Trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa Thái Nguyên hiện nay chưa có trường, lớp mầm non phục vụ con công nhân làm việc tại KCN. Hầu hết cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn được xây dựng theo quy hoạch cũ của địa phương và từ nguồn ngân sách của tỉnh cũng như của cá nhân đầu tư chưa tưng xứng với quy mô, dự báo phát triển của các KCN. Dự tính trong thời gian tới, khi các KCN phát triển, nhu cầu cho trẻ đến trường học tăng lên sẽ tạo áp lực quá tải về trường, lớp.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 6 KCN, mỗi khu được quy hoạch từ 200ha trở lên, đến nay đã có 4 KCN đã đi vào hoạt động (KCN Sông Công I, KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình và KCN Nam Phổ Yên), thu hút trên 102 nghìn lao động. Trong số công nhân tại các KCN có đến gần 80% là lao động nữ, độ tuổi bình quân là 23,5 và có gần 50 nghìn công nhân lưu trú tại ký túc xá tại chỗ trong KCN và trọ tại các khu dân cư gần KCN thuộc T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình, T.P Sông Công và T.P Thái Nguyên. Thông qua các dữ liệu khảo sát thống kê của ngành Giáo dục có thể thấy, tỷ lệ nữ lao động trong độ tuổi sinh sản chiếm rất cao và ở tập trung tại các KCN số lượng lớn, trong tương lai tại các KCN cần sớm hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế mang tính chất chủ động và đón đầu. Kết quả khảo sát tại T.X Phổ Yên đầu năm 2018 cho thấy vấn đề áp lực quá tải về trường lớp đang ngày càng gia tăng và dự báo sẽ lan rộng sang các địa phương khác.
Hiện nay T.X Phổ Yên có 24/26 trường mầm non có số trẻ quá tải lên tới 2.040 cháu. Sự quá tải này dự báo trong tương lai gần các bậc học tiểu học, trung học cơ sở sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng này, nhất là xu hướng các khu công nghiệp phát triển, tăng số lượng công nhân lao động. Đồng chí Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng GD&ĐT T.X Phổ Yên chia sẻ: “Việc gia tăng dân số cơ học đã tạo áp lực với ngành Giáo dục: Chỉ tính 3 năm học, số trẻ trên địa bàn liên tục tăng, cụ thể: Năm học 2015-2016, số lớp là 329 với 10.876 trẻ; năm học 2016-2017, số lớp 347 tương ứng số trẻ là 11.407; năm học 2017-2018, số lớp tăng lên 360 và số trẻ tăng lên là 12.302. Sự quá tải các trường mầm non dẫn tới chất lượng dạy học và chăm sóc trẻ không bảo đảm được tốt, giáo viên phải làm từ 9-11 tiếng đồng hồ mỗi ngày, thay vì 8 tiếng theo quy định. Nhiều lớp học quá tải giáo viên phải làm việc thông tầm, không được nghỉ trưa. Sự quá tải bậc học mầm non là dự báo các bậc học tiếp theo sẽ đối mặt với tình trạng quá tải. Hiện đã có 4/28 trường tiểu học trên địa bàn thị xã quá tải do tăng dân số cơ học”.
Qua tìm hiểu tại một số trường mầm non T.X Phổ Yên giáp với KCN Yên Bình cho thấy, hầu hết các trường, lớp đều vượt quá số lượng quy định. Cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hương cho biết: Năm học 2017-2018, Nhà trường có 15 nhóm lớp với 618 trẻ. Theo quy định, trung bình mỗi nhóm lớp chỉ được có từ 25 - 35 trẻ. Tuy nhiên, do thiếu phòng học và giáo viên nên thực tế số trẻ trung bình/nhóm lớp của Nhà trường là 41 em/nhóm lớp, cá biệt có những nhóm lớp quy mô lên đến 51-52 cháu. Số trẻ quá tải là 171 cháu, Nhà trường không thể không nhận được. Trường đã phải sử dụng cả phòng âm nhạc, sửa chữa và cải tạo khu nấu ăn, nhà để xe để làm phòng học.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tiến 1 trăn trở: Cơ sở vật chất của Nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân địa phương, trong khi đó Trường còn phải nhận thêm trẻ là con em công nhân lao động tại KCN Yên Bình dẫn đến ngày càng quá tải. Ba năm học gần đây (2015-2016-2017) năm nào Trường cũng nhận lượng hồ sơ tăng vượt chỉ tiêu từ 100, đến 150, vì vậy, năm học tới Nhà trường không có chỉ tiêu dành cho tuyển sinh mới mà chỉ ưu tiên tuyển sinh trẻ 5 tuổi để đảm bảo công tác phổ cập giáo dục.
Nhận định về vấn đề này, đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Do các khu công nghiệp phát triển nhanh về quy mô lao động nên việc xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục (nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ, lớp mẫu giáo…) chưa kịp hoàn thiện. Nhiều KCN khi xây dựng đề án chưa có quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi cho công nhân hoặc có nhưng chưa hoàn thiện, chờ kinh phí đầu tư dẫn đến xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non trong các KCN khó thực hiện. Hiện tại công nhân gửi trẻ, cho con đi học chưa nhiều, phần lớn là người địa phương nên cho con theo học tại các trường địa phương, hoặc họ được xe của các doanh nghiệp đưa, đón về gia đình thuộc các địa phương khác và đa số công nhân chưa xây dựng gia đình, nên áp lực gửi trẻ, cho con theo học tại các KCN chưa gia tăng mạnh ở diện rộng, nhưng cũng đã đến lúc báo động”.
Được biết, trước mắt, tỉnh và các địa phương đang tập huy động các nguồn lực sửa chữa chống xuống cấp và kiên cố hóa, tận dụng diện tích đất, tu sửa các phòng chức năng, phòng xuống cấp để khắc phục tình trạng quá tải, đảm bảo trẻ em được đến lớp đúng độ tuổi. Một trong những giải pháp quan trọng và bảo đảm tính bền vững mà tỉnh và ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm đó là đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng hệ thống trường dân lập, tư thục tham gia tích cực vào quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 12 trường mầm non ngoài công lập, đây chính là những bước đi ban đầu mở rộng xã hội hóa và đa dạng hóa loại hình trường lớp mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.