Dạy thêm sai quy định, phạt từ 3 đến 30 triệu đồng

14:54, 14/03/2013

Đây là một trong những quy định trong Dự thảo "Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp trong nhân dân.

Cụ thể, Bộ sẽ phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định; từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ; từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng; từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền.

 

Bên cạnh việc dạy thêm học thêm, dự thảo cũng quy định phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học; phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục.

 

Dự thảo này cũng quy định rõ mức phạt trong các lỗi như vi phạm trong việc thành lập cơ sở giáo dục phạt từ 5 đến 100 triệu đồng, tùy cấp học; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo, cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân sai thẩm quyền; phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đối với cơ sở giáo dục khi thông báo tuyển sinh không rõ ràng đầy đủ thông tin theo quy định. Hành vi khai man hoặc tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển phạt tiền từ 2 triệu đến 10 triệu đồng.

 

Các hành vi như tuyển sai, tuyển vượt chỉ tiêu, vi phạm trong liên kết đào tạo… cũng được quy định mức phạt cụ thể.

 

Người dân quan tâm có thể tham khảo thông tin tại đây và đóng góp ý kiến về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Việc ban hành Nghị định này có thể coi là một trong những động thái tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm thắt chặt hơn kỷ cương. Những chế tài hiện tại của ngành được đánh giá là không mang lại hiệu quả khi hàng loạt những sai phạm của ngành ở các cấp học liên tục bị phanh phui. Theo nhiều chuyên gia, do mức phạt thấp và xử không nghiêm nên các cơ sở giáo dục sẵn sàng vi phạm vì họ vẫn có lời sau khi lấy thu trừ chi phí phạt.