Chất lượng giáo dục (CLGD) là vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng giáo viên (GV) chính là một trong các yếu tố có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nhằm nâng cao CLGD, tiến đến chuẩn hoá đội ngũ, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và GV của từng cấp học, bậc học.
Đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Có thể hình dung “chuẩn” nghề nghiệp của GV và cán bộ quản lý ở các nhà trường đặt ra yêu cầu: Mỗi GV phải đạt được những tiêu chuẩn gì và được thể hiện qua tiêu chí nào? Mỗi tiêu chí được định lượng ra sao? Theo đó, mỗi cấp học sẽ có sự khác nhau về tiêu chuẩn. Chuẩn này là căn cứ, thước đo để đánh giá cán bộ, GV, giúp các đơn vị tự đánh giá, qua đó xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo. Cách đánh giá trên những lĩnh vực sau: phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức và kỹ năng sư phạm. Xác định được mục đích, tầm quan trọng của việc đánh giá GV theo chuẩn, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn đến tất cả các cán bộ quản lý các phòng giáo dục, các nhà trường để triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Thực tế tại Trường Tiểu học thị trấn Đu, huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy Nhà trường tiến hành đánh giá GV, cũng như cán bộ quản lý giáo dục rất bài bản. Theo cô giáo Lương Thị Liên, Hiệu trưởng Nhà trường: “Việc đánh giá cán bộ quản lý các nhà trường, cũng như đội ngũ GV có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy sự phấn đấu của mỗi cán bộ, GV trong công tác. Mỗi năm tiến hành đánh giá một lần vào cuối mỗi năm học. Đối với GV sau khi tự đánh giá, thì sẽ được tổ chuyên môn và các đồng nghiệp cùng góp ý, nhận xét. Hiệu trưởng đánh giá GV dựa vào tự đánh giá của mỗi cá nhân, tổ chuyên môn, ý kiến của phụ huynh học sinh rồi đưa ra trao đổi trong tập thể lãnh đạo Nhà trường. Hiệu trưởng cũng được giao trách nhiệm đánh giá hiệu phó. Đối với chức danh Hiệu trưởng do cơ quan quản lý giáo dục cấp trên đánh giá. Nhìn chung, các GV tự đánh giá rất sát với thực tế. Đôi khi họ còn rất khiêm tốn trong việc tự đánh giá, nên khi đưa ra tổ chuyên môn thì có nhiều trường hợp xem xét nâng lên về kết quả tự nhận xét. Năm học vừa qua, trong tổng số 35 cán bộ, giáo viên của Nhà trường có 23 trường hợp đạt loại xuất sắc và 12 trường hợp đạt loại khá, không có trường hợp nào ở mức trung bình”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, GV Nhà trường cho biết thêm: Bản thân mỗi GV sau một năm học phải tự đánh giá, nhìn nhận lại mình trên tất cả các phương diện từ đạo đức lối sống, kỹ năng, đến nghiệp vụ sư phạm. Sau khi mỗi cá nhân tự đánh giá, tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp để các đồng nghiệp nhận xét, góp ý cho bản thân mình. Việc đóng góp ý kiến rất dân chủ, thẳng thắn, thoải mái. Không có chuyện “dễ mình dễ người” trong việc đóng góp ý kiến cho nhau. GV không thể tự nói hay về mình được, vì quá trình tự đánh giá phải có hồ sơ chứng minh kết quả công tác của mình từ khi vào ngành cho đến thời điểm đánh giá (đã qua bao nhiêu trường, học tập bồi dưỡng thế nào, có những sáng kiến gì... đều được đề cập). Năm học trước, các GV trong Trường tôi đều nêu hạn chế là chậm nắm bắt, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ngay trong dịp hè, Nhà trường đã mời các các kỹ sư chuyên ngành về tập huấn cho GV về công nghệ thông tin. Hiện nay, 100% GV của Trường đều soạn bài trên máy tính, có thể trình chiếu Power Point.
Trao đổi với một số cán bộ, giáo viên khác, chúng tôi nhận thấy đại bộ phận cán bộ quản lý, GV đều nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, GV theo chuẩn nghề nghiệp. Vì thế không chỉ mỗi cá nhân mà từng tập thể nhà trường đều tập trung khắc phục ngay những hạn chế, thiếu xót đã được chỉ ra. Và từ kết quả đánh giá năm học sau cho thấy chuyển biến tích cực trong việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót của từng nhà trường do vậy tỷ lệ cán bộ, GV xếp loại khá, trung bình đều giảm, tỷ lệ xuất sắc tăng lên theo năm học. Cụ thể, theo báo cáo của Sở GD&ĐT kết quả đánh giá GV THPT năm học 2011-2012, tỷ lệ xếp loại xuất sắc chiếm 70,15%, thì năm học 2012-2013 tăng lên là 73,3%; tỷ lệ xếp loại khá năm học 2011-2012 là 26,33%, năm học 2012-2013 giảm xuống 22%. Đối với cấp THCS số GV xếp loại xuất sắc năm học 2011-2012 là 52,73%, đến năm học 2012-2013 tăng lên 55,11%; loại khá năm học 2011-2012 của cấp học này là 41,9%, năm học 2012-2013 giảm xuống 40,92%; loại trung bình năm học 2011-2012 là 5,34%, năm học 2012-2013 giảm xuống còn 3,97%, loại kém năm học 2011-2012 là 0,02% thì đến năm học 2012-2013 không còn.
Việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý giáo dục và GV được tiến hành chưa lâu, song nó có tác dụng tốt, giúp ngành GD-ĐT tỉnh nhà thấy được thực lực của đội ngũ, để có hướng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, GV theo hướng chuẩn hóa, góp phần nâng cao CLGD toàn diện.