Nghĩ về việc dạy và học để có kết quả thực chất

11:34, 10/09/2011

Năm học mới 2011-2012 này, cả nước đón gần 23 triệu học sinh, sinh viên ở tất cả các cấp học tựu trường. Trong niềm vui hân hoan này, các nhà quản lý, thầy cô giáo và học sinh đều nghĩ tới làm sao để có một năm học mới đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để có được những đánh giá, kết quả thực chất và khách quan nhất thì không phải đơn giản khi mà chúng ta vẫn còn thấy chất lượng giáo dục mặc dù có nhiều cải tiến nhưng không đồng đều và còn mang nặng tính hình thức.

Năm nay là năm thứ 6, ngành Giáo dục-Đào tạo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Cuộc vận động này đã có nhiều chuyển biến trong cách nhìn nhận của các thầy cô giáo và học sinh để có những kết quả giảng dạy, học tập và thi cử tốt hơn.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số giáo viên, cuộc vận động “Hai không” chưa hoàn toàn đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh. Điều này đã được chứng minh là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT vừa qua có thành tích khá cao, khi có hơn 50 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đỗ trên 90%, trong đó có gần 40 tỉnh đỗ 95% trở lên và 12 tỉnh thành phố có tỷ lệ đỗ trên 99%. Đáng chú ý là nhiều tỉnh khó khăn, những năm trước đứng ở cuối bảng, nay đã xuất hiện ở tốp đầu như Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Kon Tum... Ngoài ra, hệ giáo dục thường xuyên lâu nay có số lượng học sinh đỗ ít hơn nhiều so với hệ giáo dục THPT thì năm nay cũng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%. Điều này đặt ra câu hỏi về tính nghiêm túc, chặt chẽ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nói chung.

 

Hiện nay, trong xã hội vẫn còn rất coi trọng bằng cấp, người dân nghĩ có bằng cấp thì mới có thể học tiếp và dựa vào bằng cấp để xin việc làm nên việc xoá bỏ được bệnh thành tích vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với kết quả học sinh đỗ tốt nghiệp THPT giữa các thành phố, vùng, miền gần như ngang bằng, tương đương nhau đến như vậy, nhiều người đã hoài nghi về chất lượng giáo dục chưa thực sự khách quan, phản ánh đúng thực chất việc giảng dạy, học tập và lo ngại cuộc vận động “Hai không” mà Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động chỉ là mang tính hình thức hoặc chỉ thực hiện tốt trong một thời điểm, thời gian rồi “đâu lại vào đó”. Về phía các cơ quan, tổ chức xã hội không nên đòi hỏi phải có bằng nọ, bằng kia mà hãy nhìn vào kết quả công việc thực tế mà các em phấn đấu, làm ra để tiếp nhận và trả lương. Còn nếu xã hội vẫn còn tư tưởng quá coi trọng bằng cấp thì hiện tượng chạy bằng, chứng chỉ, chạy trường, lớp, chạy theo thành tích sẽ vẫn tiếp diễn và địa phương lại tốn kém kinh phí mỗi khi tổ chức một kỳ thi.

 

Giảm tải nhưng phải đảm bảo chất lượng kiến thức

 

Năm học mới bắt đầu nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, lo lắng khi nhiều phụ huynh bày tỏ về việc trong một ngày, con mình phải học quá nhiều, chương trình sách giáo khoa cũng rất nặng và khó hơn gấp hàng chục lần so với trước đây.

 

Với mục đích giảm bớt sức nặng trong chương trình học, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra dự thảo chỉnh sửa, giảm tải chương trình học từ bậc Tiểu học đến THPT, xin ý kiến đóng góp đến ngày 25/8 và sẽ áp dụng ngay từ năm học 2011-2012. Tuy nhiên, để dự thảo này áp dụng một cách có hiệu quả thì không phải dễ bởi theo như ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Điều chỉnh là cần thiết để đảm bảo kiến thức vừa sức với học sinh ở từng bậc học cụ thể. Song, cách thức điều chỉnh thế nào là việc cần bàn, trao đổi kỹ và có kế hoạch hướng dẫn cụ thể, nếu không khi triển khai sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trong phương pháp dạy và học.

 

Ông Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội nêu ý kiến: Giảm tải chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa phải có sự thống nhất, chọn lọc giữa ban soạn thảo, các thầy cô giáo của từng môn học, chứ không phải là các môn đều cắt giảm như nhau. Bởi vì có những môn cần giảm tải nhưng cũng có môn phải giữ nguyên hoặc bổ sung thêm kiến thức. Đối với các môn khoa học tự nhiên, chương trình giảm tải không được phép cắt bài, cắt công thức vì nếu cắt ở bài này thì những bài khác vẫn phải sử dụng đến chúng để áp dụng vào bài làm.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Chiệu, việc giảm tải chương trình học phải đảm bảo chất lượng kiến thức giảng dạy và học tập để có một kỳ thi nghiêm túc, phản ánh đúng và khách quan chất lượng giáo dục của một địa phương. Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra dự thảo giảm tải chương trình học để lấy ý kiến đóng góp của ngành Giáo dục và người dân là một việc làm thiết thực nhưng cần phải tính toán kỹ lưỡng và có sự thống nhất, chứ không thể vội vàng áp dụng ngay khi dự thảo mới vừa được đưa ra.

 

Năm học mới 2011-2012 bắt đầu và để có những kết quả giáo dục thực chất với những gì mà một địa phương, trường, giáo viên, học sinh thực hiện, phấn đấu, chúng ta cần có sự thay đổi về nhận thức của nhiều người trong việc coi trọng bằng cấp; giảm tải hay đổi mới chương trình học phải có sự thống nhất, chọn lọc. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, luôn thấy thiếu hụt và rồi lại tiếp tục chỉnh sửa, chắp vá.