Tạo sức đề kháng cho giới trẻ trước những cạm bẫy của đời sống xã hội

09:38, 25/07/2015

Những năm gần đây, do cơ chế thị trường thay đổi, một số gia đình mải làm ăn nên đã sao nhãng việc dạy dỗ con cái, phó mặc cho các nhà trường; trong khi một số trường học chỉ quan tâm dạy văn hóa, lo truyền đạt kiến thức cho học sinh là chính. Việc rèn luyện đạo đức lối sống, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Có lẽ, đây là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều trẻ em lớn lên suy nghĩ lệch lạc, lười lao động, dễ bị cám dỗ về vật chất, dễ sa ngã dẫn đến vi phạm pháp luật.

Vòng xoáy của cuộc sống hiện đại đầy biến động phức tạp đã làm cho một bộ phận giới trẻ bị suy thoái về đạo đức. Sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống; học sinh, sinh viên thiếu điểm tựa để phấn đấu. Chỉ vì đồng tiền mà con cái có hành vi bất hiếu với cha mẹ, anh em mâu thuẫn, vợ chồng không còn thủy chung...

 

Nhiều vụ án ở những lĩnh vực khác nhau, gây ra hậu quả khác nhau, song đều phản ánh chung một tính chất, đó là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Chỉ vì một cái nhìn "đểu" không thiện chí, hay một va chạm nhỏ, hoặc một lời nói không hài lòng trong cuộc sống thường nhật, họ có thể sẵn sàng với xu hướng “tự xử” theo luật của riêng mình, không nghe bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, hàng xóm tham gia góp ý. Nhẹ thì ném vào nhau vô số những ngôn từ “chợ búa”, nặng thì "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”... Minh chứng biểu hiện cho sự xuống cấp về đạo đức rõ nhất là những vụ án dã man, tàn bạo, mất hết tính người. Chỉ vì một số tài sản không lớn, một thanh niên sẵn sàng bóp cổ chủ nhà nghỉ trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) để cướp của; một thanh niên xông và phòng trọ dùng dao đâm chết bạn gái rồi tự tử tại quận Cầu Giấy; một số vụ về đường dây cung cấp gái bán dâm... Đó là những biểu hiện lệch lạc về lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

 

Đặc biệt, mấy tuần nay, dư luận càng thêm bức xúc, phẫn nộ trước hành sử của những kẻ sát nhân giết hại 6 người trong cùng một gia đình ở Bình Phước, 4 người trong cùng một gia đình ở Nghệ An. Từ một số vụ giết người vô nhân tính thời gian gần đây, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã làm tốt công tác phòng ngừa chưa? Tại sao những năm gần đây những vụ giết người, cướp của dã man, tàn bạo có chiều hướng gia tăng? Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hành vi mất hết tính người nêu trên, song nổi lên vẫn là vấn đề giáo dục đạo đức. Phải chăng, việc kết hợp ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho con em chúng ta đang bị buông lỏng?

 

Đất nước ta đang bước vào hội nhập kinh tế một cách toàn diện. Nhiều mặt tích cực chúng ta đã thấy. Nhiều học sinh, sinh viên ngày càng có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập và rèn luyện với ước mơ, hoài bão và khát vọng lớn, góp sức xây dựng quê hương đất nước. Song, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng dưới tác động của nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, cộng thêm cơ chế mở cửa hội nhập và nhiều nguyên nhân tiêu cực khác đã làm cho không ít học sinh, sinh viên có hành vi sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nhiều hành vi tiêu cực, tệ nạn đã gõ cửa từng gia đình, nhà trường như con cái không nghe lời cha mẹ, ông bà, vô lễ, trộm cắp, bỏ học; cờ bạc, rựơu chè, vi phạm luật giao thông; đánh nhau gây mất trật tự trị an... Một bộ phận giới trẻ có biểu hiện vô cảm, đam mê hưởng thụ, lười lao động, xa hoa lãng phí, thiếu ý thức rèn luyện, không có chí tiến thủ, bị đồng tiền làm lu mờ lý trí, không dám đứng lên đấu tranh cho lẽ phải.

 

Có lẽ, chính sự giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa có sự thống nhất và thiếu đồng bộ là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những biểu hiện không lành mạnh ấy. Quá trình giáo dục tại nhà trường gần như chỉ chú trọng tới kỷ cương nề nếp, làm tốt nội quy là xong, những giáo án nặng tính bài vở, kiến thức mà chưa quan tâm tới giáo dục kỹ năng sống. Chương trình sách giáo khoa của học sinh bậc phổ thông và giáo trình của sinh viên đại học, cao đẳng dù nhiều kiến thức bổ ích nhưng còn quá nặng nề về lý thuyết mà thiếu tính thực tiễn, khó tạo được dấu ấn để hình thành nên nhân cách tích cực cho học sinh, sinh viên.

 

Để góp phần giảm các vụ trọng án, nhất là trong giới trẻ, ngoài nhiệm vụ của lực lượng chức năng, việc huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân cũng hết sức quan trọng. Mỗi người dân nên cảnh giác, tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản, bảo vệ tính mạng của chính mình và người thân trong gia đình. Khi phát hiện những hiện tượng và việc làm bất thường của đối tượng đáng nghi vấn, nên báo ngay cho lực lượng tự vệ tại địa phương, đơn vị, lực lượng công an gần nhất để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý kịp thời. Các gia đình nên sắp xếp công việc hợp lý, dành thời gian thích đáng để phối hợp cùng với nhà trường và xã hội chăm sóc, nuôi, dạy con; bồi đắp cho các em nhân cách của con người mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển ngay từ trong mỗi gia đình. 

 

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã phát động và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chúng ta nên tổng kết, đánh giá, tiếp tục nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả. Đối với lực lượng chức năng, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, công an cần tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ để mỗi cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ gìn tốt an ninh trật tự, góp sức xây dựng cuộc sống bình yên của nhân dân.

 

Chúng ta hãy cùng chung tay tạo sức đề kháng cho thế hệ trẻ tránh những cạm bẫy của đời sống xã hội, sống tốt hơn để đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.