Dạy chữ cho trẻ qua trò chơi Game

09:32, 08/11/2014

Đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng công nghệ tin học trong giảng dạy chữ cái tiếng Việt” đã được nhóm sinh viên K8 khoa Công nghệ Máy tính (Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên) lựa chọn dựa trên trò chơi điện tử (Game) đã được Hội đồng khoa học Đại học Thái Nguyên ghi nhận và đánh giá cao .

Từ ý tưởng “chơi mà học”

 

Khi chúng tôi đến, bốn chàng sinh viên K8, niên khóa 2010-2014, Khoa Công nghệ máy tính - Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (Nguyễn Văn Quang, Phạm Ngọc Tân, Lê Tiến Mạnh, Lương Như Thiện) đang say sưa hoàn chỉnh Đề tài nghiên cứu khoa học “Game tương tác và ứng dụng trong giảng dạy chữ cái tiếng Việt” để đăng tải trên Tạp chí Khoa học của Đại học Thái Nguyên. Mỗi người một phần việc, thi thoảng họ lại trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ của “dân lập trình” máy tính (IT), mà người ngoài nghe sẽ không hiểu. Nguyễn Văn Quang - Trưởng nhóm rời chiếc máy tính tiếp chúng tôi. Quang hào hứng vào chuyện: “Gia đình em có cháu nhỏ con anh trai học lớp 1, nhưng mỗi khi luyện chữ, đánh vần cho cháu thấy cậu bé không tập trung lắm, nên rất nhanh quên. Ngược lại, hễ thấy máy tính, điện thoại di động, hay phim hoạt hình ở đâu thì cháu bị cuốn hút một cách kỳ lạ, thậm chí quên ăn để theo dõi... Từ thực tế này, em đã nghĩ ra cách đặt mật khẩu các thiết bị theo chữ cái cháu mới học hôm trước và theo chủ đề, để mỗi khi cháu muốn sử dụng thì phải nhớ các chữ cái, rồi gõ vào mật khẩu để mở thiết bị... Thế rồi cháu đã cải thiện được hơn về việc luyện chữ, đánh vần ghép chữ. Em mang câu chuyện này kể với nhóm bạn và lập tức ý tưởng xây dựng một trò chơi tích hợp trên các thiết bị điện thoại, máy tính để trẻ em luyện học, đọc, ghép vần chữ cái tiếng Việt được cả nhóm hưởng ứng”.

 

Trò chơi “Khỉ con đi tìm kho báu” được cả nhóm tập trung vào viết kịch bản, chủ đề, chủ điểm từ đơn giản đến phức tạp và khó dần để người chơi nâng cao khả năng nhận thức và rèn luyện trí nhớ chữ cái. Cốt chuyện dựa trên cơ sở câu chuyện ngụ ngôn về tính chăm chỉ, cần cù của loài vật, nếu chỉ “há miệng chờ sung” thì sẽ bị chết đói. Hình ảnh chú khỉ thông minh, tinh nghịch đã được mẹ chú dạy cho cách mở chìa khóa vào các kho báu có cả thức ăn và của cải. Nhưng muốn có được thì chú phải nhớ từng loại chữ cái theo số của chìa khóa. Không học thuộc bài, thuộc chữ, đồng nghĩa với việc bị đói khát và bị quỷ dữ tấn công, đe dọa tính mạng. Xung quanh chú khỉ con có cả các bạn cùng học (là nhân vật trong máy tính được lập trình sẵn để tạo tính cạnh tranh), nếu chậm chân thì cũng hết cái ăn và mất cơ hội vào kho báu. Trong trò chơi này, người điều khiển có thể cài đặt, sắp xếp trật tự chữ cái theo sách giáo khoa và theo mức độ khó dần, hoặc lặp lại để trẻ nhỏ chơi có thể tự ôn lại bài.

 

Thành viên của nhóm - Lê Tiến Mạnh tâm sự: “Trẻ em và cả thanh niên ngày nay đều có su hướng thích chơi đồ công nghệ, thậm chí là mê đến quên ăn, quên ngủ. Nhưng nếu biết điều chỉnh và ứng dụng vào những công việc tích cực thì sẽ hiệu quả, còn không chỉ là giải trí vô bổ, hại sức khỏe, dễ bị tự kỷ, nghiện game”. Còn bạn Phạm Ngọc Tân và Lê Như Thiện thì vui tính chia sẻ: “Chúng em không phải dân ngôn ngữ, nay viết phần mềm trò chơi điện tử cho trẻ em lại phải mua nguyên bộ sách lớp 1, lớp 2 về “học lại”. Có những chỗ khó phải tìm đến các cô giáo tiểu học hỏi kinh nghiệm, nhất là những bài học liên quan đến chuyện ngụ ngôn. Nhưng sau một vai thử nghiệm với trẻ nhỏ trong gia đình và tham khảo giáo viên tiểu học tại Trương Mầm non quốc tế Hoa Trạng nguyên, Trường Tiểu học Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) bước đầu được người sử dụng đánh giá cao và phù hợp với giáo trình đang dạy học.

 

Máy tính, điện thoại không chỉ là giải trí đơn thuần

 

Ngày nay việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong giảng dạy là xu hướng phổ biến trong hoạt động dạy và học. Ứng dụng học chữ qua chơi game sẽ giúp cho việc phối hợp dạy học cho trẻ từ nhà trường đến gia đình hiệu quả hơn. Với người lớn, game có thể chỉ là giải trí, thư giãn. Nhưng với trẻ em, ngoài sự giải trí, trò chơi còn là một nhu cầu cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

 

Được biết, khi viết phần mềm và thiết kế trò chơi, nhóm sinh viên này đã đến tham vấn các chuyên gia giáo dục bậc tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên để được hỗ trợ về phương pháp và kỹ năng sư phạm. Phạm Ngọc Tân là người chịu trách nhiệm về khâu viết kịch bản và đã chia sẻ rất say sưa như một chuyên gia: “Trò chơi được xem như một hình thức tổ chức cuộc sống cho trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ em chơi có nghĩa là học. Nhà giáo dục hàng đầu thế giới Arngoroki từng nói: Trò chơi là con đường để trẻ em nhận thức thế giới, là nơi chúng đang sống và là cái chúng nhận thấy cần phải thay đổi".

 

Mặc dù Đề tài nghiên cứu khoa học mới dừng lại ở khâu “khai phá” mang tính chất ý tưởng nhiều hơn, nhưng trên nền tảng những ý tưởng rất thực tế này, hy vọng sẽ sớm được nhân rộng trong thực tế cuộc sống. Hiện nay nhóm đã xây dựng thành 2 phiên bản khác nhau: Một phiên bản đầy đủ chạy trên máy tính, một phiên bản gắn gọn chạy trên các thiết bị di động, như điên thoại cảm ứng, máy tính bảng. Theo Nguyễn Văn Quang và các thành viên của nhóm: Trên nền phần mềm của trò chơi, tương lai nhóm nghiên cứu sẽ có thể tích hợp thêm phần từ điển tiếng Việt vào các từ sau khi ghép vần để người chơi có thể tự nâng cao kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt.