Năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng, khi toàn bộ các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được cấp chứng nhận kiểm định tiêu chuẩn chất lượng Quốc gia. Đây chính là sự khẳng định về tiêu chuẩn đào tạo, chuẩn đầu ra và chất lượng, sản phẩm nghiên cứu khoa học để chủ động kết nối và hội nhập Quốc tế của một đại học vùng.
Là một trong 5 Đại học của Việt Nam thực hiện theo mô hình Đại học hai cấp và là một trong ba đại học vùng của cả nước được giao trọng trách là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong khu vực và cả nước. Đồng thời, Đại học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Với đội ngũ trên 4.300 cán bộ viên chức, trong đó số cán bộ giảng dạy là 2.757 (với 13 giáo sư, 117 phó giáo sư, 586 tiến sĩ, trên 2.182 thạc sĩ); có 6 nhà giáo nhân dân, 70 nhà giáo ưu tú, 9 thầy thuốc ưu tú, ĐHTN đã và đang tạo dựng những giá trị mới về tri thức, về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Hiện nay, ĐHTN đào tạo đại học chính quy là 49.000 người, đào tạo vừa làm vừa học là 14.619 người, đào tạo sau đại học là 4.005 người và liên kết hợp tác đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ với trên 50 trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên thế giới.
Những năm qua, với vai trò là Đại học trọng điểm quốc gia có vị trí quan trọng ở khu vực phía Bắc, Đại học Thái Nguyên chủ yếu tập trung phát triển các ngành nghề đào tạo các bậc học từ đại học trở lên. Hiện nay, ĐHTN đào tạo 142 chuyên ngành trình độ đại học và cao đẳng; 57 chuyên ngành và chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, 13 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa I; 7 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa II; 4 chuyên ngành bác sĩ nội trú; 32 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 12 chuyên ngành tiến sĩ đào tạo theo Đề án 911. Trong đó, có 8 chương trình tiên tiến ở trình độ đại học được nhập khẩu và giảng dạy bằng tiếng Anh; 14 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện, ĐHTN đã đổi mới khung chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo theo học chế tín cho 100% ngành học, bậc học; thực hiện liên thông giữa các chương trình đào tạo; 100% chương trình đào tạo được rà soát, sửa đổi, bổ sung và cập nhật theo nhu cầu xã hội; thực hiện xây dựng chuẩn đầu ra, công khai hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành và trình độ đào tạo; phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm gắn với việc thực hiện 5 tài liệu bắt buộc đối với giảng viên đứng lớp; thực hiện mô hình gắn kết giữa trường đại học với các đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, năng lực thực tiễn của người học.
Hiện nay, ĐHTN có hợp tác nghiên cứu với nhiều nước trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Hàn quốc, Đức, Australia, Israel... và thường xuyên có các nhà khoa học, chuyên gia chỉ đạo và tham gia các dự án quốc tế song phương về khoa học-công nghệ (KH-CN).
Nhiều đề tài nghiên cứu đã giải quyết những vấn đề do sản xuất đặt ra, tạo ra các sản phẩm KH-CN được đăng ký sở hữu trí tuệ như: Giống lúa Nông lâm số 3 và Nông lâm số 7, sản phẩm phân hữu cơ sinh học và vi lượng đất hiếm... Nhiều chương trình chuyển giao công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực như: Mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) triển khai trên 9 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc được trao "Giải thưởng Bông lúa vàng"...
Chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, đã có 3 sản phẩm khoa học được đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế; 60 công trình nghiên cứu khoa học được tặng giải thưởng, trong đó có 02 giải thưởng Kovalevskaia và 03 giải nhất “Tài năng khoa học trẻ”.
Từ khi thành lập đến nay, ĐHTN đã thực hiện trên 15.000 đề tài, dự án khoa học các cấp, trong đó có 13 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 11 đề tài nghiên cứu theo nghị định thư và 31 đề tài nghiên cứu cơ bản, trên 1.528 đề tài, dự án khoa học cấp Bộ, trên 14.000 đề tài khoa học cấp cơ sở và sinh viên; đăng trên 6.000 bài báo khoa học trên các tạp chí, sách KH-CN trong và ngoài nước, trong đó có gần 900 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí KH-CN quốc tế; thực hiện trên 120 chương trình, dự án hợp tác NCKH, chuyển giao công nghệ với 13/16 tỉnh thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc và các doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 1.900 tỷ đồng; nhiều đề tài khoa học, chương trình chuyển giao công nghệ, mô hình sản xuất được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo và phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo.
Năm 2018 ĐHTN tiếp tục triển khai chương trình KH-CN Tây Bắc, kết nối phối hợp với Ủy ban Dân tộc và đặc biệt là chương trình hợp tác KH-CN với tỉnh Thái Nguyên trị giá 100 tỷ đồng, hiện đã có 02 đề tài và 16 đề xuất được cấp Tỉnh thông qua. Trong hoạt động hợp tác quốc tế, ĐHTN đã thực hiện được trên 100 chương trình, dự án quốc tế; thu hút được trên 64 triệu USD. Nhiều công trình lớn, phòng thí nghiệm trọng điểm được xây dựng từ nguồn kinh phí tài trợ của các dự án quốc tế như: Trung tâm Học liệu (7,5 triệu USD), Ký túc xá của Trường Đại học CNTT&TT (2,5 triệu USD), dự án ODA của Italia đầu tư thiết bị nghiên cứu (1,4 triệu USD)...Hiện nay ĐHTN và các đơn vị tiếp tục thực hiện 13 dự án (trong đó có 08 dự án mới) do các tổ chức quốc tế của Hà Lan, Bỉ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Ba Lan tài trợ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 298.221,11 USD. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án ERASMUS Plus, Dự án ENHANCE Châu Âu…
Thông qua hoạt động KH-CN, nhiều tập thể và cá nhân đã được nhận các giải thưởng cao, tiêu biểu như: GS.TS Nguyễn Khánh Quắc cùng nhóm cán bộ ngành Chăn nuôi đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000); GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn nhận giải thưởng Kovalevskaia (năm 2011); GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan nhận giải thưởng Kovalevskaia (năm 2014); hàng năm có từ 20 - 30 đề tài được nhận giải thưởng "Tài năng Khoa học Trẻ Việt Nam", Đại học Thái Nguyên đã 4 lần được Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen về thành tích hoạt động KH-CN, các trường thành viên của Đại học cũng nhận được nhiều bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, của các tỉnh trong Vùng và cả nước về hoạt động KH-CN.
Qua 23 năm xây dựng và phát triển, ĐHTN đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 120.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học và hàng nghìn cán bộ có trình độ trung cấp và công nhân nghề. Nhiều người đã trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số cán bộ do Đại học đào tạo có 11 người đã và đang giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, trên 30 người đã và đang giữ các chức vụ Chủ tịch, Bí thư cấp tỉnh, Bộ trưởng ở Trung ương, gần 100 người đang đảm nhiệm các chức vụ Thứ trưởng, Phó chủ tịch tỉnh, hàng trăm người giữ chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch cấp huyện và nhiều cán bộ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn….
Sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ của ĐHTN chính là cơ sở của thành công, là điều kiện vững vàng hội nhập Quốc tế.