Phát triển kinh tế trang trại là chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Kể từ khi có Nghị quyết số 03 ngày 2-2-2000 của Chính phủ, Thái Nguyên cũng đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Nhờ đó đến nay, tỉnh ta đã có 638 trang trại các loại, hằng năm giải quyết việc làm cho 1.812 người.
Câu chuyện ông Lý Ngọc Thiệp ở xã Văn Yên (Đại Từ) đã biến vùng đất hoang vu nơi Đát Đỉa dưới chân núi Tam Đảo thành một trang trại mỗi năm mang lại nguồn thu gần tỷ đồng luôn được người dân nơi đây nhắc đến. Hiện nay, ông đã có một ngôi biệt thự khang trang với đầy đủ tiện nghi; một khu chuồng trại chăn nuôi với 80 con lợn nái và 1.000 lợn thịt; đàn bò lai Sind hơn 80 con, trong đó có 20 con bê mới sinh được vài tháng; đàn dê hơn 100 con; hơn 500 con vịt đẻ; 1.000 con gà thả vườn; gần 1 ha hồ cá với sản lượng 6 tấn cá; 13 ha rừng cây mỡ; 6 con lợn rừng đang đến lứa sinh sản;; 1,2 mẫu lúa…
Khác với các trang trại khác, trang trại của ông Thiệp được tổ chức sắp xếp theo một quy trình khoa học, khép kín. Ông cho biết: Nguồn phân thải từ chăn nuôi lợn sẽ được dùng để chăm bón cho mấy héc - ta cỏ VA06. Cỏ là thức ăn cho đàn bò, dê. Rồi nguồn phân thải của bò, dê lại được dùng chăn nuôi giun công nghiệp để làm thức ăn cho gà, vịt. Nguồn phân thải của vịt, gà sẽ nuôi sống cá. Tổng số tiền ông thu về trong năm 2009 lến đến trên 3 tỷ đồng, trong đó số tiền lãi khoảng 700 đến 800 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại của ông Thiệp chỉ là 1 trong 638 trang trại trên địa bàn tỉnh. Hiện ta, Thái Nguyên đã tăng 250 trang trại so với năm 2001, tập trung chủ yếu ở T.P Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình... Trong đó có 9 trang trại trồng cây hằng năm, 53 trang trại trồng cây lâu năm, 234 trang trại chăn nuôi, 56 trang trại lâm nghiệp, 22 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 264 trang trại tổng hợp. Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển. Từ mô hình phát triển kinh tế trang trại, nhiều hộ gia đình đã xoá được đói nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no.
Năm 2009, các trang trại thường xuyên giải quyết việc làm cho 1.812 lao động, bình quân mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 3 người. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế trang trại đã thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi thuỷ sản, cải thiện môi trường sinh thái. Hiện nay, các trang trại sử dụng trên 3.100ha đất nông nghiệp (trung bình mỗi trang trại có 5,3 ha đất), hằng năm, giá trị sản xuất đạt hàng trăm tỷ đồng. Xu hướng phát triển của kinh tế trang trại trong những năm qua đã gắn liền với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; góp phần tăng tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, đồng thời huy động được lượng vốn đầu tư lớn trong dân để đầu tư cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Sản phẩm hàng hóa và thu nhập của các trang trại ngày một nâng cao nhờ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2009, giá trị sản lượng/ha canh tác trang trại của Thái Nguyên đạt khoảng 50 triệu đồng trở lên. Kinh tế trang trại được khuyến khích phát triển với những chính sách thông thoáng phù hợp đã tạo điều kiện cho các cá nhân có vốn, có trình độ chuyên môn mạnh dạng đầu tư hình thành trang trại cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội và làm phong phú mặt hàng sản xuất, giảm dần độc canh trong sản xuất...
Tuy vậy, cũng như nhiều tỉnh khác trong cả nước, hiện nay, quy mô kinh tế trang trại của Thái Nguyên còn nhỏ, chưa đồng đều ở các vùng trong tỉnh. Sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại còn mang tính tự phát, phân tán. Việc lựa chọn một số cây loại cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với kinh tế thị trường nên mất cân đối cung cầu. Theo đó, hầu hết các trang trại đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như thiếu vốn đầu tư cho việc mở rộng qui mô và trang bi máy móc thiết bị, chưa nhạy bén trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Vốn đầu tư của trang trại chủ yếu là vốn tự có, còn vốn vay từ các cá nhân, tổ chức và ngân hàng chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Ông Lý Ngọc Thiệp nói: Tôi đang có nhu cầu vay hằng trăm triệu đồng để đầu tư mở rộng trang trại, nhưng việc vay vốn với lãi suất ưu đãi dành cho phát triển kinh tế trang trại chỉ ở mức vào chục triệu đồng, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Một thực tế nữa là ở Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, một số trang trại chủ yếu hình thành ở vùng miền núi để có điều kiện tự nhiên mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng như đường sá giao thông, điện nước ở các khu vực này còn kém...
Do vậy, để kinh tế trang trại phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh ta cần tạo điều kiện cho các trang trại được thuê đất lâu dài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển chăn nuôi với thời gian ít nhất từ 20 đến 30 năm trở lên theo tinh thần Nghị quyết số 03 của Chính phủ về kinh tế trang trại. Cùng với đó là khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động; có những định hướng cho các loại hình trang trại, tránh trường hợp phát triển ồ ạt mà không lường được hậu quả do thiên tai, ô nhiễm môi trường, do cầu thấp hơn cung... ; hướng dẫn, giúp đỡ các chủ trang trại trong việc tìm kiếm vốn đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm ra. Theo đó là linh hoạt hơn, gọn nhẹ hơn trong thủ tục cho vay vốn; xây dựng nhiều cơ sở chế biến nông sản tại chỗ; nâng cao năng lực quản lý cho chủ trang trại; đào tạo tay nghề cho người lao động...