Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ Nghị quyết Trung ương khóa VIII, vấn đề nông nghiệp, nông thôn đã được đề cập khá rõ nét. Riêng với Thái Nguyên, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, để xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại Thái Nguyên vẫn còn gặp không ít khó khăn
KỲ I: Quá trình phát triển lâu dài và còn nhiều khó khăn
Tiền đề cho sự phát triển
Nông nghiệp, nông thôn phát triển thì đời sống người nông dân mới được cải thiện. Bởi vậy, những năm qua, Thái Nguyên đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân vùng nông thôn như: Trợ giá giống lúa lai, ngô lai; tạo điều kiện cho bà con được vay vốn của các ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ xi măng cho người dân làm đường giao thông liên xóm, liên xã và cứng hóa kênh mương; vận động các tổ chức, chính trị, đoàn thể vào cuộc giúp người dân nông thôn xóa nhà dột nát… Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Năm 2009, giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm nghiệp, Thuỷ sản đạt trên 2.317 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2005. Sản lượng lương thực đạt trên 408 nghìn tấn, tăng hàng chục nghìn tấn so với cách đây 5 năm đã góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Mặt hàng chè của Thái Nguyên đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như I-Rắc, Liên Bang Nga, EU. Kinh tế nông thôn đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dịch vụ, ngành nghề. Hiện, toàn tỉnh có trên 16 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 50 nghìn lao động nông thôn. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, công tác khuyến nông cũng đã quan tâm đến các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, nhất là những giống có ưu thế lai, từng bước nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học công nghệ nông, lâm nghiệp, đưa tỷ lệ giống lúa lai và chè giống mới hiện nay tăng lên 15-20%, ngô lai 90-95%; bò lai sind trên 30%, lợn có tỷ lệ nạc tăng lên trên 20%, tăng 10 thậm chí 30-40% so với 5 năm trước, nhất là các giống ngô lai, đã được những người dân vùng cao như Văn Lăng, Tân Long (Đồng Hỷ); Bình Long, Lâu Thượng (Võ Nhai)... đưa vào gieo trồng đại trà...
Khi giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp tăng lên, dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn phát triển đồng nghĩa với việc đời sống vật chất của đại bộ phận dân cư nông thôn được cải thiện, nâng cao. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ khá và giàu khu vực nông nghiệp tăng từ 4-5%, bình quân thu nhập đạt từ 35 - 60 triệu đồng/hộ; số hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm, hiện nay chỉ còn 13,99%, giảm gần 13% so với năm 2005. Kéo theo đó, bộ mặt nông thôn được thay đổi, hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, xây mới. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000km đường giao thông nông thôn và 1.435 km kênh mương được bê tông hóa. Hầu hết các khu dân cư, tổ dân phố, xóm trong tỉnh có nhà văn hóa; trường học, trạm y tế của các xã nông thôn đã được đầu tư, xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 320 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 50% số trường học; khoảng 150 xã chuẩn về y tế... Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Nhìn từ tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Bộ mặt nông thôn đổi thay, đời sống người dân đã được nâng lên, tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn thời kỳ mới. Bởi, tháng 4/2009, Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí. Cũng giống như các tỉnh khác trong khu vực,qua rà soát sơ bộ tại 9 huyện, thành, thị, hiện, Thái Nguyên chỉ đạt rất ít tiêu chí (giáo dục - đào tạo, y tế và một số phần của tiêu chí văn hóa, thể thao, du lịch, giao thông...). Nhiều tiêu chí cơ bản như quy hoạch khu dân cư, thuỷ lợi, chợ nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo... lại chưa đạt. Trong khi đó, để đạt được các tiêu chí này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Theo đó, Thái Nguyên đang phải đối mới mặt với nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới khi bình quân đất sản xuất nông nghiệp - một trong những yêu cầu đầu tiên và quan trọng cho các hộ nông dân ở tỉnh ta thấp và sẽ tiếp tục giảm nhanh trong thời gian tới do chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng các khu công nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng khác.
Hiện, diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là trên 276 nghìn ha, chiếm 78, 14% diện tích đất tự nhiên, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người là 0,3 đến 0,4ha/hộ dân. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp của Thái Nguyên còn chậm. Theo ông Phạm Hùng Vinh, Chủ nhiệm HTX Hương Trà, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) thì: Hiện nay, người nông dân vẫn sản xuất nông nghiệp manh mún, phân tán, sản phẩm chưa mang tính hàng hóa.
Một khó khăn nữa là những năm qua, nông nghiệp, nông thôn Thái Nguyên phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn yếu kém, phần lớn, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn được xây dựng tự phát… Thời điểm này, tỉnh ta có 144 xã nông thôn, trong đó T.P Thái Nguyên có 10 xã, T.X Sông Công: 4 xã, Đại Từ: 29 xã, Đồng Hỷ: 15 xã, Phú Lương: 14 xã, Định Hóa: 23 xã, Võ Nhai: 14 xã, Phú Bình: 20 xã. Theo số liệu Sở Xây dựng cung cấp, trong các xã này, 21 xã có đồ án quy hoạch xây dựng đã được duyệt. Tuy nhiên, các đồ án quy hoạch này không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cũng như chưa đáp ứng được mục tiêu của công tác quy hoạch nông thôn mới.
