Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Phú Bình đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trường học, một trong những nội dung tích cực của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”. Ngay từ khi phong trào được phát động, Phòng GD&ĐT huyện đã triển khai tới 21 trường học ở 120 lớp học mầm non. Hòa mình vào các trò chơi, các em có điều kiện rèn luyện thân thể đồng thời nhận thức nhanh nhạy và tự nhiên.
Giờ hoạt động ngoài trời, sân Trường Mầm non Lương Phú, xã Lương Phú (Phú Bình) nhộn nhịp bởi tiếng cười nói sôi động của các bé tham gia các trò chơi dân gian. Lớp học sinh mẫu giáo 5 tuổi gồm hơn 30 trẻ, xếp thành vòng tròn theo sự hướng dẫn của các cô giáo để chơi trò “Mèo đuổi chuột”. Khi cô giáo hỏi: Bây giờ con nào muốn làm mèo và chuột? đồng loạt các bé giơ tay xin chơi. Cô giáo chọn một bạn nam làm mèo và một bạn nữ làm chuột và phát lệnh trò chơi bắt đầu. Đứng ngoài quan sát, chúng tôi thấy các em cười nói hồn nhiên và không ngừng hô to cổ vũ hai bạn chơi.
Hỏi bé Nguyễn Thị Mai Chi, 5 tuổi: “Con thích trò chơi nào nhất?”, Bé cười hồn nhiên: “Con thích trò “Rồng rắn lên mây”, vì con muốn làm thầy thuốc ạ!”. Bé trai Vũ Quốc Việt khi thì trả lời: “Con thích trò “Mèo đuổi chuột.” “Vì sao con thích trò chơi đó?” - Tôi hỏi. “Vì con muốn đuổi bắt được chuột để trở thành người thắng cuộc”. Cô giáo Nguyễn Thị Yến, ở lớp mẫu giáo 3 tuổi đã có 10 năm trong nghề tâm sự với chúng tôi: “Từ khi đưa trò chơi dân gian vào trong trường học chúng tôi thấy rất phấn khởi vì trẻ rất hứng thú. Nhờ tham gia nhiều trò chơi, nhất là trò chơi dân gian, các cháu có điều kiện vận động nhiều, khiến các cháu mạnh dạn hơn”.
Được biết, trước đây theo chương trình giáo dục cũ, sau mỗi tiết học, trẻ ở bậc học mầm non chỉ được chơi trò chơi vận động từ 3-5 phút, một ngày từ 1-2 lần. Hiện nay trò chơi dân gian được linh hoạt lồng ghép vào các hoạt động của trẻ như trong các tiết học hay hoạt động vui chơi ngoài trời hay sau giờ ngủ dậy, trẻ được tham gia chơi trò chơi trong 60 phút. Thông qua các trò chơi, dưới sự hướng dẫn, sáng tạo của các cô giáo, các bé chơi mà học, học mà chơi để phát triển trí tuệ, rèn luyện sự nhanh nhẹn. Ví dụ trò chơi “Mèo đuổi chuột” rèn luyện cho trẻ có phản xạ nhanh nhạy, tính chính xác, đồng thời mang tính tập thể và đoàn kết cao. Trò chơi “Rồng rắn lên mây” yêu cầu tất cả trẻ đọc đều, đúng nhịp, rèn luyện tính đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các trẻ. Nếu các trò chơi bắt buộc trong chương trình học như “Trời nắng, trời mưa”, “Bật hai vòng hái quả”… là những trò chơi khó với bậc học mầm non vì đòi hỏi các em chơi theo đúng quy tắc, hơn nữa lại mang tính cá nhân nhiều thì các trò chơi dân gian vốn dĩ rất đơn giản, dễ chơi và mang tính tập thể cao.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đưa trò chơi dân gian vào trong trường học, cô Tạ Thị Long, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Phú cho rằng: “Nhà trường hiện có 17 cán bộ giáo viên, chăm sóc trên 260 cháu từ 0-5 tuổi. Thực hiện kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo gồm 5 đồng chí, tổ chức tuyên truyền tới toàn thể các cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh, lựa chọn các trò chơi sao cho phù hợp với từng độ tuổi, để các bé có thể chơi được dễ dàng đồng thời gắn với phát triển nhận thức cho trẻ. Ví dụ trẻ từ 2-3 tuổi thì chơi các trò chơi đơn giản như “Kéo cưa lừa xẻ”, “Lộn cầu vồng” theo nhạc, “Nu na nu nống”, “Dung dăng dung dẻ”… Với các em từ 4-5 tuổi có thể chơi các trò như “Kéo co”, “Rồng rắn lên mây”, “Mèo đuổi chuột”, “Bịt mắt đánh trống”… Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là rất phù hợp, các cháu khi chơi rèn luyện thân thể, phát triển ngôn ngữ và nhận thức, đặc biệt là ăn hết suất được phân chia”.
Trường Mầm non xã Lương Phú chỉ là một trong 21 trường mầm non của huyện Phú Bình đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trường học, một trong những nội dung tích cực của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”. Ngay từ khi phong trào được phát động, Phòng GD&ĐT huyện đã triển khai tới 21 trường học ở 120 lớp học mầm non. Việc thực hiện nội dung này rất phù hợp vì đặc thù lứa tuổi mầm non chủ yếu là chơi và học, các em được tham gia hoạt động ngoài trời, hòa mình vào các trò chơi, có điều kiện rèn luyện thân thể.
Bà Vi Thị Thắm, cán bộ phòng GD&ĐT phụ trách bậc học mầm non trao đổi chúng tôi: “Thực hiện cuộc vận động của ngành, Phòng đã có kế hoạch chỉ đạo các trường, cụ thể hóa với bậc học mầm non nhằm xây dựng quan hệ tốt giữa cô và trẻ, trong đó quan tâm tới việc tổ chức hoạt động cho trẻ, chú ý đến các trò chơi dân gian và đọc đồng dao, hát dân ca…”. Phòng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ giáo viên cốt cán về tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ; cuối năm 2009, Phòng GD&ĐT đã tập huấn cho 60 giáo viên về múa hát các bài hát dân gian của các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Dao…; cách tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ ở bậc học mầm non. Mới đây Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường mầm non trong toàn huyện tổ chức “Hội xuân” cho các bé vào dịp tháng 2. Hội xuân gồm 3 phần: thi hát dân ca, thi trò chơi ghép hình, tổ chức chơi một số trò chơi dân gian như “Cướp cờ”, “Kéo co”, “Bịt mắt bắt dê”, “Chơi ô ăn quan”… “Hội xuân” đã mang đến một không khí sôi động thu hút đông đảo các bé tham gia, đồng thời mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc cho trẻ.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Phú Bình cũng liên tục tổ chức các Đoàn đi kiểm tra, thanh tra để đánh giá việc thực hiện nội dung này ở các trường. Nhìn chung 21 trường mầm non trên toàn huyện đều thực hiện đúng theo hướng dẫn, thậm chí linh hoạt, sáng tạo thêm cho phù hợp với tình hình cụ thể từng trường. Một số trường làm tốt điển hình như các Trường Mầm non Xuân Phương, Lương Phú, Tân Đức, Tân Hòa… Nhờ vậy giờ học của cô và trẻ sôi nổi, mềm dẻo chứ không cứng nhắc như trước kia, sự yêu thương, đoàn kết giữa các trẻ, mối quan hệ giữa cô và trò thêm phần gắn bó.