Phong cách Trường THPT Sông Công

16:06, 18/11/2007

Vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Trường THPT Sông Công vui mừng được công nhận là Trường chuẩn Quốc gia. Như vậy, THPT Sông Công là trường THPT thứ 3 (sau 2 trường THPT Chu Văn An, Lương Ngọc Quyến) đạt được danh hiệu này.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó xây dựng trường thầy Nghiêm Xuân Thành, Hiệu trưởng Nhà trường không khỏi bùi ngùi: “Năm đầu thành lập, Trường chỉ có 7 lớp, với 17 thầy cô giáo. Trường thành lập đúng giữa lúc đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng về kinh tế (năm 1986). Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn gần như đình trệ bên bờ phá sản. Phần lớn con em công nhân các nhà máy đều học tại Trường, đời sống khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập của các em”.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự đồng thuận của các ngành, nhân dân địa phương, thầy trò nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, thi đua “dạy tốt- học tốt”. Khẩu hiệu này đã ngấm vào máu thịt của mỗi cán bộ, giáo viên để xây dựng nên phong cách của nhà trường là “Đoàn kết-trí tuệ-văn minh”.

Đoàn kết được thể hiện trong nội bộ cán bộ, giáo viên, học sinh. Trí tuệ đòi hỏi cả 2 phía từ người thầy đến học trò. Còn văn minh được thể hiện trong từ cách ứng xử và việc làm cụ thể. Từ phong cách này đã trở thành sức mạnh giúp Trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để Trường trở thành ngôi trường của “kỷ cương-tình thương- trách nhiệm”.

Năm học 2004-2005, Trường được Ban Giám đốc Sở GD-ĐT giao nhiệm vụ xây dựng Trường chuẩn Quốc gia tại hội nghị cán bộ quản lý toàn ngành. Nhiệm vụ đó được Trường cụ thể hoá tại hội nghị cán bộ, công chức đầu năm học. Quyết tâm xây dựng trường chuẩn Quốc gia được biến thành hành động cụ thể thông qua việc lên kế hoạch toàn diện, nhằm tập trung khai thác mọi nguồn lực đạt các tiêu chí đã đề ra.

Trên cơ sở đánh giá chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp, đối chiếu với tiêu chuẩn của trường chuẩn, Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra các nhóm giải pháp. Về đội ngũ, có kế hoạch và tạo mọi điều kiện để giáo viên đi học thạc sỹ. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua của các tổ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo dạy và học thực chất hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Sau nhiều năm đào tạo, phấn đấu hiện Trường có 33/55 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ 60%.

Về cơ sở vật chất, tuy có diện tích khá lý tưởng (trên 23.000 m2), nhưng còn thiếu nhiều phòng học bộ môn. Trường đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng. Giai đoạn 1, Nhà nước đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng các phòng học. Giai đoạn 2, tổng đầu tư 5,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của tỉnh 50%, thị xã 30%, chương trình mục tiêu 20% (trong đó một phần kinh phí của trường). Trường vận động Hội cha mẹ học sinh mỗi năm xây dựng 1 công trình. Hội đã đứng ra vận động, đóng góp để xây nhà để xe cho học sinh, làm trần nhà, mua bảng từ chống loá, lắp quạt điện, phòng máy vi tính... trị giá gần 700 triệu đồng.

Đặc biệt từ nguồn dự án, Bộ GD-ĐT đã đầu tư gần 1 tỷ đồng các thiết bị dạy học tiên tiến cho nhà trường. Đến thăm Trường THPT Sông Công vào những ngày này, không riêng chúng tôi ai cũng phải ngạc nhiên bởi ở thị xã nhỏ có một ngôi trường được quy hoạch, đầu tư khang trang, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Ngoài 30 phòng học văn hoá là 3 phòng máy vi tính với gần 100 đầu máy, 5 phòng học bộ môn (Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học, Vật lý, phòng nghe nhìn), phòng truyền thống, phòng đọc, kho thí nghiệm, kho sách, nhà đa năng, sân bóng rổ, sân vận động... với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.

Đi trên sân trường trong nắng chiều đầu đông vẫn còn khá oi ả, nhưng chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi bởi những hàng cây xanh bên đường đang rợp bóng mát. Đâu đây vọng lại tiếng giảng bài của các thầy cô. Mặc dù trường tổ chức học 1 ca vào buổi sáng, nhưng buổi chiều vẫn có giáo viên lên lớp. Theo thầy Trịnh Quang Hành, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đó là những lớp tổ chức dạy thêm không thu tiền cho những học sinh có học lực yếu, để chống việc ngồi nhầm lớp. Đây là việc làm thiết thực nhất của các thầy cô để thực hiện tốt cuộc vận động “Hai không”. Đó cũng là tấm lòng của thầy cô đáp lại sự “tôn sư trọng đạo” của các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.