Ngày 14/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí trao đổi về sách tham khảo - vấn đề hiện nay đang được dư luận rất quan tâm.
Thời điểm năm 2008, khi thị trường sách tham khảo bắt đầu sôi động, gây lúng túng cho phụ huynh, học sinh, nhà trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã quyết định ban hành công văn số 6631/BGDĐT-GDTrH về việc sử dụng sách giáo khoa phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập. Công văn này đã yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục và các trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định cho biết: Đây được coi như văn bản có ý nghĩa quan trọng trong thống nhất việc sử dụng sách giáo khoa, các tài liệu giảng dạy học tập trong cả nước. Cho tới nay, về cơ bản các nội dung trong công văn vẫn còn phù hợp và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung trong công văn này với các biện pháp mạnh hơn, kiên quyết hơn nhằm không để các sách có nội dung không phù hợp có thể lọt vào trường học.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý về việc sử dụng sách tham khảo. Trách nhiệm của các bộ phận quản lý giáo dục cũng cần được tăng lên từ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm tới hiệu trưởng, lãnh đạo các Sở Giáo dục.
Đối với các sách chính thống được đưa vào nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chỉ có sách giáo khoa và sách bài tập, sách giáo viên. Những sách này đều đã được thẩm định chất lượng. Học sinh khi tới trường chỉ cần học theo sách giáo khoa, sách bài tập là đảm bảo đủ kiến thức.
Đối với những sách tham khảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo phụ huynh và học sinh cần có sự lựa chọn kỹ càng, không nên ôm đồm quá nhiều loại sách, gây tốn kém không cần thiết.
Song Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định cần tăng cường hơn nữa vai trò của tất cả các Bộ, ngành có liên quan cũng như toàn xã hội.
Bộ dự kiến sẽ xây dựng thông tư liên tịch, phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông để tổ chức rà soát cũng như tăng cường trách nhiệm xuất bản sách tham khảo về giáo dục của các nhà xuất bản.