Phát triển bền vững nghề trồng nấm

07:31, 03/08/2010

Nấm là thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu là những mặt hàng xuất khẩu có thị trường rộng lớn. Nấm có thể trồng quanh năm (nấm rơm trồng từ tháng 4 đến tháng 9; nấm sò từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau; nấm mỡ trồng từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau)... Với Thái Nguyên, việc sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu có rất nhiều thuận lợi.  

 

Với diện tích gieo cấy lúa gần 70 nghìn ha/năm, sản lượng lương thực đạt trên 400 nghìn tấn, tương đương có khoảng 400 nghìn tấn rơm, rạ và các sản phẩm phụ khác, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề trồng nấm. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn hội tụ đủ điều kiện về tự nhiên, xã hội, tài nguyên, lao động, giao thông, thị trường để phát triển nghề trồng nấm. 5 năm trước, nghề trồng nấm đã phát triển khá mạnh ở các địa phương như Đại Từ, Đồng Hỷ... Tuy vậy, do đầu ra không ổn định nên các cơ sở sản xuất nấm của tỉnh đã bị “teo” lại. Ông Ngô Quốc Hội, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nấm Văn Yên (Đại Từ) cho biết: 5 năm nay, nhiều hộ dân ở Văn Yên đã sản xuất nấm nhưng quy mô không lớn vì đầu ra cho cây nấm rất khó khăn. Hiện, số hộ sản xuất nấm ở Văn Yên đã giảm hẳn, chỉ còn khoảng hơn chục hộ.

 

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển nghề trồng nấm, tháng 4/2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu: Tổ chức sản xuất, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, từ  năm 2011 đến 2015, trung bình mỗi năm sản xuất được 2.000 đến 3.000 tấn nấm các loại cung cấp cho thị trường và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm việc làm cho 18 nghìn lao động và tiến tới phát triển nấm thành một nghề sản xuất có thu nhập cao cho người dân trong tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ và tổ chức sản xuất 5 loại nấm chính (nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi, nấm hương) với sản lượng 1.200 tấn; khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có đủ điều kiện sản xuất các loại nấm cao cấp như kim châm, ngọc châm...; tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nấm trong và ngoài tỉnh, phấn đấu tiêu thụ được 50-80% sản lượng nấm thông qua mạng lưới tiêu thụ của Hội Nông dân tỉnh...

 

Tuy nhiên, để Đề án này triển khai hiệu quả, trước mắt, Thái Nguyên cần khảo sát nhu cầu thị trường tiêu thụ nấm trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội thảo phát triển nấm trên địa bàn tỉnh với các tổ chức, cá nhân có liên quan; đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất nấm cho các đối tượng tham gia sản xuất. Đồng thời tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất, giá trị của nấm và cách chế biến món ăn để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng nấm; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó là sản xuất các loại nấm từ đơn giản đến cao cấp để hình thành các cơ sở sản xuất, hạt nhân là các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã. Hộ nông dân là vệ tinh sản xuất cho các cơ sở lớn thông qua các chi hội nông dân. Theo đó, đối tượng trọng tâm là các vùng nông dân bị mất đất, các doanh nghiệp tự nguyện tham gia, các trang trại, hợp tác xã đủ điều kiện, sản xuất theo 3 hình thức: sản xuất nấm tập trung, quy mô lớn từ 5.000m2 theo mô hình hợp tác xã; sản xuất quy mô gia trại và trang trại từ 2.000 đến 3.000m2 trở lên; sản xuất quy mô nông hộ từ 200 đến 500m2. Ngoài ra, việc xây dựng mối liên kết giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng cần phải được quan tâm, nhất là việc hình thành đầu mối thu gom và tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh cũng như hình thành Hiệp Hội nấm Thái Nguyên.

 

Khuyến khích phát triển nghề mới này, tỉnh cũng sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ nấm. Nhằm thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh nấm hàng hoá trên địa bàn tỉnh, chủ trương của tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên các diện tích xét thấy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác kém hiệu quả. Các doanh nghiệp và hộ gia đình trồng, chế biến nấm sẽ được hưởng các ưu đãi về đầu tư theo quy định: được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư, về vốn...; được hỗ trợ 100% kinh phí cho tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, tham quan học tập, đào tạo nghề...; hỗ trợ 40% kinh phí mua giống nấm và đầu tư máy móc; hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động khảo sát thị trường, tuyên truyền và tổ chức tiêu thụ sản phẩm nấm thông qua tổ chức Hội Nông dân... Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Đây là một đề án có tính khả thi cao. Tuy nhiên, muốn thành công, Thái Nguyên cần triển khai theo những nội dung cụ thể mà Đề án đã đề ra.

 

Trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng để nghề này phát triển bền vững, bên cạnh những giải pháp đã đề cập ở trên, tỉnh ta cần duy trì các trang trại, hợp tác xã sản xuất nấm trên địa bàn, tránh sản xuất theo phong trào. Về lâu dài, Thái Nguyên cần quy hoạch khu nuôi trồng nấm tập trung, khu sản xuất, đóng gói, bảo quản, chế biến, tập kết nguyên liệu; xây dựng trung tâm sản xuất giống nấm, bịch phôi nấm...