Trải qua 2 mùa mưa mà người dân 4 xã: Hùng Sơn, Khôi Kỳ, Bình Thuận và Mỹ Yên không phải chịu đựng cảnh đường trơn trượt, lầy lội do tuyến đường liên xã mới được nhựa hóa và đưa vào sử dụng nên ai cũng vui. Đối với các em học sinh ở các xã trên, niềm vui này còn được nhân đôi bởi con đường đến trường dài gần 10km mỗi ngày không còn là điều ám ảnh nữa…
Tiết trời sang thu nên tuyến đường liên xã Hùng Sơn - Khôi Kỳ - Bình Thuận - Mỹ Yên (Đại Từ) khô ráo, sạch sẽ, hai bên đường những ruộng lúa đang thì làm đòng phủ kín một màu xanh mát mắt. Chúng tôi ghé vào một quán nước kiêm "cửa hiệu" sửa chữa xe đạp của ông Nguyễn Thành Lương, ở xóm Bình Long, xã Khôi Kỳ để nghỉ chân. Ông Lương đã mở quán nước, sửa chữa xe đạp được vài chục năm nay cho biết: "Trước khi đường được trải nhựa, năm nào người dân ở đây cũng phải bỏ cả tuần để vận chuyển đất, đá san lại mặt đường, nhưng sau một trận mưa là chỗ bị xói mòn trơ trọi lại đá hộc, chỗ thì bầy nhầy như đống đất đóng gạch nên đi lại khổ lắm". Để nâng cấp được tuyến đường này, 107 hộ dân ở xã Khôi Kỳ phải mất đất ở, đất canh tác, tài sản trên đất, trong đó có 8 hộ phải phá hàng rào, quán bán hàng, nhưng nhận thức được lợi ích to lớn mà con đường mang lại 100% số hộ đã hiến đất, tài sản, giúp sức cùng Nhà nước làm đường.
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến xã Bình Thuận. Tại đây chỉ có trên 200 hộ dân được hưởng lợi từ công trình này nhưng cấp uỷ, chính quyền xã và Ban công tác Mặt trận xóm Bình Khang đã rất tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng, giúp đỡ nhà thầu trong quá trình thi công công trình. Anh Nguyễn Việt Hà, một người dân ở xóm Bình Khang tâm sự: "Tôi làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng, ngày nào cũng phải vận chuyển hàng cho khách nên thấy con đường mới có ý nghĩa vô cùng. Trước đây, vào những ngày mưa có người đến mua hàng tôi thường phải khất sang ngày khác vì không vận chuyển được do mặt đường lầy lội, đi bộ còn khó…".
Xã Mỹ Yên ở cuối con đường này và cũng là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất vì con đường chạy qua 8 xóm của xã với chiều dài gần 5km. Trong câu chuyện về tuyến đường liên xã mới được nâng cấp, ngoài những thông tin về tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và người dân địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị làm đường, đồng chí Chu Thị Nhì, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho chúng tôi biết một thông tin rất hay: "Giao thông quá khó khăn nên ngoài việc phải gia cố mặt đường định kỳ, từ năm 2000 đến 2002, xã Mỹ Yên đã tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc đóng góp tiền làm cầu bê tông, cốt thép qua suối. Vì dân nghèo nên mất rất nhiều cuộc họp mới đi đến thống nhất và mỗi hộ dân phải bỏ công lấy vật liệu xây dựng, đồng thời đóng góp thêm 20 nghìn đồng/hộ. Cả xã Mỹ Yên ngày đó như ngày hội vì chỗ nào cũng thấy người dân xuống khe suối lấy cát sỏi, rồi gồng gánh đi tập kết vật liệu. Và trong vòng 2 tháng mùa khô, 3 cây cầu bắc qua những con suối lớn đã được khánh thành trong sự tự hào của trên 1.200 hộ dân …". Giá trị 3 cây cầu hồi đó chỉ trên 100 triệu đồng nhưng phải huy động sức dân cả xã Mỹ Yên, còn hôm nay những cây cầu này nằm khiêm tốn như một dấu tích bên cạnh những cây cầu bê tông cốt sắt hoặc đập tràn được xây dựng hiện đại giá trị vài tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước. Sức dân ở xã Khôi Kỳ cũng đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động để làm con đường bê tông từ trung tâm xã đi xóm La Phác (nhân dân đối ứng 20% giá trị, Nhà nước đầu tư 80%) và bình quân mỗi hộ đóng góp 100 nghìn đồng. Số tiền không lớn, nhưng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Khoa, Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ, cán bộ của xã, các xóm cũng phải tuyên truyền, vận động nhiều lần nhân dân mới đống ý và có hộ vài tháng sau mới nộp được tiền vì kinh tế khó khăn. Ở xóm Bình Khang, xã Bình Thuận, bà con cũng đã vận động nhau đóng góp gần 1 triệu đồng/hộ để 2 lần làm cầu qua suối nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp, chất lượng công trình có mức độ nên sau những trận lũ lớn cầu đều bị cuốn trôi…
Đã từng phải đóng góp công, của để làm các công trình giao thông nên người dân ở các xã nêu trên rất cảm động và trân trọng khi Nhà nước đã đầu tư trên 23 tỷ đồng để làm tuyến đường trên và làm cầu phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của bà con. Tính ra, tổng giá trị của con đường này lên tới gầm 5 nghìn tấn thóc nhân dân các xã làm ra. Và theo như đồng chí Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ cho biết, phải mất gần 2 năm thì nông dân trong xã mới làm ra được số thóc nói trên (khoảng 3.000 tấn/năm). Nhà nước đầu tư vào công trình này đã phát huy giá trị, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của 4 xã nói trên.