Đại Từ phát triển các ngành nghề nông thôn

08:04, 15/08/2010

Những năm gần đây, huyện Đại Từ đã phát triển thêm một số nghề mới như thêu ren, trồng nấm, chế biến lâm sản... Bước đầu,đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành nghề này còn manh mún, chưa thật sự bền vững. Đến thời điểm này, Đại Từ chưa có một làng nghề nào được công nhận. Do vậy, việc định hướng để ngành nghề nông thôn phát triển đang là một yêu cầu cần thiết.

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ, toàn huyện hiện có trên 2.300 cơ sở tham gia sản xuất tại khu vực nông thôn với 5 nhóm ngành nghề khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm ngành sản xuất (gạch, cây giống chè, gia công cơ khí, thêu ren, đồ mộc...), nhóm nghề chế biến và bảo quản nông sản (chè, mỳ, miến, đậu, bún...) và nhóm nghề vận tải. Các ngành nghề này đã thu hút trên 4.600 lao động nông thôn (tăng 19,1% so với năm 2006) với mức thu nhập bình quân 17-18 triệu đồng/người/năm, gấp 2-3 lần so với lao động thuần nông, nhờ vậy đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Không những vậy, sự phát triển của các ngành nghề nông thôn còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Hiệu quả là vậy, tuy nhiên các ngành nghề này hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là một số ngành nghề còn đứng trước nguy cơ mai một dần.

 

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi tìm đến xóm Cầu Thông, xã Hùng Sơn - nơi có sản phẩm mỳ gạo nổi tiếng từ lâu đời. Mỳ gạo Cầu Thông hấp dẫn người tiêu dùng bởi mỳ được làm từ gạo bao thai nguyên chất, sợi mỳ tráng mỏng, dai và không sử dụng chất phụ gia. Từ 5-6 hộ chuyên sản xuất mỳ gạo ở Cầu Thông, đến nay nghề làm mỳ gạo đã phát triển lên tới hơn 20 hộ trên địa bàn xã Hùng Sơn. Tiếp chúng tôi trong căn phòng bề bộn những hộp xốp đựng mỳ, ông Nguyễn Đăng Hòa cho biết: Cả xóm Cầu Thông hiện chỉ còn có duy nhất hộ gia đình nhà ông theo nghề sản xuất mỳ gạo, các hộ khác đã chuyển sang làm dịch vụ, kinh doanh buôn bán nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường tiêu thụ không ổn định, việc tìm người để truyền nghề gặp nhiều khó khăn... Còn ông Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND xã Văn Yên nơi manh nha nghề trồng nấm khoảng 4 năm trở lại đây tâm sự: Năm 2006, địa phương bắt đầu triển khai mô hình trồng nấm trên địa bàn. Mặc dù được lãnh đạo huyện quan tâm cho đi tham quan mô hình tại nhiều địa phương trong và ngoài huyện, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất nấm và tìm đầu ra cho sản phẩm, song do nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất nấm với quy mô lớn nên chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa. Thêm nữa, do đây là một nghề hoàn toàn mới nên người dân chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý đối với một số bệnh xảy ra đối với nấm và kết quả là sau một vài lần thất bại, phần lớn các hộ dân đã bỏ nghề.

 

Tương tự như vậy, nghề thêu ren ở Vạn Thọ, Tân Thái mặc dù tạo việc làm cho nhiều lao động nhưng do giá thành thấp, sản phẩm chưa có thương hiệu nên chưa được người dân quan tâm, chú trọng. Không vấp phải những khó khăn đó, ông Phạm Văn Khương, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Khánh Loan chuyên kinh doanh sản phẩm ván sàn có địa chỉ tại xóm Phú Hạ, xã Bản Ngoại cho biết: Sản phẩm của chúng tôi được Công ty cổ phần WOODSLAND (Mê Linh, Hà Nội) ký hợp đồng bao tiêu nhưng do khó khăn về vốn nên chúng tôi chưa xây dựng được lò sấy gỗ (trị giá trên 2 tỷ đồng) để cải tạo môi trường, nâng cấp sản phẩm, tận dụng nguyên liệu... Đó là chưa kể một số ngành nghề gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là nghề sản xuất gạch. Anh Vũ Tiến Mạnh, xã Yên Lãng cho biết: Hiện nghề sản xuất gạch thủ công không còn được phát triển như những năm trước. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu ngày một cạn kiệt, công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm khó cạnh tranh với các loại gạch tuylen. Đáng lo ngại là nghề này đang lọt vào “danh sách đen” những nghề gây ô nhiễm môi trường.

 

Trước thực trạng trên, huyện Đại Từ đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh Đề án phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn đến năm 2020, trong đó định hướng việc phát triển ngành nghề nông thôn phải phát huy tính truyền thống, đồng thời tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa; tiếp tục củng cố các ngành nghề truyền thống như sản xuất mỳ, bún, chè...; chú trọng phát triển các ngành nghề mới như thêu ren, sản xuất nấm, trồng hoa chất lượng cao và xây dựng từ 1 đến 2 làng nghề chè gắn với phát triển du lịch.

 

Theo ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thì để đạt được mục tiêu đó cần có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Nguồn vốn này sẽ được huy động theo nhiều kênh. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đào tạo cho các hộ dân, từng bước thành lập các tổ hợp tác, HTX, tiến tới hình thành các làng nghề. Còn các hộ dân, không nên có thái độ trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cần mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ chế biến. Cùng với đó, cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương quan tâm tìm hiểu thị trường, kết hợp tốt giữa sản xuất với phát triển các điểm tham quan du lịch; khuyến khích các địa phương thu hút nghệ nhân thợ lành nghề, củng cố nghề hiện tại và phát triển thêm các nghề mới.