Phát triển thiếu quy hoạch và đồng bộ nên môi trường khu vực nông thôn ngày càng bị ô nhiễm. Đơn cử như việc đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà với quy mô hàng trăm con lợn và hàng nghìn con gà ngay tại khu dân cư của một số hộ dân ở xã Phấn Mễ (Phú Lương), Tân Quang (T.X Sông Công), Tân Cương, Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên)... đang ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của không chỉ chính những hộ chăn nuôi mà cả cộng đồng dân cư.
Kỳ II: Để tạo ra giá trị mới của nông thôn hiện đại
Thái Nguyên đang có 1,16 triệu dân, trong đó số dân nông thôn chiếm 76%. Toàn tỉnh hiện có 421.731 lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Để xây dựng nông thôn mới thành công theo 19 tiêu chí, không chỉ riêng ngành Nông nghiệp mà các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội của tỉnh đều phải vào cuộc…
Giới thiệu máy móc phục vụ sản xuất tại xã hợp Tiến Đồng Hỷ
Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa
Theo ông Trần Dương Hợp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng bởi việc quy hoạch sẽ giúp định hướng cũng như làm cơ sở để thực hiện các tiêu chí tiếp theo trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt, làm cơ sở cho các ngành tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cho phù hợp. Một số quy hoạch của tỉnh đã và đang được hoàn thiện như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch các khu dân cư nông thôn. Tuy nhiên, để công tác quy hoạch đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới thì trong đồ án quy hoạch chung của các xã nông thôn cần có nội dung quy hoạch: đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, quy hoạch khu dân cư, nhà ở và quy hoạch bảo tồn các không gian, cảnh quan có giá trị và quy hoạch hệ thống trung tâm… làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Cùng với đó, để xây dựng nông thôn mới thành công, việc phát triển nông nghiệp - nông thôn phải được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng kinh tế. Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất đai, nhất là diện tích đất nông nghiệp hiện có, bảo vệ độ phì của đất. Đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lao động, vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển nền nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chất lượng, hàng hóa toàn diện, bền vững gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Để đáp ứng được yêu cầu mới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng cần được quan tâm. Song song với đó là việc tận dụng lợi thế, vị trí địa lý, kinh tế - xã hội của tỉnh trung tâm miền núi phía Bắc để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa canh, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng; phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã cũng như gắn phát triển kinh tế trang trại với việc củng cố và phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cần tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng và lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn công bằng, văn minh, có tri thức, đời sống văn hóa và vật chất không ngừng được nâng cao, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản cho sản xuất và đời sống của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Đào, một người nông dân ở xã Vạn Thọ (Đại Từ) cho rằng: Muốn xây dựng nông thôn mới thì người dân cũng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Giữ gìn và không ngừng phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, tập trung vào thế mạnh của địa phương mình để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao.
Không phải “chuyện riêng” của ngành Nông nghiệp
Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bẩy, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2010, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu: Tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải loại bỏ được quan niệm vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “chuyện riêng” của ngành Nông nghiệp. Bởi 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn liên quan tới tất cả các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội.
Tổ chức đầu tiên phải được gắn trách nhiệm để đồng hành cùng các cấp, ngành xây dựng nông thôn mới là Hội Nông dân. Hiện tại, toàn tỉnh có tới 140.497 hội viên Hội Nông dân, đạt 80,31% so với tổng số hộ nông nghiệp. Với lực lượng hội viên đông như vậy, Hội Nông dân có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình, hoạt động trong quá trình tỉnh ta thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các tổ chức chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... cũng phải tích cực vào cuộc. Các ngành như: Xây dựng, Giao thông, Y tế, Giáo dục, Quân sự, Công an, Công Thương, Điện, Văn hóa… cũng phải tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới bằng việc xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội, các đề án, dự án chuyên ngành gắn với kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực để đầu tư, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để Thái Nguyên xây dựng thành công nông thôn mới, chúng ta phải là tốt công tác tuyên truyền, qua đó giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng mô hình nông thôn mới; giúp người nông dân xây dựng được quy hoạch phát triển nông thôn mới ở địa phương của họ dựa trên bộ tiêu chí Quốc gia đã ban hành và bộ quy chuẩn của các ngành; cho người nông dân biết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để từ đó họ có thể lựa chọn việc nào cần làm trước, việc nào nên làm sau. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người nông dân cần nhận được sự tư vấn của các chuyên gia... Xây dựng nông thôn mới là phải tạo ra giá trị mới của nông thôn hiện đại như giá trị mới về kinh tế, văn hóa, tổ chức cộng đồng, thể chế hoàn toàn khác với nông thôn cách đây 20 - 30 năm và người nông dân phải có tính năng động, tự chủ để có thể tự vận hành, phát triển được nông thôn mới của họ…