Ghi ở một trường dân tộc bán trú

15:28, 03/09/2017

Đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Liên Minh (Võ Nhai) vào một ngày đầu năm học 2017-2018, được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của Nhà trường và nơi ăn ở của các em, chúng tôi phần nào cảm nhận được những khó khăn mà Nhà trường đang gặp phải và qua đó cũng thấy được sự nỗ lực của thầy và trò nơi đây…  

Cơ sở vật chất xuống cấp

Trường PTDTBT THCS Liên Minh tiền thân là Trường THCS Liên Minh, được thành lập năm 1999. Trường hiện có 22 cán bộ, trong đó có 16 thầy, cô giáo, tỉ lệ đạt chuẩn là 100%. Năm học này, Trường có 179 học sinh, trong đó trên 50% là người dân tộc thiểu số, hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn. Do khoảng cách từ nhà đến trường của phần đông học sinh khá xa (từ 5km trở lên) nên thường có tới 120 em phải bán trú tại Trường. Tuy nhiên, chỉ có 32 em được ở trong Trường, còn 88 em phải trọ bên ngoài.

Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thị Thúy Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường PTDTBT THCS Liên Minh hiện có 7 phòng học và 5 phòng chức năng, đều được xây dựng từ năm 1999 nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần mái lợp tấm prôxi-măng bị dột nhiều chỗ nên đầu năm 2017, chúng tôi đã phải thay thế bằng những tấm prô-xi măng khác, nhưng đó cũng chỉ là cách khắc phục tạm thời. Khu nhà trọ gồm 6 phòng của các em cũng rất trật trội. Mỗi phòng chỉ rộng 11m², được bố trí giường tầng cho 7-8 em. Phần mái nhà trước cũng được lợp bằng tấm proxi-măng nhưng đến năm 2012 thì được lợp lại bằng mái tôn và làm trần cót tạm bợ. Mỗi phòng có 2 quạt treo tường, 1 bóng điện. Ngoài ra, còn có 1 góc công trình phụ 5m2 dành để nấu ăn bằng củi và nhà tắm. Cứ 2-3 em nấu chung 1 nồi cơm và thức ăn. Do Trường chưa có giếng khoan nên các em phải sử dụng nguồn nước giếng của UBND xã Liên Minh bên cạnh Trường. Cực nhất là khu nhà vệ sinh của các em không đảm bảo, vì chưa có công trình tự hoại. Khó khăn là thế, nhưng thầy và trò Nhà trường vẫn rất cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Điều này phần nào được minh chứng qua kết quả của năm học vừa qua, khi mà tỉ lệ học sinh khá, giỏi của Nhà trường đạt trên 35%; tỉ lệ các em học lên bậc THPT chiếm trên 90%; một số em đã đỗ và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

Nỗ lực đến trường

Với những học sinh ở các xóm Khuôn Nang, Ngọc Mỹ, Nác, khoảng cách từ nhà đến trường tới trên dưới 10km đường rừng núi, nên việc đi lại đối với các em được xem là trở ngại lớn nhất và điều đó cũng cho thấy sự quyết tâm rất lớn từ phía gia đình và các em trong hành trình theo đuổi con chữ. Bên cạnh những gia đình có điều kiện đưa đi đón về hàng tuần thì vẫn có không ít em phải tự “cuốc bộ” đến trường. Em Bàn Thị Luyến, học sinh lớp 9A, nhà ở xóm Nác kể: Lẽ ra, năm nay em và em gái (Bàn Thị Tiếp, lớp 7A) phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ làm nương, rẫy. May mà có thầy, cô đến thuyết phục nên bố mẹ đã đồng ý cho chị em em đi học lại. Chính vì thế mà năm nay, chị em em nhập học muộn hơn các bạn 1 tuần. Cứ đến chiều thứ 7, chị em em cùng vài bạn nữa lại đi bộ về nhà. Vừa đi vừa nghỉ mất khoảng 3 tiếng rưỡi. Chiều chủ nhật, chúng em lại đi bộ từ nhà đến trường. Ánh mắt nhìn xa xăm, Luyến nói giọng buồn buồn: Chắc em cũng chỉ được học hết lớp 9 là phải ở nhà. Bố em bảo, học tiếp cũng chẳng để làm gì. Còn nếu nghỉ sớm thì có thêm người làm… Cùng chung quãng đường với chị em Luyến, em Bàn Thị Hằng, học sinh lớp 6A, nhà cũng ở xóm Nác cho biết: 3 tuần vừa qua đi học thì có 2 tuần em về nhà. Chỉ có lần đầu em được mẹ đưa đi, còn những lần sau, em phải tự đi bộ với các bạn. Nhà em xa hơn nhà chị Luyến nửa tiếng đi bộ. Mỗi tuần, em được mẹ cho 3kg gạo và 50 nghìn đồng để mua thức ăn. Em nấu ăn chung cùng 2 bạn nữa.

Được biết, theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mỗi tháng, các em Trường PTDTBT THCS Liên Minh được Nhà nước hỗ trợ tiền sinh hoạt bằng 40% mức lương cơ sở (tương đương với 520 nghìn đồng) và tiền thuê là 130 nghìn đồng, cùng 15kg gạo. Với mức hỗ trợ này, trên thực tế đã cơ bản đủ cho các em duy trì việc ăn học. Tuy nhiên, do nhiều gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn nên các em còn bị bố mẹ cắt bớt phần hỗ trợ được hưởng khi đi học.

Tấm lòng của thầy, cô

Quản lý và dạy dỗ các em trong điều kiện còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng các thầy, cô Nhà trường vẫn luôn nỗ lực hết mình để chăm lo cho việc học  tập và sinh hoạt hằng ngày của các em. Cô Phạm Thị Thúy Sơn chia sẻ: Lẽ ra, ở lứa tuổi các em đang được sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên của gia đình trong việc ăn uống, học hành, thậm chí là cả giấc ngủ. Nhưng ở đây, mọi sinh hoạt, các em đều phải tự làm. Cũng chính vì vậy, khi về Trường, thầy, cô giáo phải dạy các em từ cách đánh răng, quét nhà, nấu cơm… Để quản lý học sinh và dễ liên lạc, vận động gia đình các em, Nhà trường phân công cứ 1-2 thầy cô lại phụ trách, quản lí học sinh 1 xóm. Nhờ đó, năm học 2017-2018, chỉ có 1 học sinh bỏ học theo gia đình về Hà Nội tìm việc làm. Cô Phạm Thị Thúy Sơn cho biết thêm: Trong việc dạy dỗ học sinh,khó khăn đến mấy các thầy cô đều có thể khắc phục, nhưng về cơ sở vật chất thì chúng tôi lực bất tòng tâm. Chúng tôi chỉ biết đề nghị lên cấp trên quan tâm hơn nữa đến Nhà trường trong việc đầu tư cơ sở vật chất các phòng học, phòng chức năng, dụng cụ, thiết bị dạy học; dãy nhà ở của các em cũng rất thiếu và quá trật trội; nhiều hạng mục thiết yếu chưa được đầu tư…

Thiết nghĩ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục ở các xã miền núi, vùng cao trong những năm qua đã có những thay đổi đáng kể, nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn rất thiếu. Hy vọng một ngày không xa, những mong muốn chính đáng của cô Sơn và các em học sinh nơi đây sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư, để các thầy, cô giáo yên tâm, gắn bó hơn với nghề, đồng thời tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh, giúp các em vươn tới một tương lai sán lạn.