Thi tốt nghiệp THPT năm 2009: Chọn phần riêng trong đề thi như thế nào ?

15:57, 07/04/2009

Đó là câu hỏi hiện nay nhiều hiệu trưởng trường THPT đang băn khoăn tìm câu trả lời để hướng dẫn cho học sinh (HS) chọn phần riêng trong đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Điều tưởng như hiển nhiên "học gì thi nấy" hiện đang gây khó cho HS, cho các thầy, cô giáo bởi sự thiếu nhất quán từ việc xây dựng chương trình phân ban cho đến công tác chỉ đạo thi của Bộ GD - ĐT.

 

Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa được ban hành, điểm 7 Điều 21 ghi rõ "Thí sinh học chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) thì phải làm phần riêng của đề thi theo chương trình đó". Sở dĩ phải quy định như vậy vì HS lớp 12 năm nay sẽ thi tốt nghiệp hiện đang theo học 3 ban: Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) và Cơ bản (CB). Mỗi ban có một CT và bộ sách giáo khoa riêng. HS học ban KHTN sẽ học CT nâng cao với các môn toán, lý, hóa, sinh; HS học ban KHXHNV học CT nâng cao với các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ. HS học ban CB sẽ học theo CT chuẩn và dùng thời lượng dạy học tự chọn để học CT nâng cao một số môn có nội dung nâng cao. Trên thực tế, khá nhiều trường tổ chức cho HS học ban CB và chọn học theo CT nâng cao một số môn tương ứng với khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ, thay vì học ban KHTN phải học nâng cao 4 môn thì HS sẽ chọn ban CB nhưng học theo CT nâng cao 3 môn toán, lý, hóa. Việc tổ chức học theo hình thức này khá phổ biến ở các trường bởi đây là cách tổ chức dạy học có hiệu quả nhất cho HS, với tính hiệu quả được đánh giá là kết quả thi vào ĐH.

 

Thực hiện nguyên tắc "học gì thi nấy", trong đề thi, theo như Bộ GD - ĐT công bố, sẽ có phần chung cho tất cả ban, phần riêng cho từng ban và HS sẽ phải chọn một phần trong phần riêng này phù hợp với CT đã học. Với HS ban KHTN và ban KHXHNV thì cứ  việc thực hiện theo đúng quy chế và hướng dẫn ôn tập. Còn với HS học ban CB nhưng học CT nâng cao theo các khối thi ĐH nếu theo đúng quy chế thì phải thi theo CT nâng cao. Ví dụ, HS học ban CB nhưng thi khối A thì sẽ học CT nâng cao các môn toán, lý, hóa và thi tốt nghiệp các em sẽ phải chọn phần riêng theo CT nâng cao với các môn này. Nhưng cũng tại quy chế này, mục 3 Điều 10 hướng dẫn các Sở GD - ĐT lập danh sách thí sinh theo các bước: Bước 1 theo ban (KHTN, KHXHNV, CB); bước 2 theo ngoại ngữ (Anh, Trung, Pháp, Nga...); bước 3 tên thí sinh theo bảng chữ cái. Như vậy là việc sắp xếp phòng thi sẽ theo "mâm" và chỉ có thể quản lý việc thí sinh có thực hiện đúng quy chế không theo "mâm" tức là ban mà thôi. Cứ chiểu theo quy chế, HS ngồi vào phòng thi của ban CB sẽ phải chọn trong phần riêng những câu hỏi dành cho HS học theo CT chuẩn. Nhưng trên thực tế, các em lại học theo CT nâng cao và nếu chọn đề thi theo CT học thì lại không đúng theo cách sắp xếp phòng thi. HS cũng không thể cứ làm bài theo CT chuẩn vì CT nâng cao không được xây dựng theo nguyên tắc hình xoáy trôn ốc, để nội dung CT nâng cao bao trùm lên nội dung CT chuẩn. Có nghĩa là, không phải toán nâng cao là nâng cao hơn những nội dung của toán chuẩn mà thực tế là có những nội dung có ở CT nâng cao nhưng không có ở CT chuẩn và ngược lại, có nội dung nếu học CT chuẩn HS sẽ được học nhưng học CT nâng cao thì hoàn toàn không. Sự khác nhau giữa 2 CT là khoảng 20% nội dung. Vì thế, nếu HS học ban CB nhưng học theo CT nâng cao theo khối thi ĐH mà chọn đề thi theo đúng yêu cầu của quy chế là câu hỏi dành cho CT chuẩn thì rất có khả năng sẽ rơi vào phần không được học.

 

Theo ý kiến của những người trực tiếp thực hiện quy chế tại các địa phương, trên thực tế, với cách lập danh sách thí sinh như quy định, không thể biết thí sinh đó học CT nào nên điểm 7, Điều 21 chỉ có ý nghĩa khuyến cáo. Khuyến cáo vì: một là không thể lập danh sách thí sinh theo CT các em học nên không thể dùng danh sách được lập theo ban để kết luận là thí sinh đó chọn phần riêng trong đề thi sai với quy chế; hai là vì sự khác nhau giữa 2 CT nên đương nhiên thí sinh phải chọn phần riêng theo CT mình học để bảo đảm không bị rơi vào phần không được học. Có lẽ, các trường và các sở sẽ phải "ngầm" hướng dẫn HS của mình theo hướng ấy, bởi sẽ không ai dám nói sai quy chế!

 

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp vẫn chỉ nhằm một đích là đánh giá việc hoàn thành CT giáo dục phổ thông thì việc "bầy mâm, chọn món" cũng chưa phải là vấn đề gây xung đột lợi ích. Nhưng theo lộ trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh, từ năm 2010, chỉ còn một kỳ thi sau THPT vừa để xét tốt nghiệp vừa là một căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ thì quy chế đòi hỏi phải rất chặt chẽ để làm công cụ pháp lý xác định ai xứng đáng ngồi trên giảng đường ĐH. Các quy định cứ trói nhau và không khả thi sẽ thêm một lý do để người ta thấy không tin cậy vào kết quả của kỳ thi này. Có lẽ, Bộ GD - ĐT cũng phải chọn giữa "mâm" và "món", nhưng "mâm" ở đây là CT phân ban, còn "món" là kỳ thi, bởi những điều của quy chế thi năm nay đang góp phần làm phá sản CT phân ban. Tuy nhiên, chọn cái gì lại là vấn đề còn nhiều điều phải bàn.