Cùng với hàng triệu học sinh (HS) trong cả nước, trên 258 nghìn HS ở các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh đang tưng bừng chuẩn bị bước vào năm học mới 2014-2015. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Bùi Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới và nhiều vấn đề được đông đảo các bậc phụ huynh HS quan tâm.
P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành triển khai trong năm học mới 2014-2015?
Đ/c Bùi Đức Cường: Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm học mới 2014-2015, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngành đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, trong đó nhiệm vụ xuyên suốt vẫn là tiến hành đồng bộ các giải pháp ở tất cả các cấp học, bậc học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn (HS giỏi), tăng số lượng, chất lượng giải tại các kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và tăng tỷ lệ HS đỗ đại học. Ngành cũng tăng cường công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo, hoàn thành công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; tiếp tục củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập, rèn luyện của giáo viên, HS, gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục các cấp; tăng cường đầu tư cho giáo dục ở các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương. Một điểm nữa là ngành tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, tạo khí thế thi đua dân chủ, khách quan, hiệu quả trong toàn ngành. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho HS, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, ma túy xâm nhập vào trường học và giảm thiểu các vụ HS vi phạm trật tự an toàn giao thông, tệ nạn xã hội…
P.V: Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, ngành GD&ĐT tỉnh đề ra những nhóm giải pháp nào để tập trung thực hiện, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Đức Cường: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, ngành đề ra 4 nhóm giải pháp chính.
Nhóm giải pháp thứ nhất là đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý giáo dục; tăng cường thực hiện phân cấp quản lý theo tinh thần Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Năm học 2014-2015, toàn ngành tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục theo Nghị quyết số 44-NQ/CP ban hành ngày 9-6-2014 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Nhóm giải pháp thứ hai, ngành tập trung chỉ đạo các nội dung hoạt động giáo dục trong nhà trường một cách toàn diện ở các cấp học, bậc học. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS, phấn đấu đến hết năm 2014 đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 2.
Nhóm giải pháp thứ ba là chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng. Tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là nâng cao năng lực cho các giáo viên dạy ngoại ngữ để thực hiện tốt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nhóm giải pháp thứ tư là tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và công tác quản lý.
P.V: Năm học 2014-2015 cũng là năm học cuối cùng thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Vậy, ngành đã và đang triển khai những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về lĩnh vực GD&ĐT, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Đức Cường: Một trong những chỉ tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là “Phấn đấu đến năm 2015, có 70% số trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó: Giáo dục mầm non đạt 65%; giáo dục tiểu học 100%; THCS 50%; THPT 20%”. Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này, thời gian qua, ngành GD đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các nghị quyết, đề án để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng trong công tác này. Nhờ vậy, quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục duy trì vững chắc, giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư và có nhiều tiến bộ so với trước. Về cơ sở vật chất giáo dục cũng tiếp tục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học của các trường. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư thực hiện hiệu quả, tính đến ngày 31-7-2014 toàn tỉnh đã có 459 trường chuẩn Quốc gia, đạt trên 70% kế hoạch, tăng 39 trường so với cùng kỳ năm trước. Năm học 2014-2015 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung phấn đấu với quyết tâm cao nhất để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu về GD&ĐT đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
P.V: Một trong những vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh HS có ý kiến là không ít trường học thường đặt ra nhiều khoản thu dưới hình thức “tự nguyện” vào đầu năm học mới? Vậy, ngành GD&ĐTcó những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Đức Cường: Trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc Công văn số 2088 hướng dẫn thực hiện các khoản thu, khoản đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, các trường thực hiện nghiêm túc 3 công khai là: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và công khai thu, chi tài chính. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và thông qua tại cuộc họp phụ huynh HS vào đầu năm học, tiếp đó công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp phụ huynh vào cuối học kỳ và cuối năm học. Tất cả các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai những khoản thu, chi theo quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7-5-2009 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Với những cơ sở giáo dục cố tình vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm theo các quy định hiện hành...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!