Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực là một biện pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Với các môn khoa học xã hội, việc đổi mới phương pháp giảng dạy không đơn giản, bởi tại nhiều cơ sở giáo dục chủ yếu vẫn “dạy chay, học chay”, lấy thuyết trình làm chính. Từ thực tế giảng dạy các môn khoa học xã hội hiện nay của đội ngũ giáo viên phần nào cho thấy: Ứng dụng công nghệ thông tin càng hiện đại thì khâu chuẩn bị của người giáo viên đứng lớp càng phải kỹ và thoát ly giáo án nhiều hơn.
Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội nhằm tạo cho người học sự say mê, hứng thú từ đó nâng cao chất lượng học tập. Ở Trường THPT Đại Từ, việc yêu cầu giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chuẩn bị bài giảng điện tử và trình bày bài giảng ngày càng chặt chẽ. Cô giáo Vũ Thị Loan, giáo viên Văn (Đạt Xuất sắc trong Kỳ thi giáo viên dạy Giỏi cấp tỉnh 2017) chia sẻ: “Khi công nghệ thông tin bùng nổ, việc tiếp nhận các thông tin tham khảo cho một vấn đề xã hội hay tác phẩm văn học nào đó là rất dễ dàng với cả người dạy và người học. Nếu như giáo viên không làm chủ kiên kiến thức, không tạo được sự cuốn hút, chú ý hay hướng tâm cho người học theo một lối tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất và nhớ lâu nhất, thì bài giảng đó coi như không có tác dụng gi nữa. Bởi nói ra những điều mà tất cả học sinh đã biết thì trở thành nhàm chán. Trước những tác phẩm: Tắt đèn của Ngô Tất Tố - trích đoạn “Tức nước vỡ bờ; Chí Phèo của Nam Cao, chúng tôi chỉ định hướng rồi cho học sinh tham khảo trước. Có khi lên lớp tôi dành chủ yếu thời gian cho các em xem lại phim ảnh để có những cảm nhận mang tính trực quan, sau đó mới giảng bài. Thành công nhất là tìm hiểu tác phẩm trước rồi xem phim, hầu như học sinh đều rơi nước mắt cảm động, hay có những cảm xúc phẫn nộ về nỗi oan ức do chế độ phong kiến lúc bấy giờ để từ đó có cái nhìn nhân văn hơn, cảm nhận được bối cảnh lịch sử đất nước, con người. Tuy nhiên để làm được việc này là cả một quá trình chuẩn bị cầu kỳ và thậm chí là vượt cả định mức thời gian biểu”.
Ở môi trường đào tạo sinh viên đại học, Khoa Văn xã hội, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên lại chọn phương pháp giảng dạy Truyện Kiều (Nguyễn Du) bằng hình thức sân khấu hóa trong các trích đoạn. PGS,TS. Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trong bối cảnh thông tin đa phương tiện, đa chiều thì sinh viên có quyền lựa chọn cho mình cách học tốt nhất và sinh viên có thể học thuộc Truyện Kiều, cũng như có nững phân tích rất sắc sảo. Nhưng chúng tôi thực hiện đổi mới phương pháp day và học có lựa chọn. Điều quan trọng là người học cảm nhận được và nhập tâm với tác phẩm văn học, chứ không chỉ thuộc và biết theo dạng tóm tắt. Đơn cử như trích đoạn "Thúy Kiều báo ân báo oán", Khoa Văn xã hội đã cho sinh viên nhập vai diễn theo hình thức sân khấu. Rõ ràng sau khi nghiên cứu tác phẩm, mỗi nhân vật nhập vai đều bộc lộ đúng trạng thái, tâm thế và diễn biến tình cảm. Mỗi cử chỉ, lời nói của nhân vật đều là thơ là văn và là số phận một con người. Người diễn, người xem đều có thể cảm động và thấy được lương tâm, giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội của mình trong đó, trong đó nổi bật giá trị nhan văn cao cả, lòng bao dung và vị tha.“Thúy Kiều báo ân báo oán” miêu tả cảnh Kiều đền ơn đáp nghĩa những người đã cưu mang giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn, đồng thời trừng trị những kẻ bất nhân, tàn ác nhưng đầy lòng nhân nghĩa vị tha của Kiều, đồng thời thể hiện ước mơ, khát vọng công lí chính nghĩa của nhân dân. Cách học, khai thức tác phẩm văn học như vậy vừa nhẹ nhàng mà tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm cũng như giáo dục rèn luyện nhân cách sinh viên tốt hơn”.
Đối với cô giáo Bùi Thu Hường, dạy môn Lịch sử Trường THCS Định Biên (Định Hóa) cho biết: “Địa phương sẵn có di tích lịch sử Đình làng Quặng, nơi diễn ra Lễ thành lập Việt Nam Giải phóng quân (15/5/1945) - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được diễn ra tại thửa ruộng Nà Nhậu (phía trước ngôi đình làng Quặng). Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh), nên chúng tôi thường tổ chức cho các em học tập dã ngoại, giảng bài ngay tại địa điểm di tích. Cách dạy học này học sinh dễ nhớ hơn và không bị gò ép, căng cứng mà ai cũng thấy trào dâng niềm tự hào với quê hương”.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trường Trường THSC Nha Trang (T.P Thái Nguyên) tâm sự: “Việc thực đổi mới dạy học các môn học, nhất là các môn xã hội được Chi bộ Nhà trường xây dựng thành Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trường đã xây dựng chỉ tiêu hàng năm giáo viên phải có ít nhất 20% số giờ áp dụng phương pháp dạy học mới, nghĩa là có hoạt động trải nghiệm, có tích hợp công nghệ có đối thoại, thảo luận và tự luận. Hàng năm Trường tổ chức cho học sinh tham quan học tập tại các địa diểm di tích lịch sử theo chuyên đề, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Văng hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Quân khu I cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, như xây dựng kịch bản trích đoạn Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho học sinh nhập vai nhân vật… Cách học mới học sinh học tốt hơn, tập trung hơn và quan trọng là cuốn hút người học tham gia có trách nhiệm trong các công việc của môn học”.
Có thể nói, việc chủ động đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội là xu thế tất yếu trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thực tế công việc chuẩn bị cho một bài giảng mang tính trải nghiệm và thực tế, tích hợp đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ hơn nhiều đối với giáo viên trong việc soạn giáo án và lên kế hoạch chương trình. Đặc biệt trong các hoạt động trải nghiệm cần có sự hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện di chuyển dã ngoại, phí tham quan, thuê trang phục…Để giải quyết các vấn đề phát sinh này, hiện nay các trường và giáo viên vẫn chủ động đi vận động tài trợ, cộng tác giúp đỡ của các đơn vị làm dịch vụ, như vận tải, điểm di tích, bảo tàng và các phòng văn hóa…