 

Như vậy, có thể khẳng định việc lựa chọn phương án đẩy mạnh CCTTHC để tạo sự đột biến trong thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần giúp tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững và trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.