Khi người dân cùng chung sức

08:16, 17/08/2010

Phúc Xuân cách T.P Thái Nguyên hơn 10 km, là xã thuần nông, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; năm 2000, người dân mới được sử dụng điện lưới Quốc gia… 5 năm trở lại đây, nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm nên đã quy tụ được lòng dân, tạo sự đồng thuận, sức mạnh đoàn kết để thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng ngày càng phát triển…

 

Ngay cạnh UBND xã là công trình Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của xã được xây dựng uy nghi với kiến trúc đẹp mắt vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng có tổng tị giá hơn 300 triệu đồng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân Trần Ngọc Thành tự hào nói: 50% giá trị công trình là do nhân dân đóng góp xây dựng. Không chỉ có công trình này mà trong những năm qua, nhân dân xã Phúc Xuân đã đóng góp công sức, tiền của đối ứng cùng với Nhà nước xây dựng được nhiều công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh. Hiên nay 14/15 xóm đã xây dựng được nhà văn hóa, trong đó có nhiều nhà văn hóa có trị giá trên dưới 100 triệu đồng, được xây dựng hoàn toàn bằng tiền đóng góp của nhân dân, như nhà văn hóa ở các xóm Cây Thị, Rộc Lầy, Khuôn Long, Trung tâm… Đường bê tông đã vươn dài tới hầu hết các ngọc xóm, đạt tới 90% tổng số km đường trong toàn xã; hơn 5 km kênh mương nội đồng cũng đã được kiên cố hóa; Trạm Y tế đã đạt chuẩn Quốc gia; trong đó đều có sự đóng góp tích cực của nhân dân, trong vòng 5 năm tổng giá trị đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng đạt hơn 10 tỷ đồng.

 

Qua trao đổi với những người dân mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, thì đời sống của người dân nơi đây chưa hẳn đã hết khó khăn, nhưng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì vững chắc, nên khi xã vận đồng đóng góp là người dân không ngần ngại, sẵn sàng đối ứng để các công trình xây dựng được thi công đúng tiến độ. Đồng chí Nguyễn Quốc Hội, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Chúng tôi đã thành lập các Ban: Chỉ đạo xây dựng; Quản lý các công trình, Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát cộng đồng từ xã đến cơ sở. Các ban này đều hoạt động tích cực, hiệu quả, thực hiện tốt quy chế dân chủ, mọi việc đều cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, nên các công trình đều được xây dựng nhanh gọn, đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng và thẩm mĩ. Đơn cử như xây dựng Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, mỗi xóm phải cử một người đại diện tham gia vào việc giám sát công trình, nên khi công trình hoàn thành, việc thanh quyết toán diễn ra rất thuận lợi. Công trình nào có lợi cho dân thì vận động làm, dân thấy được hiệu quả, lợi ích thiết thực từ công trình này, thì các công trình tiếp theo chúng tôi sẽ không gặp phải khó khăn nữa.

 

Từ thành công hôm nay, là kết quả của những bài học hôm qua, đồng chí  Trần Ngọc Thành tâm sự: Những năm đầu tiên vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chúng tôi cũng gặp phải những vướng mắc, vì trình độ dân trí không đồng đều, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, người thì nhiệt tình hưởng ứng, người lại thờ ơ, nhưng qua những lần đi tuyên truyền, vận động, kịp thừoi nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đnág cảu người dân, chúng tôi dần dần rút ra được nhiều kinh nghiệm. Tuyên truyền là một chuyện, nhưng chứng minh bằng chính hiệu quả công việc còn quan trọng hơn. Mói phải đi đôi với làm, khi dân thấy được hiệu quả thiết thực từ chính những công trình họ đã đóng góp xây dựng thì các công trình sau sẽ không còn khó khăn nữa.

 

Cùng với đó, trong những năm qua, hoạt động của HĐND xã Phúc Xuân cũng đã được đổi mới về phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả, khẳng định được vị trí và vai trò, đặc biệt là chức năng giám sát của HĐND được tăng cường trong việc triển khai các nghị quyết của HĐND và giám sát các hoạt động của UBND trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; giám sát đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp… Nhờ đó, niềm tin trong nhân dân ngày càng được củng cố. Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân ở xóm Cao Trãng cho biết: Những công việc ở xóm, xã, người dân chúng tôi đều tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của các đồng chí cán bộ lãnh đạo. Nên khi xóm vận động đóng góp các khoản gì, chúng tôi đều không ngần ngại vì chúng tôi biết những đồng tiền đó được sử dụng đúng mục đích, tất cả cũng vì sự phát triển chung của xóm, xã thôi. Đồng chí Trần Ngọc Thành khẳng định thêm: Điều đó được thể hiện ở việc, trong nhiều năm qua, hầu như chúng tôi không nhận được các đơn thư, khiếu nại tố cáo về việc làm sai các quy định của pháp luật, nếu có phải giải quyết đơn thư cũng chỉ là những vụ việc rất nhỏ giữa các hộ dân mà thôi. Nhưng cũng đều được giải quyết ngay từ dưới cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp.

 

Khi có dân cùng “liệu”, bộ mặt nông thôn Phúc Xuân từng bước thay đổi, đời sống kinh tế, xã hội đã có những buốc tiến vững chắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 10 đến 15%; thu nhập bình quân  đạt 11,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách tăng bình quân hơn 36% hàng năm so với kế hoạch thành phố giao; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng từ 500 triệu đồng (2005) lên hơn 1,2 tỷ đồng ở thời điển này… Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khó trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!