Mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm giúp HS hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để góp phần hình thành nhân cách. Theo đặc thù tâm lý lứa tuổi, phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học đòi hỏi sự tỉ mỉ nhẹ nhàng, dễ hiểu để hướng đến một giờ học thân thiện.
Phương pháp dạy học (PPDH) tích cực ở tiểu học là phương pháp dạy học tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Trong đó giáo viên là người thiết kế các hoạt động học và học sinh là người tự thực hiện và tự tìm tòi kiến thức. Kiến thức ở tiểu học đơn giản, gần với cuộc sống nên học sinh hoàn toàn có thể tự hình thành kiến thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Điểm mấu chốt là giáo viên phải có năng lực chuyển từ nội dung kiến thức thành các hoạt động học tập, biết tổ chức hoạt động học, làm chủ các tình huống để định hướng và hướng dẫn học sinh khám phá, tìm hiểu kiến thức. Đồng thời biết động viên học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Đích đến của giáo viên là lớp học vui, học sinh thích học, biết cách học và nắm được bài học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả.
Bắt đầu từ việc hướng dẫn HS quan sát những bức ảnh trên màn hình, GV đưa ra những câu hỏi giúp HS nhận biết về nghề nghiệp, đặc thù riêng từng ngành nghề và vị trí địa lý riêng của từng vùng. Từ lời dẫn dắt cụ thể, dễ hiểu của cô giáo mà HS phát hiện ra những điều mà các em đã được làm quen trong cuộc sống. Đó là các cơ quan, công sở như ngân hàng, bệnh viện, bưu điện …với các nghề nghiệp phong phú đa dạng. Ngoài ra còn rất nhiều công việc khác được người dân ở các vùng miền yêu thích như trồng trọt, buôn bán, chăn nuôi… Những kiến thức ngoài cuộc sống đã được GV giới thiệu thông qua kênh hình với việc hướng dẫn HS cách quan sát phù hợp với đối tượng HS tiểu học. Đặc biệt, từ những kiến thức mà các em được làm quen ngay ở địa phương mình, GV đã khuyến khích các em tự tìm hiểu và bổ sung thêm ở những cấp độ sâu hơn. Với clip minh họa được thực hiện ngay tại địa phương, GV đã giúp cho bài giảng của mình thêm sinh động. HS đã phát hiện ra những hoạt động hàng ngày của người dân quê hương mình như: nghề trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh, nghề làm mộc chạm khắc… Và cũng từ đó các em biết yêu quý lao động gắn bó với quê hương.
GV đã cho các em được thể hiện cảm xúc trong ngày Tết trung thu của trẻ em với màn trình diễn múa lân vui vẻ. Từ cảm xúc về lễ hội cùng những gợi ý về những trải nghiệm của từng em, GV đã cho HS tự vẽ một bức tranh về một lễ hội mà mình yêu thích. Nhờ những cảm xúc thực tế đã được trải nghiệm và sự hướng dẫn của cô, sau 20 phút các em đều hoàn thành bức vẽ của mình. GV cho HS tự giới thiệu về những sản phẩm mà mình vừa sáng tạo. Như vậy giờ dạy không chỉ đơn giản là hoạt động vẽ tranh mà qua đó GV còn bồi dưỡng thêm tình yêu với nét văn hóa dân tộc.
Một giờ học thân thiện có thể bắt đầu từ những vấn đề gần gũi nhất trong cuộc sống. Quan trọng là mỗi giáo viên phải biết kết nối những kiến thức từ sách giáo khoa và những kiến thức mà các em đã được lĩnh hội hàng ngày từ thực tế.