Mặc dù là huyện miền núi còn khó khăn, song với nhiều nỗ lực, những năm qua, thông qua các chương trình, nguồn vốn khác nhau, Đồng Hỷ đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo các xóm, làng và đời sống của người dân. Trong 5 năm tới, huyện sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm…
Gần chục năm trước, để đi vào xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), chúng tôi phải vượt qua con đường đất gồ ghề với những ổ voi, ổ gà rất khó đi. Còn hôm nay, đường vào xã đã được trải nhựa êm ru. Cho xe chạy chầm chậm ngắm những đồi chè xanh mướt mát, những ruộng lúa đương thì con gái, hít thở bầu không khí trong lành của “hương chè, hương lúa”, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống yên ả nơi miền quê này. Anh Nguyễn Văn Quang, một người dân trong xã nói: Chúng tôi không bao giờ nghĩ có ngày con đường vào xã được trải nhựa phẳng phiu như thế này. Giờ, bà con không còn phải lo chè, lúa làm ra bị tư thương ép giá. Muốn ra trung tâm huyện, sang chợ Thái (T.P Thái Nguyên), chỉ đi xe máy 30-40 phút là đến nơi.
Cùng chung niềm vui với anh Quang còn có rất nhiều người dân ở các xã Minh Lập, Tân Long, Hợp Tiến, Văn Lăng, Cây Thị... Chỉ tính riêng trong 5 năm (2005-2010), Đồng Hỷ đã làm mới được trên 153 km đường bê tông, 66km đường nhựa, hơn 104km đường cấp phối giúp cho việc đi lại của người dân ngày càng dễ dàng hơn.
Không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, Đồng Hỷ còn đầu tư xây dựng đường điện, trường học, trạm y tế; hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi; các công trình cấp nước sinh hoạt; xây dựng mới và sửa chữa nhà cửa... 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm huyện đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, đến nay, 20/20 xã, thị trấn đã được sử dụng điện lưới Quốc gia; 62/62 trường đã được đầu tư xây dựng, nhiều trường được xây dựng các lớp học 2 tầng với thiết bị giảng dậy hiện đại như Trường Mầm non Chùa Hang, Trường Tiểu học Văn Lăng...; 100% xã có trạm y tế riêng biệt; hầu hết trụ sở UBND các xã, thị trấn đã và đang được xây dựng theo mẫu. Theo đó, hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng không ngừng được đầu tư. Từ năm 2005 đến nay, nhiều công trình thuỷ lợi đã được sửa chữa, nâng cấp và xây mới; kiên cố hóa được gần 16km kênh mương, nâng tổng số kênh mương toàn huyện được kiên cố lên xấp xỉ 150km, đưa tỷ lệ chủ động tưới đạt 64% cho diện tích cấy lúa... Hiện tại, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án 7 cầu thuộc tuyến đường Hóa Thượng – Hòa Bình (thời điểm này đã hoàn thành hơn 80% khối lượng); hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Cây Thị - Văn Hán; trụ sở UBND các xã Minh Lập, Nam Hòa, Hợp Tiến; nghiệm thu hơn 30km đường bê tông nông thôn...
Theo đồng chí Dương Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện, đạt được kết quả này là do trong những năm qua, địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng tậm, trọng điểm; phát huy mọi nguồn lực trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ngân sách Nhà nước, vốn tài trợ của nước ngoài và huy động nhân dân đóng góp...
Bên cạnh đó, huyện đã ban hành các cơ chế đối ứng để đầu tư xây dựng đối với các trường học cao tầng, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm, cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng đường bê tông thôn, xóm. Riêng việc đầu tư xây dựng kênh mương, đường bê tông sử dụng từ nguồn vốn vay tín dụng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, huyện đã ban hành được cơ chế đối ứng hỗ trợ đối với từng địa phương theo khu vực 1, 2, 3, tạo động lực cho nhân dân hăng hái tham gia thực hiện chương trình. Ngoài ra, nguồn vốn được giao cụ thể, chi tiết đến từng công trình đã giúp các ban quản lý chủ động quản lý chặt chẽ nguồn vốn, không để thất thoát, gây lãng phí tiền của của Nhà nước...
Với mục tiêu tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, trong 5 năm tới, huyện sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm như xây dựng siêu thị tại các thị trấn; cải tạo, nâng cấp xây dựng các chợ trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng chợ Chùa Hang theo quy mô 2 tầng; xây dựng bến xe khách tại thị trấn Chùa Hang và xã Quang Sơn; cải tạo, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, các hồ đập, xây dựng mới các công trình hồ Văn Hán, Văn Lăng...
Song song với đó, huyện tập trung xây dựng đường bê tông liên thôn, xóm, phấn đấu đến năm 2015, 70% tuyến đường được bê tông; xây dựng cầu bê tông trên các tuyến giao thông liên xã quan trọng như cầu treo sông Cầu, sông Đào (Huống Thượng)... Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công sở làm việc các xã, thị trấn; xây nhà văn hoá trung tâm các xã; phấn đấu 100% các, thị trấn có trường học cao tầng; các trạm y tế xã được đầu tư cở bản về cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; 100% thôn, xóm có điện lưới Quốc gia...